Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu

Hà Thu,
Chia sẻ

Có những hậu quả của biến đổi khí hậu mà ta có thể nhìn thấy rõ ngay, nhưng có những hậu quả thật bất ngờ mà không phải ai cũng thấy được. Dưới đây là những hậu quả không ngờ khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên:

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Loài ếch sống ở vùng nơi có khí hậu nóng hơn sẽ kêu "ộp ộp" với âm vực cao hơn bình thường.

Tiếng ếch kêu chói tai hơn

Khi Trái đất nóng lên, những con ếch coqui đực (Eleutherodactylus coqui) ở Puerto Rico kêu ộp ộp ở những âm vực cao hơn. Trong một nghiên cứu được trình bày vào ngày 8/5 tại Cuộc họp lần thứ 184 của Hiệp hội Âm học Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ, nhiệt độ tăng cao đang khiến những loài lưỡng cư này co lại, làm tăng âm vực của tiếng kêu.

Ếch coqui đực kêu để đánh dấu lãnh thổ của chúng và cảnh báo các đối thủ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những con ếch sống gần chân núi, nơi có khí hậu nóng hơn, kêu ộp ộp ở âm vực cao hơn so với những con ếch lớn hơn sống ở độ cao cao hơn, nơi có khí hậu mát mẻ hơn.

Nhiễu loạn máy bay tồi tệ hơn

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Không khí nóng hơn đồng nghĩa với tốc độ và hướng gió đang thay đổi mạnh hơn và gây nhiễu loạn không khí và nhiễu loạn máy bay.

Biến đổi khí hậu đang làm cho việc đi máy bay trở nên gập ghềnh hơn khi các luồng không khí thay đổi. Trong một nghiên cứu được công bố ngày 8/6 trên tạp chí Geophysical Research Letters, các nhà khoa học đã so sánh dữ liệu khí hậu từ năm 1979-2020 với dữ liệu nhiễu loạn không khí ở Bắc Đại Tây Dương.

Nhiễu loạn nghiêm trọng đã tăng 55% từ năm 1979 lên so với năm 2020. Mức độ nhiễu loạn tăng 37% trong cùng khoảng thời gian. Các nhà nghiên cứu viết rằng, biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này vì không khí nóng hơn đồng nghĩa với tốc độ và hướng gió đang thay đổi mạnh hơn.

Mất ngủ

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Con người bị mất ngủ nhiều hơn do thời tiết nóng bức

Đến năm 2010, con người đã mất ngủ khoảng 44 giờ mỗi năm vì những đêm nóng bức liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu ước tính, con số này có thể tăng lên tới 58 giờ mất ngủ mỗi năm vào năm 2100 theo kịch bản phát thải carbon cao.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm 2022 trên tạp chí One Earth, các nhà khoa học nhận thấy, con người ngủ muộn hơn và thức dậy sớm hơn vào những đêm nóng.

Tăng số lượng người bị chó cắn

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Chó trở nên hung dữ hơn khi trời nắng nóng

Con người được biết là trở nên bạo lực hơn khi trời nóng. Một nghiên cứu được công bố vào ngày 15/6 trên tạp chí Scientific Report đã chỉ ra rằng, sự hung dữ của loài chó cũng tăng theo nhiệt độ ngoài trời với nhiều vụ chó cắn hơn được ghi nhận vào những ngày nắng nóng.

Bằng cách phân tích dữ liệu về 69.525 vụ chó cắn ở 8 thành phố của Hoa Kỳ gồm Dallas, Houston, Baltimore, Baton Rouge, Chicago, Louisville, Los Angeles và New York, nhóm nghiên cứu nhận thấy số vụ chó cắn tăng 11% vào những ngày có tia cực tím cao và 4 % tăng khi nhiệt độ cao.

Tăng các vụ cháy rừng do sét đánh

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Sét đánh gây cháy rừng khi thời tiết nóng bức

Sự nóng lên toàn cầu làm thay đổi kiểu sét trên khắp thế giới và điều này có thể dẫn đến nhiều vụ cháy rừng hơn. Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 10/2 năm nay trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã điều tra "sét đánh liên tục trong thời gian dài" - một loại sét được biết là nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng.

Họ ước tính những cú sét đánh như thế này sẽ trở nên phổ biến hơn 10% khi nhiệt độ tăng 1 độ C. Điều này có thể làm tăng 40% các vụ sét đánh vào cuối thế kỷ theo dự báo biến đổi khí hậu trong trường hợp xấu nhất.

Ít em bé được sinh ra hơn

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 6.

Trời nóng nực khiến ham muốn tình dục giảm đi

Những ngày nóng hơn có liên quan đến việc giảm tỷ lệ sinh. Trong một nghiên cứu được công bố năm 2018 trên tạp chí Nhân khẩu học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những ngày có nhiệt độ trung bình trên 26,7 độ C có liên quan đến việc giảm 0,4% tỷ lệ sinh trong khoảng 9 tháng sau đó so với những ngày có nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ từ 15,6 độ C đến 21,1 độ C.

Thay vì làm giảm ham muốn tình dục, các nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ cao có thể làm giảm khả năng sinh sản. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, điều kiện nóng bức có thể làm giảm khả năng bơi của tinh trùng.

Thằn lằn thay đổi giới tính

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 7.

Thằn lằn cái nhiều hơn do biến đổi khí hậu

Nhiệt độ tăng đồng nghĩa với việc thằn lằn (Pogona vitticeps) ở Australia đang thay đổi giới tính. Đối với một số loài bò sát, giới tính bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ mà trứng của chúng tiếp xúc khi chúng phát triển, nhiệt độ cao hơn liên quan đến nhiều con cái hơn.

Trong một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã mô tả cách 11 trong số 131 con thằn lằn trong tự nhiên có nhiễm sắc thể giới tính đực nhưng điều kiện ủ ấm khiến chúng phát triển cơ thể cái và có thể đẻ trứng.

Các bệnh dị ứng nặng hơn

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 8.

Mức độ phấn hoa tăng 21% khi nhiệt độ tăng lên

Nhiệt độ tăng đang gây ra các mùa xuân sớm hơn và dài hơn, đẩy nhiều phấn hoa vào không khí, khiến cuộc sống của những người bị dị ứng trở nên khổ sở hơn.

Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, mùa hắt hơi đang kéo dài hơn ở Bắc Mỹ, tăng thêm 20 ngày từ năm 1990-2018. Họ cũng nhận thấy, mức độ phấn hoa tăng 21% trong cùng một khoảng thời gian. Những thay đổi này có thể là do sự nóng lên toàn cầu và các bệnh dị ứng đã trở nên trầm trọng hơn.

Trái đất lờ mờ hơn

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 9.

Trái đất tối hơn do ít ánh sáng mặt trời hơn

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters vào năm 2021, các nhà khoa học đã phân tích lượng ánh sáng mặt trời phản chiếu từ Trái đất lên Mặt trăng từ năm 1998 đến năm 2017 và nhận thấy hành tinh của chúng ta dường như đang trở nên mờ hơn.

Phát hiện của họ tiết lộ rằng, các vùng biển nóng hơn đã làm giảm số lượng các đám mây thấp phía trên phía đông Thái Bình Dương, khiến ít ánh sáng mặt trời chiếu xuống hành tinh của chúng ta hơn.

Núi lửa phun trào

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 10.

Núi lửa phun trào do sự nóng lên toàn cầu

Nhiều núi lửa trên Trái đất được bao phủ bởi băng, nhưng khi lượng băng này tan chảy nhiều hơn do sự nóng lên toàn cầu, nước được giải phóng có thể trộn với đá nóng và magma bên dưới để gây ra các vụ nổ dữ dội thường xuyên hơn. Sau đó, magma sủi bọt gây thêm áp lực lên lớp vỏ Trái đất phía trên, cho đến khi chất lỏng nóng chảy phát nổ qua các vết nứt trên lớp vỏ.

Một nghiên cứu được công bố năm 2017 trên tạp chí Geology nhận thấy, khoảng 4.500 đến 5.500 năm trước, số vụ phun trào núi lửa ở Iceland đã giảm đáng kể khi khí hậu mát mẻ hơn so với thời kỳ nóng hơn.

Sản lượng cà phê giảm đi

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 11.

Sản lượng cà phê giảm

Biến đổi khí hậu có thể làm giảm một nửa diện tích đất trồng cà phê vào năm 2050, một nghiên cứu được công bố vào ngày 26/1 năm nay trên tạp chí PLOS One cho thấy.

Các nhà khoa học nhận thấy, các khu vực rất phù hợp để trồng cà phê như các khu vực của Brazil, Việt Nam, Indonesia và Colombia có thể giảm 50% sản lượng cà phê.

Số lượng dê núi giảm đi

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 12.

Dê núi ở Ý ngày càng ít đi

Những con dê ở dãy núi Alps của Ý ngày càng ít hơn khi hành tinh của chúng ta nóng lên. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Zoology năm 2014, các nhà nghiên cứu đã phân tích khối lượng cơ thể của sơn dương Alpine con (Rupicapra rupicapra) sống trên núi từ năm 1979- 2010 và nhận thấy chúng đã giảm khoảng 25%.

Trong thời gian nghiên cứu, khu vực này ấm lên từ 3 độ C đến 4 độ C. Các nhà khoa học cho biết, số lượng dê núi giảm dường như là do sơn dương dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và ít thời gian kiếm ăn hơn trong thời kỳ nóng.

Xác ướp xuống cấp

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 13.

Xác ướp bị xuống cấp vì thời tiết nóng bức

Sau khi được bảo quản tốt trong hơn 7.000 năm ở sa mạc Atacama, một số xác ướp cổ nhất thế giới đã bắt đầu xuống cấp khi được lưu giữ trong viện bảo tàng. Theo một báo cáo của Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng Harvard John A. Paulson, độ ẩm tăng cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu được cho là đã thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong xác ướp, khiến một số xác ướp biến bị hủy hoại.

Cây phát triển nhanh hơn

Những hậu quả không ngờ do biến đổi khí hậu - Ảnh 14.

Việc tăng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đã thúc đẩy cây cối phát triển nhanh hơn ở Trung Âu. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào năm 2014, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, cây vân sam Na Uy (Picea abies) và cây sồi châu Âu (Fagus sylvatica) đã phát triển nhanh hơn gấp đôi vào năm 2010 so với năm 1960, trong bối cảnh mức độ carbon dioxide tăng lên.

Khí nhà kính này là thành phần chính cho quá trình quang hợp, quá trình thực vật sử dụng năng lượng ánh sáng để tạo ra đường và oxy. Sau đó chúng có thể được kết hợp với oxy trong quá trình hô hấp để giải phóng năng lượng cho sự tăng trưởng.

Theo Live Science

Chia sẻ