Những huyền thoại bí ẩn xoay quanh các nàng tiên cá xinh đẹp
Cho đến tận ngày nay, vẫn không có ai chứng minh được nhân vật nửa người nửa cá này chỉ là hư cấu hay thực sự đâu đó ngoài đại dương bao la kia, hàng ngày vẫn có những người cá tự do bơi lượn.
Khi những dòng chữ cuối cùng của truyện cổ tích "Nàng tiên cá" (Hans Christian Andersen) dần dần khép lại, thì cũng là lúc người ta rơi những giọt lệ thương xót cho số phận của một cô gái nửa người nửa cá xinh đẹp, dùng hết sức mình đấu tranh với cái ác để có được tình yêu, và sống trong hạnh phúc khi trở thành con người. Rất nhiều người đã tin vào đó, rằng nàng tiên cá là có thật, nhưng cũng có những người cho rằng, nàng tiên cá chỉ là một nhân vật hư cấu, hoàn toàn không có trên đời.
Cho đến tận ngày nay, vẫn không có ai chứng minh được nhân vật nửa người nửa cá này chỉ là hư cấu hay thực sự đâu đó ngoài đại dương bao la kia, hàng ngày vẫn có những người cá tự do bơi lượn.Tuy nhiên, trong thực tế, đã có nhiều lần lịch sử ghi nhận những bằng chứng về sự tồn tại của nàng tiên cá.
Từ những lần xuất hiện đầu tiên của mỹ nhân ngư
Nàng tiên cá Siren trong thần thoại Hy Lạp. Người bị trói vào cột buồm là anh hùng Odysseus.
Truyền thuyết kể về nàng tiên cá xuất hiện từ khoảng 700-1000 năm TCN. Nữ thần mình người đuôi cá Atargatis trong nền văn hóa Syria cổ được gọi là Derketo. Atargatis yêu say đắm một chàng trai chăn cừu nhưng lại vô tình giết chết anh ta.
Cảm thấy tội lỗi, Atargatis gieo mình xuống biển với hy vọng trở thành cá nhưng cuối cùng chỉ có nửa thân dưới biến thành cá, còn từ bụng trở lên vẫn mang hình hài con người. Atargatis được tôn thờ là nữ thần trông coi sự sinh sản trên mặt đất và dưới nước. Người Syria cổ xây dựng đền thờ lớn nhất cho Atargatis ở tỉnh Ascalon và không ai được phép ăn những con cá trong vùng nước hồ gần đó.
Trong thần thoại Hy Lạp, người anh hùng Odysseus ra lệnh cho thủy thủ đoàn dùng sáp bịt chặt tai lại, đồng thời cột chặt ông trên cột buồm để không bị trở thành nạn nhân của người cá Siren - được mô tả là mỹ nhân ngư sử dụng giọng hát đầy ma lực để quyến rũ thủy thủ rồi giết chết họ - mỗi khi đi ngang qua vùng đảo của chúng.
Kể từ đó, câu chuyện về nàng tiên cá bắt đầu xuất hiện nhiều trong dân gian. Đặc biệt, các nhà thám hiểm nổi tiếng cũng nói rằng họ đã từng nhìn thấy nàng tiên cá.
Vào năm 1430 ở Hà Lan - theo cuốn sách "Standard Dictionary of folklore, mythology and legend" (Từ điển chuẩn về folklore, thần thoại và truyền thuyết) - sau khi những con đê gần thị trấn Edam bị vỡ sau trận bão, một số cô gái chèo thuyền phát hiện một người cá giống như phụ nữ trong vùng nước ngập. Người cá được họ mang về nhà và cho mặc quần áo phụ nữ. Họ cố dạy cho người cá tiếng nói của con người nhưng đành bất lực.
Christopher Columbus kể lại rằng mình đã nhìn thấy nàng tiên cá ở gần Haiti vào năm 1493. Ông mô tả nàng tiên cá không hề xinh đẹp như trong truyền thuyết, khuôn mặt cũng có nét từa tựa con người. Columbus cũng nhấn mạnh rằng ông đã từng gặp những sinh vật tương tự ở bờ biển Tây Phi.
Năm 1614, nhà thám hiểm người Anh John Smith nhìn thấy ngoài khơi đảo Newfoundland ở Đại Tây Dương một người cá nữ "có mái tóc dài màu xanh".
Năm 1635, đích thân Bộ trưởng Anh John Swan đã cho xuất bản cuốn sách "Speculum Mundi", trong đó có mô tả về người cá hoà nhập với cuộc sống của những người trần khá nhanh. Họ thích mặc quần áo đẹp, tung tăng dạo chơi khắp nơi, lắng nghe mọi người tán gẫu nhưng tuyệt nhiên không hé răng nói lấy nửa lời.
Đến khi báo chí bắt đầu vào cuộc
Năm 1738, tờ nhật báo London của Anh đã đăng tải một bức ảnh gây sốc, chứng minh rằng người cá thực sự tồn tại. Đó là tấm ảnh một mỹ nhân ngư có thân hình nhỏ bé, được tìm thấy tại bờ biển Hebrides nhưng nàng bị ném đá tới chết do tưởng nhầm là quái thai.
Sau đó, nàng đã được mai táng cẩn thận. Người dân trong làng cũng ra sức bảo vệ sự tích người cá này, bất cứ ai tỏ ý ngờ vực, họ sẵn sàng thề độc để minh chứng rằng đó là câu chuyện hoàn toàn có thật.
Năm 1842 tại New York, mỹ nhân ngư FeeJee xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài quằn quại, khuôn mặt gớm ghiếc và hình dáng kỳ lạ. FeeJee chỉ dài vỏn vẹn 525 mm và cao 210 mm cùng bề ngang 212 mm. Mỹ nhân ngư này đã làm thoả mãn trí tò mò của những người chứng kiến.
Một quý ông tự xưng là "Tiến sĩ Griffith" bảo đảm đây là "người cá có thật 100% do một ngư dân người Nhật bắt được".
Từ đó, xác ướp FeeJee được dựng thành mô hình và trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Trong một thời gian dài, nó được trưng bày tại bảo tàng Barnum như minh chứng vững vàng nhất khẳng định nàng tiên cá là có thật.
Năm 1860, bản gốc FeeJee đã bị thiêu rụi trong một vụ hoả hoạn, vì thế trên thế giới hiện nay xuất hiện rất nhiều bản sao của mô hình người cá này.
Tuy nhiên, đến năm 2011, một nhóm nghiên cứu từ Đại học St George đã đưa ra một kết luận khiến giới khoa học sững sờ khi khẳng định FeeJee thực chất chỉ là một trò lừa bịp.
Rất nhiều phát hiện về người cá, nhưng chưa ai chứng minh được đây là nhân vật có thật hay chỉ là một chiêu trò lừa bịp
Ngày 2/7/1991, tờ United Daily News của Singapore đưa tin các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch hoàn chỉnh của mỹ nhân ngư đầu tiên trên thế giới, chứng minh sự tồn tại của mỹ nhân ngư không chỉ có trong truyền thuyết. Hóa thạch tương đối hoàn chỉnh này được tìm thấy tại bờ biển Nam Tư và được xác định có từ 1200 năm về trước.
Người cá cao 1,6 m, phía trên eo phát triển như người với não bộ phát triển, thể tích não tương đối lớn. Tay phát triển 5 ngón có móng vuốt, bộ hàm chắc khỏe với răng sắc nhọn để xé con mồi, khuôn mặt có đầy đủ các cơ quan tuy nhiên mắt lại không có mí.
Cho đến nay những câu chuyện xung quanh người cá vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải.
Tháng 4/1990, tờ Wenhui của Trung Quốc đưa tin một nhóm công nhân xây dựng ở thành phố Sochi, bên bờ Biển Đen đã phát hiện một ngôi mộ của xác ướp mỹ nhân ngư được chôn cùng với kho báu. Nhìn xác ướp người ta đoán đó là 1 cô gái da đen xinh đẹp, nhưng điều đáng ngạc nhiên là không chỉ phần dưới là chiếc đuôi cá mà ngay trên đỉnh đầu cũng có mang, ước tính cô người cá này dài khoảng 1,7 m. Các nhà khoa học tin rằng xác ướp này đã có hơn 100 năm tuổi.
Ngày 13 tháng 10/2008, tại thành phố Teluk Bahang,Malaysia một ngư dân đã phát hiện xác của một "chàng tiên cá". Nhưng báo chí địa phương đã che giấu sự việc. Qua những bức ảnh có thể thấy rõ trên xác của "chàng tiên cá" có rất nhiều vảy, khuôn mặt cũng có những dấu hiệu của loài cá.
Hình ảnh này cũng được xem là một chiêu trò giống như những lần phát hiện trước đây.
Năm 2013, hai người thủy thủ đang lặn ở lòng biển Greenland bất ngờ phát hiện bàn tay màu trắng đặt trên tấm kính tàu ngầm phía sau lưng. Bàn tay có 5 ngón thì 4 ngón dính liền với nhau như có lớp màng chân vịt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hình ảnh bàn tay đó chỉ là một trò đùa của ai đó chứ chưa đủ thuyết phục rằng sinh vật "nửa người nửa cá" kia là có thật.
Đến tháng 8/2014 cư dân mạng Philippines lan truyền những bức ảnh xác chết nàng tiên cá trôi dạt vào bãi biển gây xôn xao dư luận. Hình ảnh cho thấy chúng có khuôn mặt người và làn da nhợt nhạt như cá.
Có thể thấy từ xa xưa cho đến ngày này thì những thông tin hay hình ảnh được cho là của nàng tiên cá vẫn luôn có sức hút đặc biệt trong tâm trí con người.