Những lý do khiến “Người phiên dịch” chìm trong gạch đá khi vừa kết thúc
Nữ chính Dương Mịch ngày càng “vô dụng”, tình tiết phim rườm rà, thiếu tôn trọng thực tế là những nguyên nhân khiến cho “Người phiên dịch” bị chỉ trích nặng nề sau khi kết thúc phát sóng.
Phim truyền hình Người phiên dịch vừa kết thúc phát sóng trên đài Hồ Nam – Trung quốc. Dù vẫn dẫn đầu rating nhưng phim lại nhận hàng tá gạch đá vì nội dung nhạt nhẽo và thiếu kịch tính. So với thời điểm mới phát sóng, chỉ số truyền thông của phim đã sụt giảm khá nhiều. Điều này, rất ít xảy ra trong các bộ phim chiếu trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. Vì phần lớn tác phẩm đã ra mắt, nếu gây sốt thời gian đầu thì sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn người xem trong các tập sau.
"Người phiên dịch" đã kết thúc phát sóng với hàng loạt lời chê từ khán giả màn ảnh nhỏ
Rating Người phiên dịch ở tập 42 chỉ còn 2,1%, giảm 0,3 so với thời điểm cao nhất. Nhiều khán giả cho rằng, Người phiên dịch gây thất vọng vì kiểu làm phim “đầu voi đuôi chuột”. Bên cạnh đó, những yếu kém trong diễn xuất, kịch bản cũng làm cho Người phiên dịch bị mất điểm trầm trọng. Chuyên kết thúc không êm đẹp này đang là chủ đề bàn tán sôi nổi của khán giả và giới truyền thông Hoa ngữ.
Hoàng Hiên trong vai Trình Gia Dương
Dương Mịch trong vai Kiều Phi
Dương Mịch từ mạnh mẽ bỗng chốc trở thành “bánh bèo vô dụng”
Giới truyền thông Hoa ngữ cho rằng, việc Người phiên dịch gây cảm giác nhàm chán, bức bối cho người xem có nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến việc nữ chính Dương Mịch (đóng vai Kiều Phi) ngày càng bánh bèo vô dụng. Ở 15 tập đầu, nhân vật Kiều Phi thể hiện rõ là kiểu người chính trực, mạnh mẽ, dám đấu tranh cho sự bất công. Tuy nhiên, dần dà về sau, tính cách cô có sự thay đổi đến chóng mặt. Thay vì tạo cảm giác vững trãi, kiên định, Kiều Phi lại trưng ra gương mặt mệt mỏi, thiếu sức sống.
Kiều Phi mắc chứng xuất huyết hang não, mỗi khi bị áp lực hay căng thẳng, cô dễ ngất xỉu. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần và đe dọa đến sinh hoạt thường ngày của Kiều Phi. Bác sĩ Cao Gia Minh (Cao Vỹ Quang) dự đoán, nếu không phẫu thuật sớm thì Kiều Phi sẽ sớm qua đời. Theo cách sắp xếp tình tiết của đạo diễn, Kiều Phi cố tình không nói Gia Dương vì muốn anh không lo lắng. Nhưng ngặt nỗi, xem Dương Mịch diễn xuất nội tâm, khán giả chỉ thấy vẻ mặt sượng sùng thiếu thuyết phục. Đến cuối phim, Kiều Phi chỉ còn là một cô gái nhu nhược, chuyên gây tai họa và làm ảnh hưởng tới người khác.
Nhân vật Kiều Phi từ cô gái mạnh mẽ bỗng chốc biến thành "bánh bèo vô dụng" trong các tập cuối "Người phiên dịch"
Một Kiều Phi dám yêu dám hận đã mất đi, thay vào đó là cô gái chỉ biết dựa dẫm vào Cao Gia Minh. Kiều Phi đi theo lối mòn của các nhân vật nữ trong những phim ngôn tình khác, đó là luôn tố làm ra vẻ ngây thơ vô số tội dù rắc rối nào cũng do chính cô gây ra. Từ chuyện dịch sai đến mức Gia Dương (Hoàng Hiên) bị đuổi việc, chọc tức mẹ Kiều Phi để bà cho người bêu xấu cô trên mạng hay chuyện gián tiếp khiến Gia Minh bị thương nguy hiểm tính mạng… Kiều Phi đều không tránh được trách nhiệm. Song, thay vì yêu thương Kiều Phi, khán giả lại đâm ra nhàm chán. Kiểu nữ chính không có chủ kiến, cứ đâm đầu vào ngõ cụt khiến nam chính và các nam phụ, nữ phụ đau đầu luôn làm người xem khó chịu nhất. Và Kiều Phi – một nhân vật cực đáng yêu nay lại dần trở nên đáng ghét vì điều này!
Cốt truyện trở nên rườm rà, thiếu hấp dẫn
Theo thông tin ban đầu, Người phiên dịch có độ dài 44 tập, tuy nhiên phát sóng đến tập 40, diễn biến vẫn còn rườm rà, chưa giải quyết được mâu thuẫn đặt ra ban đầu. Chuyện Kiều Phi bị bệnh, cố ý giấu Gia Dương bị kéo dài quá mức. Thêm đó, các tình tiết liên quan đến mối quan hệ tay ba giữa Gia Dương – Kiều Phi – Gia Minh cũng bị kéo giãn tiết tấu.
Trong 40 tập đầu, các tình tiết quanh nhân vật Kiều Phi bị kéo giãn đến mức nhàm chán
Khi khán giả tưởng chừng như đã xem xong cảnh tình tay ba thì đạo diễn lại bày thêm trò mới. Suốt 20 tập phim, 3 nhân vật cứ quanh đi quẩn lại các tình tiết nhập nhằng. Gia Minh theo đuổi Kiều Phi, Kiều Phi từ chối Gia Minh để quen Gia Dương, Gia Dương ghen với anh trai và gây gổ… tình tiết đều đều, có mâu thuẫn nhưng không được đẩy lên cao trào, có giải quyết tình huống nhưng không triệt để. Thế là từ tập này sang tập khác, Người phiên dịch từ chỗ nội dung cuốn hút bỗng trở thành một “bãi chiến trường” tình ái, theo tình thì tình chạy, trốn tình thì tình theo. Rồi bất ngờ, 4 tập cuối diễn ra với tình tiếp gấp khúc đến chóng mặt. Mâu thuẫn giữa Gia Dương – Kiều Phi – Gia Minh – Hiểu Hoa được giải quyết một cách thiếu sáng tạo, tình tiết và lời thoại cũ kỹ khiến khán giả liên tưởng đến một bộ phim được làm từ tận 20 năm trước.
Tuy nhiên, 4 tập cuối lại có diễn biến khá nhanh. Tình tiết phim bị nhiều khán giả chê là kém sáng tạo
Không những bộ ba nhân vật chính rắc rối, đến cả cặp đôi phụ Gia Di (Lý Khê Nhuế) và Húc Đông (Trương Vân Long) cũng làm người xem mệt mỏi. Gia Di là một diễn viên hạng trung luôn tìm kiếm cơ hội tỏa sáng. Vì ánh hào quang sân khấu, Gia Di đã liên tiếp mắc sai lầm, cô quen bạn trai rồi lại phá thai. Đến khi Húc Đông ở bên cạnh, Gia Di lại có những hành động lẳng tránh. Ở tập phim Người phiên dịch nào, Gia Di – Húc Đông cũng được cho đất diễn khá nhiều. Nhưng ngặt nỗi cặp đôi cứ chậm chạp phát triển, không có diễn biến hấp dẫn để khán giả kiên nhẫn chờ đợi thêm.
Cặp đôi Gia Di - Húc Đông
Không tôn trọng thực tế
Trong mắt những khán giả bình thường, Người phiên dịch có thể là một tác phẩm đáng xem vì nội dung đề cập đến nghề phiên dịch mới mẻ. Tuy nhiên, với những người ít nhiều biết đến công việc phiên dịch, bộ phim lại là một “thảm họa” vì vô số lỗi sơ đẳng khó chấp nhận.
Những tình tiết liên quan đến công việc của người phiên dịch bị chê không sát thực tế
Lỗi dễ dàng phát hiện nhất là chuyện nữ chính Kiều Phi ăn mặc quá sành điệu khi làm người phiên dịch. Thường với công việc này, người phiên dịch thường xuất hiện ở các hội nghị, có quan chức cấp cao hoặc doanh nhân quốc tế. Trang phục người phiên dịch mặc là đồ vest tối màu, còn không cũng là áo sơ mi kết hợp chân váy hoặc quần tay. Đây là kiểu trang phục thể hiện sự chuyên nghiệp, nghiêm túc với công việc, giống như việc một bác sĩ sẽ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Vậy nhưng, những người phiên dịch trong phim có gu thời trang quá bắt mắt. Nữ chính Kiều Phi thường xuyên diện váy ngắn, áo sặc sỡ, giày cao gót đủ màu, tóc dài quá tai không buộc gọn gàng.
Nhân vật Kiều Phi cũng bị phàn nàn là không có tác phong của một người phiên dịch
Thêm vào đó, phim có khá nhiều cảnh sai với công việc thực tế của người phiên dịch. Chẳng hạn dịch mà không cần tài liệu hay giấy bút ghi chép, chức danh “phiên dịch quan” phim sử dụng không có trong thực tế. CV xin việc của người phiên dịch viết cẩu thả, trình bày xấu vẫn được đánh giá là xuất sắc.
Hay như chuyện “làm quá” vai trò của người phiên dịch, để nữ chính nâng tầm “quý hiếm” nghề phiên dịch trong cuộc sống đời thường. Giới truyền thông Hoa ngữ đưa tin, nghề phiên dịch ở Trung Quốc hiện nay khá phổ biến, không chỉ những người học hành bài bản mà bất cứ ai cũng có thể làm công việc này, nếu như có kiến thức về ngôn ngữ tốt. Việc phủ lên bộ phim chiếc áo hồng quá nhỏ bé so với thực tế làm chất lượng tiếp nhận của người xem giảm đi rõ rệt.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của “Người đàn ông tốt”
Dù vẫn đang ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng rating tuy nhiên không thể phủ nhận, lượng khán giả quan tâm đến Người phiên dịch đã giảm đi rõ rệt. Sự quan tâm của truyền thông dành cho phim không còn nhiều như trước. Thay vào đó, người xem và báo giới bắt đầu chuyển hướng sang một tác phẩm truyền hình có nội dung dễ tiếp nhận hơn – Người đàn ông tốt.
Trên bảng xếp hạng rating, Người đàn ông tốt đứng sau Người phiên dịch. Phim được phát sóng đồng thời trên cả 2 đài truyền hình nhưng vẫn đạt mức rating ngấp ngưỡng 1,3% cho một đài. Nội dung hấp dẫn, sát với cuộc sống đời thường cùng diễn xuất có chiều sâu của dàn diễn viên Tôn Hồng Lôi, Giang Sơ Ảnh, Quan Hiểu Đồng, Trương Nghệ Hưng… khiến Người đàn ông tốt nhận được nhiều lời khen. Dù không được quảng bá, tuyên truyền mạnh như Người phiên dịch song Người đàn ông tốt vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao hơn.
Việc xuất hiện một đối thủ mạnh như Người đàn ông tốt gây ra nhiều khó khăn cho ekip sản xuất Người phiên dịch. Nhất là trong thời điểm khán giả đã bắt đầu chán chê kiểu làm phim “đầu voi đuôi chuột”, tình tiết dài dòng, lê thê. Từ đó, nhận xét của khán giả dành cho phim cũng có phần khắt khe hơn. Thay vì dễ dãi chấp nhận một Dương Mịch “mặt đơ”, một Hoàng Hiên “chân ngắn” kém điển trai, người xem lại nâng thang điểm và đặt ra so sánh với Người đàn ông tốt.
Việc Người phiên dịch gây tranh cãi sau khi kết thúc phát sóng là minh chứng rõ ràng cho chuyện khán giả màn ảnh nhỏ ngày càng khó khăn và có nhu cầu cao với các sản phẩm giải trí. Một tác phẩm gây tiếng vang ở phần đầu nhưng nếu làm ẩu tả, kém hấp dẫn ở phần sau vẫn có thể bị tẩy chay, chỉ trích nặng nề.