Những món ăn nổi tiếng của Malaysia
Vốn là một quốc gia đa sắc tộc, Malaysia có nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.
Do có sự chung sống hài hòa của các dân tộc, vì vậy, ở Malaysia đã dần hình thành nên một tập quán ẩm thực mà không nơi nào có được. Các món ăn truyền thống Malaysia do thế cũng đầy màu sắc và đậm đà hương vị.
Nasi Lemak
Nasi Lemak là món ăn phổ biến tại nhiều quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Brunei. So với các quốc gia khác, Nasi Lemak tại Malaysia được xem là món ăn truyền thống. Vì vậy, bất kì du khách nào đặt chân đến Malaysia đều sẽ được giới thiệu món ăn này.
Nasi Lemak truyền thống được chế biến bằng cách nấu gạo chung với nước cốt dừa. Sau khi cơm chín, người Mã Lai thường bày ra đĩa ăn kèm với dưa leo, cá con chiên (đây là một loại cá có tên là Ikan bilis), đậu phộng rang, sốt ớt (gọi là sambal). Ngày nay, người Mã Lai ngoài cách chế biến trên, họ còn cho thêm trứng luộc, rau cải, mực sốt cay, cà ri gà hoặc bò kho vào món ăn này.
Satay & Ketupat
Đây cũng là một món ăn khác khá nổi tiếng của đất nước Hồi giáo này. Bạn có thể thấy Satay ở hầu hết các nhà hàng cũng như quán ăn bình dân. Món này chỉ đơn giản là những miếng thịt xắt lát xiên vào que, được nướng chín sau đó ăn cùng với nước thịt nấu đậu sốt cay (thường được gọi là Kuah). Thịt dùng cho món Satay & Ketupat chủ yếu là thịt gà, thịt dê, thịt bò. Tuy nhiên để đổi vị, đôi khi người ta cũng nướng cả thịt heo, thịt thỏ, thịt nai, cá…
Người Malaysia thưởng thức món ăn Satay & Ketupat thường chú trọng vào hương vị đặc trưng của nó. Vì vậy, Satay & Ketupat không phụ thuộc khá nhiều vào thịt. Bởi vì, dù bạn có ăn loại thịt nào thì bạn cũng sẽ cảm nhận được hương vị của nghệ, một gia vị không thể thiếu khi ướp thịt để làm món Satay.
Món này thường được dùng ăn kèm với hành tây, dưa leo, và Ketupat – một loại bánh gạo được gói trong lá cọ.
Kuih là một tên chỉ các món ăn như bánh ngọt, bánh qui, bánh nướng, bánh bao, và bánh pút đinh. Khác với các loại bánh phương Tây thường được nướng chín, các loại bánh của Malaysia truyền thống thường được làm bằng cách hấp hoặc chiên. Tuy nhiên, nếu đã từng ăn các món ăn của Tây Ban Nha hay của Trung Hoa, bạn có thể thấy Kuih sẽ hơi giống các món ăn mặn của Tây Ban Nha hay Dim sum của người Tàu.
Thành phần của Kuih tùy thuộc vào từng loại bánh. Kuih có thể làm từ nước cốt dừa, dứa, đường từ cây cọ, bột gạo, hay bột sắn. Mặc dù mỗi loại bánh đều có hương vị thơm ngon khác nhau nhưng khi đặt chân lên đất nước Hồi giáo này, bạn nên thưởng thức vài món bánh Kuih nổi tiếng như: Karipap (là bánh xốp càri), Kuih Koci, Kuih Lapis, Pisang Goreng (bánh chuối nướng), Pulut Tekan, Lemang, Dodol, Onde-Onde,…
Do đây là món ăn nhẹ và rẻ tiền nên người ta có thể ăn bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Chính vì vậy mà Kuih có mặt ở khắp nơi không những ở ngoài các quầy bán hàng lề đường mà chúng còn hiện diện cả trong những nhà hàng và các khu mua sắm sang trọng.
Cơm lá chuối vốn là món ăn đơn giản bao gồm cơm, rau, càri (tùy theo ý thích mà có thể ăn cà ri cá, gà, hoặc cừu), dưa chua. Các thứ trên sẽ được bày trên lá chuối và tạo nên món cơm lá chuối thật bắt mắt. Sở dĩ người Mã Lai có cách bày trí này là bởi vì họ cho rằng lá chuối có thể giúp tiêu hóa và làm dậy mùi thơm của cơm.
Ngày nay, ngoài những món thức ăn chính nói trên, bạn còn có thể bày lên lá chuối những món mà bạn muốn ăn thêm như bánh cá chiên, cà ri đầu cá…Đến Malaysia, khi thưởng thức món cơm này bạn sẽ thấy là tùy thuộc vào từng nhà hàng thì các món ăn sẽ khác nhau. Giá cả cho một món cơm lá chuối đúng chuẩn đơn giản thì thật sự rất rẻ.Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận khi gọi các món ăn thêm vì nhà hàng có thể tính tiền rất đắt cho các món ăn mà bạn gọi.
Theo tiếng Ba Tư thì Biryani nghĩa là chiên hoặc nướng. Món cơm Biryani này không những phổ biến ở Malaysia mà còn phổ biến ở cả Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, và Singapore. Thành phần chính của món này là gạo Basmati nấu cùng với các thứ gia vị khác như: cây thì là, các loại đậu, đậu Hà Lan, quế, rau mùi, gừng, hành, tỏi,…Món này được người Malaysia ăn kèm với nhiều loại rau và thịt.
Thông thường, cơm sau khi nấu chín thường có màu cam hoặc nâu nhạt và có vị thơm rất riêng. Nếu thêm một ít đường, rau cải ngâm chua, cà ri gà hay cà ri cừu, bạn sẽ có món cơm ngon độc đáo!