Những người đàn bà "số khổ" vì chạy thận

Bài: Lê Nhi, Ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

Người thì vất vả mưu sinh nuôi người thân chạy thận, có chị lại mong đắt hàng từng cốc nước hay chiếc áo mưa để có tiền nuôi chính mình, chờ đến kỳ lọc máu. Đó là chân dung những người đàn bà "số khổ" tại Viện Tim Mạch (Bệnh viện Bạch Mai).

Nhọc nhằn mưu sinh nuôi người thân chạy thận

Tại khoảnh sân Viện Tim Mạch (Bệnh viện Bạch Mai) giữa trưa tháng 6 oi ả, chúng tôi gặp các chị - những phụ nữ nhọc nhằn mưu sinh lo tiền cho người thân hay chính mình chạy thận. Hầu hết họ đều trên 45 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt đượm buồn như trực trào nước mắt bất cứ lúc nào, nước da sạm đen vì nắng.

Tưởng chúng tôi là khách vào thăm bệnh nhân, một phụ nữ bán nước chừng 46 tuổi mời chào mộc mạc: “Em có uống trà đá, nhân trần không?”. Tạm ngồi xuống gốc cây và gọi cốc nhân trần mát lạnh, chúng tôi lân la hỏi chuyện mưu sinh của chị.








Hai năm nay, từ 10h trưa đến 11h đêm, ngày nào chị Hằng cũng bán nước lén lút ở viện

Chị tên là Trần Thị Hằng, quê ở Hồng Thuận, Nam Định. Hai năm nay, từ 10h trưa đến 11h đêm, ngày nào chị cũng bán nước lén lút ở viện. Gọi là "lén lút", bởi bảo vệ bệnh viện khi phát hiện ra có thể đuổi những người bán nước như chị ngay. Đồ nghề của chị chỉ một vài chai đựng trà đá, nhân trần với chục cái cốc được giấu kỹ càng trong những chiếc túi vải. Khách uống xong nước chị lại phải lén lút cất những chiếc cốc đi.

Vừa phục vụ khách nhanh thoăn thoắt, chị vừa kể về mình. Vì cậu con trai sinh năm 1990 bị suy thận giai đoạn cuối hơn 1 năm nay nên chị đã phải khăn gói lên đây nuôi con chạy thận. Hàng tháng, ngoài chi trả tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà chị còn lo đau đáu tiền vào viện chạy máy lọc máu mỗi tuần. Được biết, con trai chị phải lọc máu 3 lần/ tuần. Mỗi lần lọc máu mất 4 trăm ngàn đồng (chưa kể tiền thuốc men). Nhẩm tính cả tuần số tiền chị phải bỏ ra cho con là 1 triệu 200 ngàn. Quả là số tiền không hề nhỏ đối với một phụ nữ ở nông thôn như chị Hằng.





Hàng tháng, ngoài chi trả tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà, chị Hằng còn lo đau đáu tiền vào viện chạy máy lọc máu mỗi tuần.

Con phải chạy thận chưa phải là "tai họa" duy nhất, chồng chị cũng vừa mổ não 2 lần đầu năm ngoái. Mọi chi tiêu trong nhà lại chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, để có tiền chạy thận cho con, chị Hằng phải vay mượn họ hàng, người thân. Đến nay số nợ cũng đã lên tới 200 triệu mà chưa biết lấy đâu ra trả.






Khi nhắc đến tương lai của con trai đang chạy thận, người phụ nữ này không kìm được nước mắt

“Ngày nào con đau nhức thì đành phải ở xóm trọ với con. Khi con đỡ hơn lại  đến viện lén lút bán nước. Ngày ít thì kiếm được vài nghìn mua rau. Ngày nhiều được 50-100 nghìn đồng. Ngày nào bị bảo vệ bắt thì về tay không. Biết vậy nhưng vẫn phải bán vì nếu không sẽ chẳng có tiền duy trì” - Chị Hằng rơm rớm nước mắt nói.

Cùng hoàn cảnh trên, khi đến viện này ai cũng biết trường hợp chị Mai Thị Hường, 45 tuổi (Phú Sơn, Thanh Hóa). Nuôi chồng chạy thận 8 năm nay, cũng là 8 năm chị lăn lộn mưu sinh và tồn tại ở đất Hà Nội.






Nuôi chồng chạy thận 8 năm nay cũng là 8 năm chị Hường lăn lộn mưu sinh và tồn tại.

Cưới nhau muộn lại không có con (vì chồng ốm đau), vừa chăm mẹ chồng 80 tuổi bị gãy xương đùi không đi được, chị vừa phải nuôi chồng chạy thận. Để có tiền cho chồng lọc máu và thuốc thang hàng tuần, chị chấp nhận làm nhiều công việc. Sáng sáng, chị dậy sớm đi bán rau thuê 1 vài tiếng ở chợ rồi tranh thủ vào viện bán trà đá buổi trưa cho kịp giờ. Khi trong viện có người thuê đi lấy nước, mua bán hộ, thay bỉm, trông bệnh nhân... chị cũng chẳng nề hà làm.

"Lo tiền lọc máu cho chồng hàng tuần, mình còn phải vật vã lo đủ tiền nhà trọ. Ăn tiêu chỉ dám dè xẻn. Cứ 3,4 tháng lại sốt ruột với mẹ chồng 80 tuổi ở quê, nhưng cố gắng lắm mình mới về được 1 lần".



Điều mong ước khát khao của người đàn bà này là có một đứa con

Khi hỏi về điều chị mong muốn nhất bây giờ, chị Hường mắt đỏ hoe, nghẹn ngào nói: “Biết là bệnh của chồng chẳng thể khỏi đâu, nhưng mình sẽ cố nuôi anh đến chết. Chỉ mong mình có 1 đứa con để được làm mẹ, sau này không phải thui thủi một mình”.

Ở viện, còn nhiều chị em có người thân chạy thận hàng ngày vẫn cặm cụi bươn chải mưu sinh như chị Hạnh, hơn 10 năm nuôi chồng chạy thận. 10 năm vất vả đó, cảm xúc bi lụy về tương lai đã được chị nén xuống, giờ chị là người phụ nữ của hành động, "còn nước còn tát" vì chồng.

Bán cơm xuất tại viện hơn 10 năm nay, mỗi ngày chị cũng được các bệnh nhân trong viện ăn ủng hộ 60-70 suất cơm. Dù vật vã mưu sinh, chắt bóp từng đồng lo tiền lọc máu cho chồng, nhưng chị Hạnh vẫn luôn tươi cười với khách. Đặc biệt, mưu sinh trong cùng 1 khuôn viên bệnh viện nhiều o ép nhưng những phụ nữ này vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau và chẳng bao giờ xảy ra tranh chấp.




Hơn 10 năm nuôi chồng chạy thận, cảm xúc bi lụy về tương lai đã được chị nén xuống, giờ chị Hạnh là người phụ nữ của hành động








Mỗi ngày được các bệnh nhân khác trong viện ăn ủng hộ, chị cũng bán được 60-70 suất cơm

Lê lết nuôi thân chạy thận

Hơn 1 chiều mới thấy dáng người phụ nữ nhỏ thó thất thểu xuất hiện. Ở viện Tim Mạch này, không ai là không biết người phụ nữ "trăm đường vất vả" ấy. Chị là Bành Thị Tuyết, 48 tuổi- người một mình bám trụ tại đây, tìm đủ cách mưu sinh để chạy thận.





Người phụ nữ gầy gò nhỏ thó Bành Thị Tuyết, 48 tuổi một mình bám trụ tại Hà Nội chạy thận

Gia cảnh của chị rất đáng thương. Chồng chị là thương binh nặng. Chị có 3 con, 2 con còn nhỏ còn 1 con trai lớn thì bị liệt bẩm sinh. 1 tuần 3 lần phải vào viện lọc máu nên sau 8 năm điều trị, nhà cửa ruộng vườn, của cải nhà chị cứ đội nón ra đi.

Để có tiền lo cho bản thân ở trên này, không ngày nào chị Tuyết không ra ngoài tìm việc. Lúc thì đi rửa bát, giặt quần áo thuê, lúc lại nhặt ve chai, bán nước… kiếm sống. “8 năm nay, dù mưa hay nắng, dù đau yếu vì bệnh tật nhưng tôi chưa có lấy một ngày nghỉ, ngày nghỉ của tôi là ngày tôi vào viện lọc máu. Những ngày mưa, không có ai thuê mướn, tôi lại đi bán áo mưa. Dẫu chỉ kiếm được mấy ngàn đồng/ ngày, tôi cũng phải cố lết thân đi”.






"8 năm nay, dù mưa hay nắng, dù đau yếu vì bệnh tật nhưng tôi chưa có lấy một ngày nghỉ, ngày nghỉ của tôi là ngày tôi vào viện lọc máu"

Ước mong của người phụ nữ tưởng chừng "không còn gì khổ hơn" này thật quá đỗi đơn giản: “Tôi chỉ mong trời thương cho cứ tự mình mưu sinh được như thế này. Dù chỉ có một mình tôi cũng cố đứng lên kiếm kế sinh nhai. Nhiều lúc tôi chỉ mong được là một kẻ ăn mày nhưng khỏe mạnh”.

Chia sẻ