Những người già thay đổi thế giới: 65, 75 tuổi vẫn hăng say làm việc, chưa hề có ý định nghỉ hưu
Năm 2020 sẽ là mốc khởi đầu cho thập kỷ của nhóm dân số mà The Economist gọi là "the yold", hay "the young old", tức những người trong độ tuổi từ 65 – 75, những người già trẻ nhất.
Đây là những người cao tuổi nhất của thế hệ babyboomer, sinh ra từ năm 1955 – 1960, thời kỳ bùng nổ dân số ở các nước giàu sau thế chiến thứ hai. Tuổi nghỉ hưu thông thường là 65, do đó những người này sẽ nghỉ hưu vào các năm từ 2020 đến 2025. Nhưng ngày càng có nhiều người lựa chọn tiếp tục làm việc và kết nối với xã hội, và xu hướng này được dự báo sẽ khiến cả thế giới thay đổi, giống như cách mà thế hệ babyboomer đã làm vài lần trong các giai đoạn trước đây trong cuộc đời họ.
So với người già của các thế hệ trước, nhóm "yold" đông hơn, khỏe mạnh hơn và giàu có hơn. Theo dự báo đến năm 2020 các nước phát triển sẽ có 134 triệu người từ 65-74 tuổi (tương đương 11% tổng dân số), so với mức 99 triệu (tương đương 8%) trong năm 2000. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ nhóm tuổi nào.
Khi bạn càng già thì sức khỏe sẽ càng yếu đi, nhưng nhóm "yold" đang tỏ ra khỏe mạnh: theo WHO, tuổi thọ trung bình ở các nước phát triển đã tăng thêm 3,7 năm từ năm 2000 đến 2015, trong đó 3,2 năm là sức khỏe tốt.
Nhóm này cũng giàu có hơn: từ năm 1989 đến 2013, trung bình tài sản của các hộ gia đình Mỹ có người trên 62 tuổi làm trụ cột đã tăng thêm 40%, trong khi tài sản của các nhóm tuổi khác suy giảm.
Theo số liệu thống kê năm 2016, hơn 20% người trong độ tuổi 65 – 69 ở các nước phát triển vẫn đang làm việc, và con số đang tăng rất nhanh. Làm việc cũng chính là một trong những nhân tố giúp họ khỏe mạnh hơn. 1 nghiên cứu của Đức cho thấy những người vẫn còn làm việc sau khi bước qua tuổi nghỉ hưu thông thường sẽ có thể trì hoãn quá trình suy giảm nhận thức do tuổi già gây ra thêm 1 năm rưỡi.
Nhóm "yold" đang thách thức các ý niệm truyền thống về nghỉ hưu, phá vỡ hình ảnh truyền thống là những người già đi dép lê loẹt quẹt và quanh quẩn ở nhà để trông nom cháu chắt. Từ đó họ cũng gây ra nhiều xáo trộn cho thị trường tài chính cũng như ngành dịch vụ và tiêu dùng.
Những người trên 60 tuổi đang là nhóm khách hàng tăng trưởng nhanh nhất của ngành hàng không. Họ đóng vai trò quan trọng đối với ngành du lịch vì chi tiêu nhiều hơn đáng kể khi đi du lịch nước ngoài so với những người trẻ. Họ cũng thay đổi cả ngành giáo dục. Tại Harvard, số học viên của khoa sau đại học lớn hơn cả số sinh viên đại học. Và, bởi vì tầm quan trọng của lương hưu, họ cũng đang biến đổi các công ty bảo hiểm từ chỗ là nhà phân phối các tài sản cố định một cách thụ động sang các nhà cung cấp dịch vụ tài chính giúp đỡ các khách hàng muốn đầu tư tiền lương hưu một cách chủ động hơn.
Sự nổi lên của nhóm "yold" sẽ là đòn bẩy cho nền kinh tế, cho xã hội và cho chính họ. Nhiều ông chủ doanh nghiệp và bộ phận nhân sự của các công ty nghĩ rằng năng suất sẽ suy giảm cùng tuổi tác, nhưng nghiên cứu thực hiện trên các công ty sản xuất xe đầu kéo và bảo hiểm ở Đức cho thấy những người già hơn thậm chí có năng suất nhỉnh hơn mức trung bình (và 1 nhóm gồm nhiều thế hệ sẽ đạt năng suất cao nhất). Xã hội cũng hưởng lợi khi chi tiêu công cho y tế và hưu trí giảm xuống vì người dân làm việc lâu hơn trong khi cần đến ít dịch vụ y tế hơn.
Nhưng để viễn cảnh tươi sáng này xảy ra, có 3 thay đổi lớn cần phải thực hiện. Quan trọng nhất là thái độ của xã hội đối với những người già, mà ở đây là những người ngoài 60 tuổi đáng ra sẽ lùi về hậu trường. Nhiều công ty vẫn phân biệt đối xử với nhân viên cao tuổi khi chỉ đào tạo các nhân viên trẻ hơn hay phân cho họ ít việc hơn. Các công ty cần phải thân thiện hơn với nhóm người cao tuổi, và khuyến khích chính bản thân họ thay đổi suy nghĩ về tuổi già.
Ở tầm vĩ mô, các chính phủ cũng phải thay đổi chính sách, ví dụ như nâng tuổi nghỉ hưu vì nhiều người lao động ở các nước phát triển vẫn muốn làm việc sau khi nghỉ hưu.
Thứ ba, để có nhiều người cao tuổi khỏe mạnh thì ngân sách phân bổ cho y tế cũng phải thay đổi. Hầu hết các bệnh tuổi già sẽ dễ điều trị hơn nếu người bệnh có ý thức phòng ngừa và thay đổi lối sống. Tuy nhiên ở hầu hết các nước chỉ có khoảng 2-3% chi ngân sách được dành cho việc phòng bệnh. Con số này sẽ phải tăng lên, vì mặc dù nhóm "yold" có sức khỏe tốt hơn so với các nhóm khác, đến năm 2030 họ cũng đã 75 tuổi và bước vào thời kỳ sức khỏe suy giảm.
Có rất ít nước phát triển chuẩn bị tốt cho 3 yếu tố quan trọng này, và giờ là lúc họ phải tăng tốc trước khi quá muộn.
Tham khảo The Economist