Những phụ nữ tiên phong chống biến đổi khí hậu
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vừa diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các nhà hoạt động xã hội và nữ quyền đang kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào hành động khí hậu.
Dưới đây là những phụ nữ tiên phong về khí hậu:
Wanjira Mathai (Kenya)
Với hơn 20 năm kinh nghiệm vận động cho sự thay đổi xã hội và môi trường, bà Wanjira Mathai lãnh đạo phong trào "Vành đai xanh", một tổ chức cơ sở bản địa mang tính biểu tượng ở Kenya, nhằm trao quyền cho phụ nữ thông qua việc trồng cây do mẹ của bà là Wangari Maathai - Người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2004 - thành lập.
Mathai hiện là giám đốc điều hành quan hệ đối tác toàn cầu và châu Phi tại Viện Tài nguyên Thế giới, đồng thời là Chủ tịch của Quỹ Wangari Maathai. Bà hiện là cố vấn khu vực châu Phi cho Quỹ Trái đất Bezos, cũng như cho Liên minh Nấu ăn Sạch và Quỹ Khí hậu châu Âu.
"Chúng ta cần hỗ trợ các sáng kiến địa phương như các doanh nhân kinh doanh bền vững và các công việc do cộng đồng lãnh đạo liên quan đến năng lượng tái tạo và nền kinh tế tuần hoàn. Những nỗ lực từ dưới lên như thế này mang lại cho tôi hy vọng vì chúng cho chúng ta thấy những gì có thể thực hiện được", bà nói.
Natalia Idrisova (Tajikistan)
Những phụ nữ sống ở vùng xa xôi của Tajikistan thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn năng lượng như điện hoặc củi. Điều phối viên dự án từ thiện môi trường Natalia Idrisova đã tìm kiếm các giải pháp thiết thực cho cuộc khủng hoảng năng lượng này và giáo dục phụ nữ về tài nguyên thiên nhiên cũng như các công nghệ, vật liệu tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh việc đào tạo, tổ chức của cô còn cung cấp các thiết bị tiết kiệm năng lượng, bếp sử dụng năng lượng mặt trời và nồi áp suất, giúp phụ nữ có thêm thời gian và hỗ trợ bình đẳng giới trong gia đình theo cách thân thiện với khí hậu. Hiện Idrisova đang đào tạo cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu đến người khuyết tật và tìm cách đảm bảo những tiếng nói này được lắng nghe.
Sonia Kastner (Mỹ)
Năm 2023 đã chứng kiến những vụ cháy rừng hoành hành tại một số khu rừng lớn trên thế giới. Trước tình hình lính cứu hoả gặp nhiều khó khăn trong việc kiềm chế đám cháy, cô Sonia Kastner đã thành lập công ty khởi nghiệp Pano AI để giúp phát hiện cháy sớm hơn sau hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ đa dạng ngành nghề.
Pano AI sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) để phản ứng nhanh hơn trước khi đám cháy lan rộng bằng cách dò quét khung cảnh, phát hiện bất kỳ tín hiệu gây cháy và cảnh báo. Pano AI gắn camera trang bị AI trên tháp di động để phát hiện khói và gửi cảnh báo đến khách hàng của mình, trong đó có Sở cứu hỏa, công ty tiện ích, khu trượt tuyết.
Anna Huttunen (Phần Lan)
Là một người đam mê giao thông bền vững, cô Anna Huttunen thúc đẩy việc đi lại "xanh" hơn, sạch hơn ở thành phố Lahti (Phần Lan), nơi được trao giải Thủ đô Xanh châu Âu 2021. Huttunen lãnh đạo mô hình kinh doanh carbon cá nhân mang tính đột phá của thành phố.
Đây là ứng dụng đầu tiên trên thế giới cho phép người dân kiếm tiền bằng cách sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như đi xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng. Cô làm cố vấn về các thành phố trung hòa về khí hậu cho NetZeroCities, một tổ chức giúp các thành phố châu Âu phấn đấu đạt được mức trung hòa về khí hậu vào năm 2030.
Huttunen đặt mục tiêu khiến mọi người chọn việc đi lại bền vững và là người ủng hộ nhiệt tình cho việc đi xe đạp, điều mà cô coi là tương lai của giao thông ở các thành phố.
Louise Mabulo (Philippines)
Năm 2016, cơn bão Nock-Ten tàn phá nhiều vùng ở Camarines Sur (Philippines), phá hủy 80% diện tích đất nông nghiệp. Louise Mabulo đã thành lập Dự án Cacao sau cơn bão nhằm mục đích cách mạng hóa hệ thống thực phẩm địa phương thông qua nông-lâm kết hợp bền vững.
Cô Mabulo trao quyền cho nông dân, dỡ bỏ các hệ thống thực phẩm mang tính hủy diệt và ủng hộ nền kinh tế "xanh". Cô tư vấn về chính sách khí hậu quốc tế, nhấn mạnh những câu chuyện và kiến thức về nông thôn. Cô được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công nhận là Nhà vô địch trẻ của Trái đất.
"Tôi tìm thấy hy vọng khi biết rằng các phong trào trên khắp thế giới đang được xây dựng bởi những người giống như tôi. Chúng tôi hướng tới một tương lai với cảnh quan xanh, kết nối các cộng đồng, nơi thực phẩm của chúng ta bền vững và dễ tiếp cận, nơi nền kinh tế của chúng ta tuần hoàn và được thúc đẩy bởi nguyên tắc công bằng", cô tâm sự.
Sagarika Sriram (UAE)
Sagarika Sriram đang thúc đẩy nội dung giáo dục về khí hậu là bắt buộc trong trường học. Sử dụng các kỹ năng lập trình, cô đã thiết lập một nền tảng trên mạng Kids4abetterworld, được thiết kế để hỗ trợ trẻ em trong các dự án về tính bền vững trong cộng đồng của mình.
Cô đã hỗ trợ dự án này với các buổi hội thảo về môi trường trên mạng hay gặp trực tiếp, giảng dạy cho các em về cách tạo tác động tích cực, chống biến đổi khí hậu. Vừa học dự bị đại học ở Dubai, Sriram còn tham gia nhóm cố vấn cho Ủy ban Nhân quyền Trẻ em Liên hợp quốc, nơi cô ủng hộ mạnh mẽ cho các quyền liên quan đến môi trường.
Nguồn: BBC, UN Women