Những lễ hội nhất định phải đến trong dịp đầu năm của người Việt
Đây là những nơi được coi là linh thiêng, mang lại may mắn cả năm cho những ai đến được.
Chùa Bái Đính
Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu vào mùng 6 tháng giêng âm lịch. Chùa Bái Đính cách Cố đô Hoa Lư 5 km, thành phố Ninh Bình 12 km và cách Hà Nội 95 km. Đây là khu chùa có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Lễ hội chùa Bái Đính trước kia chỉ kéo dài đến 1 tuần tại Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Từ năm 2008, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, khu chùa được mở rộng trở thành khu văn hóa tâm linh tầm cỡ, to đẹp và nổi tiếng, lễ hội diễn ra trong suốt mùa xuân. Phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra trang trọng với việc dâng hương tưởng nhớ các vị sơn thần, phật tổ, bà chúa Thượng Ngàn; các danh nhân: đức Thánh Nguyễn, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh.
Núi Bái Đính đứng độc lập, sừng sững giữa vùng bán sơn địa. Du khách đến lễ hội chùa Bái Đính sẽ cảm nhận tình yêu thiên nhiên, về quá khứ dựng nước của cha ông ở một làng quê chiêm trũng.
Chùa Hương
Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được coi là lễ hội lớn nhất của cả nước trong năm. Lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch đến hết mùa xuân. Nhưng mùng 2 tết đã có người trẩy hội chùa Hương.
Không giống bất cứ chùa nào, chùa Hương là một tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo, chiếm khoảng không gian rộng lớn bao gồm: Núi, đồi, hang, động, suối, khe, rừng cây trên dãy núi đá vôi của triền núi Hòa Bình.
Bến Yến thuyền vào, bến Trò thuyền ra, khách lên, khách xuống, trên bến dưới thuyền nườm nượp đông vui. Vào hội, mọi chùa, đền, hang, động đều như bừng tỉnh. Hương án, đồ thờ được lau chùi sạch sẽ, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Tất cả như sẵn sàng đón khách hành hương từ 10 phương tới.
Đi thuyền trên suối Yến.
Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục.
Yên Tử
Lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch đến hết xuân.
Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Trên đường leo núi lên chùa Đồng, chốc chốc lại gặp ngôi chùa, ngọn tháp, con suối, rừng cây, … Mỗi nơi lại có một truyện cổ tích sâu lắng tình người. Lên đến đỉnh núi tựa như cổng trời, sau khi thắp nén nhang ai nấy như mình đang đứng giữa trời, lòng lâng lâng thoát tục.
Với thời gian trung bình 3 giờ leo núi, đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách đức tin, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ðến được chùa Ðồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật. Dường như nơi đây là chốn đào viên để Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền cho các bậc hiền triết của trần gian.
Đền Trần với tục khai ấn đầu xuân
Tương truyền, lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước như nhiều ý kiến. Từ đó, nhà Trần cứ tết đến lại đóng ấn ban chức tước.
Tuy nhiên, trong lịch sử, vua Trần Anh Tông rất thận trọng trong việc ban chức tước. Còn về các ấn bằng gỗ ở nhiều đền thờ đức thánh Trần, đó là ấn tín trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng. Các đền thờ Hưng Đạo vương đều có ấn là do cuối đời, khi lui về Kiếp Bạc, Hưng Đạo vương có tu theo Đạo giáo và sau khi mất đã hiển thánh. Việc lập đền/điện thờ để thờ phụng đức thánh Trần và hành nghề đạo sĩ phải có con dấu của đức thánh Trần để đóng trên bùa chú.
Hơn nữa, việc khai ấn đầu năm của chính quyền phong kiến thời xưa là việc nhà nước thông báo làm việc lại của các cơ quan chức năng không phải việc ban chức tước. Nhiều người tin tưởng: nếu lấy được ấn ở đền Trần đầu năm là có thể thăng quan tiến chức. Chính vì thế, hội khai ấn đền Trần những năm gần đây trở thành hội… cướp ấn rất phản cảm và gây rối loạn trật tự.
Chợ Viềng
Đây được coi là chợ bán điều rủi, mua điều may, một phong tục đẹp của nhân dân ta thời xưa. Cứ đến đêm mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, người dân khắp nơi lại nô nức kéo nhau về đây mua bán.
Có hai chợ Viềng: một chợ Viềng gần Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Phủ; một chợ Viềng ở gần chùa Bi, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Chùa. Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ này cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau (đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, v.v...).
Người ta đến chợ Viềng Phủ Dầy không chỉ để mua bán mà còn để đi lễ phủ, cầu may, cầu lộc đầu xuân. Theo dân gian thì đến giờ Tý (khoảng 12 giờ đêm), Chúa Liễu Hạnh sẽ hiển linh, khi đó cầu xin mới thành. Cho nên, du khách khắp nơi cố chen chân để được vào lễ phủ đúng giờ Tý.