Những kỹ thuật mới đang thay đổi điều trị tim mạch tại Việt Nam
Nhiều chuyên gia Việt Nam và Quốc tế trao đổi các giải pháp điều trị bệnh lý tim mạch tiên tiến, gia tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân tại Hội nghị Tim mạch 2025.
Hội nghị khoa học chủ đề "Những tiến bộ trong điều trị Tim mạch: Từ can thiệp đến dự phòng" do Bệnh viện FV tổ chức tại TP.HCM ngày 19/4/2025 thu hút sự tham gia của 638 bác sĩ cùng các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Sự kiện là diễn đàn khoa học thường niên, uy tín nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong điều trị các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim…
Hội nghị do GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi - Chủ tịch Hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai và PGS.TS.BS. Phạm Nguyễn Vinh - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam đồng chủ tọa. Ngoài ra còn có các báo cáo viên khác là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, Singapore và Malaysia.

Can thiệp mạch vành: Đột phá từ công nghệ hình ảnh học tới vai trò của sinh lý mạch vành
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trong đó, bệnh lý mạch vành là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim cấp. Việc xác định rõ nguyên nhân và mức độ tổn thương mạch vành sẽ giúp các bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị nhanh chóng và hiệu quả, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân.
Tại hội nghị, TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp Bệnh viện FV trình bày 2 kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và Kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT) - cho phép đánh giá chi tiết cấu trúc lòng mạch trước và sau can thiệp. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân tưởng chừng không còn cơ hội sống đã được cứu sống thành công.
Bên cạnh đó, BS Keh Yann Shan (Chuyên gia can thiệp, Khoa Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore) cũng cập nhật vai trò của chỉ số sinh lý mạch vành trong quyết định can thiệp – một lĩnh vực còn mới tại Việt Nam. Việc sử dụng các chỉ số sinh lý mạch vành giúp bác sĩ đánh giá và quyết định các phương pháp can thiệp hiệu quả, góp phần cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.
"Cuộc cách mạng" điều trị đột quỵ và giải pháp cho nỗi lo tái phát
Chia sẻ tại hội nghị, TS.BS Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh đột quỵ có tỷ lệ tái phát cao (7-20% ở năm thứ nhất và 16-35% ở năm thứ 5). Các trung tâm tim mạch cần xây dựng chiến lược phòng ngừa đột quỵ tái phát; điều này đòi hỏi hệ thống chăm sóc tích hợp gồm: Giáo dục và đánh giá hiệu quả chăm sóc; Điều trị và kiểm soát yếu tố nguy cơ; Dịch vụ sàng lọc và chẩn đoán; Tăng cường tiếp cận và quản lý bệnh nhân., đòi hỏi hệ thống chăm sóc tích hợp từ chẩn đoán đến phòng ngừa.
Ở đề tài này, TS.BS John Chaw Chian Wang, Chuyên gia phẫu thuật mạch máu và nội mạch, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore mang đến hội nghị những kiến thức bổ ích về điều trị tiêu sợi huyết và hút huyết khối trong huyết khối tĩnh mạch sâu. Căn bệnh chiếm 2,5% - 5,0% dân số này có nguy cơ gây tử vong do hình thành cục máu đông dẫn tới tim và gây thuyên tắc phổi.
Theo bác sĩ Wang, ngoài dùng thuốc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thủ thuật hút huyết khối tĩnh mạch sâu áp dụng cho các trường hợp cấp tính, có tỷ lệ thành công cao, ngăn ngừa hiệu quả biến chứng tim mạch và thuyên tắc phổi.
Trong khi đó, TS.BS Lê Tự Phương Thảo (Bệnh viện FV) trình bày phương pháp lấy huyết khối cơ học – "vũ khí" mới trong điều trị đột quỵ cấp, đặc biệt hiệu quả trong khung giờ vàng và cả các ca đến muộn (6-24h).

Các chuyên gia giao lưu với khách mời
TAVI: Công nghệ thay van tim không cần phẫu thuật mở ngực
Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các y bác sĩ trong điều trị hẹp van động mạch chủ.
Theo BS Shargunandass Iynam - Chuyên gia can thiệp tim mạch, Serdang Heart Center, Malaysia - thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là thủ thuật xâm lấn tối thiểu đã trở nên thường quy trong điều trị hẹp van động mạch chủ. Bằng một ống thông đi qua mạch máu ở đùi hoặc một đường rạch nhỏ ở ngực, bác sĩ sẽ đưa van nhân tạo tới tim, thay thế cho van động mạch chủ bị tổn thương. Sự phát triển 20 năm qua của TAVI đã mang lại nhiều cải tiến, với độ bền ngày càng được cải thiện, quy trình được tối giản, thậm chí không cần gây mê toàn thân.
Theo TS.BS Hồ Minh Tuấn, dù phổ biến trên thế giới song ở Việt Nam, TAVI mới chỉ điều trị khoảng 70 ca/năm, do chưa nhiều cơ sở y tế đủ năng lực thực hiện thủ thuật này. TAVI là phương pháp điều trị thường quy tại FV, với sự hỗ trợ đắc lực của phần mềm phân tích hình ảnh CT 3Mensio tích hợp AI mô phỏng không gian ba chiều của động mạch và cấu trúc tim, hỗ trợ bác sĩ đánh giá chi tiết kích thước van, đường đi của dụng cụ và vị trí đặt van tối ưu.
Điều trị rung nhĩ: Cá nhân hóa và triệt đốt chính xác bằng sóng cao tần
Rung nhĩ - bệnh lý rối loạn nhịp tim ngày càng phổ biến trong cộng đồng, là nguyên nhân gây ra 25% trường hợp đột quỵ. Tại hội nghị, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cung cấp cái nhìn tổng quan và cập nhật về các khuyến cáo mới nhất trong chẩn đoán và điều trị rung nhĩ, nhấn mạnh việc quản lý toàn diện và cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Các thông tin này hữu ích cho các bác sĩ điều trị rung nhĩ, giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Lập kế hoạch điều trị và chăm sóc toàn diện bệnh nhân tim mạch
Ở chủ đề này, GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Phó Chủ tịch Hội Tim Mạch Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ về mô hình quản lý toàn diện bệnh nhân suy tim. Theo GS. Lợi, suy tim được xem là giai đoạn cuối của bệnh lý tim mạch, 75% bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm sau nhập viện do suy tim, tỷ lệ tái nhập viện tới 50% trong vòng 6-12 tháng. Trong khi đó, 70% người dân không coi suy tim là bệnh lý nguy hiểm.
"Để giảm gánh nặng của suy tim bao gồm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao, cũng như tần suất nhập viện, cần áp dụng chiến lược toàn diện với cách tiếp cận đa chiều, đa chuyên ngành, và cần sự chung tay của cả xã hội, kể cả việc giáo dục ý thức cộng đồng", GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Phó Chủ tịch Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam đề cập tới Hội chứng Chuyển hóa - Tim - Thận - một rối loạn sức khỏe bao gồm các tình trạng như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường, thừa cân, béo phì và tăng triglycerid máu… Khoảng 70% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có các yếu tố nguy cơ tim mạch kèm theo như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa. Vì vậy điều trị đái tháo đường type 2 theo các hướng dẫn mới nhất của y khoa thế giới cũng góp phần ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
Hội nghị minh chứng vai trò tiên phong của FV – Bệnh viện quốc tế thuộc tập đoàn Y tế Thomson (Singapore) trong việc áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến, kết nối sâu rộng với mạng lưới bác sĩ nước ngoài, từng bước đưa y học quốc tế đến gần hơn cộng đồng y khoa Việt Nam, từ đó mở ra cơ hội cứu sống cao hơn cho bệnh nhân tim mạch.