Những đứa trẻ không có Tết ở xóm trọ công nhân nghèo Sài Gòn
Tết nhất nhưng không khí một xóm trọ ở khu công nghiệp không khác ngày thường. Những công nhân không về quê ăn Tết chỉ biết quanh quẩn dãy trọ, lấy tán gẫu với nhau làm niềm vui. Những đứa trẻ không có Tết cũng chỉ biết tự bày trò chơi trong những ngày nghỉ Tết.
Nhiều công nhân ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai... vì những lý do riêng mà phải ở lại nhà trọ đón Tết. Tại một dãy trọ ở KCN Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương), không khí ở đây khá đìu hiu, tĩnh lặng.
Cả thảy dãy trọ có 14 phòng thì đến khoảng 10 phòng có công nhân không về quê ăn Tết. Họ đều là người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây tha phương cầu thực.
Chiều 28 Tết, căn phòng trọ nhỏ 18m2 của vợ chồng chị Thân, anh Hương như cô quạnh bởi bốn bức tường. Căn phòng trống, chưa sắm sửa gì cho Tết. "Cũng sắm sửa chứ nhưng chỉ là mâm ngũ quả, mấy chai nước ngọt, tí bánh kẹo cho con. Năm nào cũng vậy, cứ phải 30 Tết thì tôi mới đi chợ vì khi ấy đồ rẻ hơn", chị Thân cho hay.
Cả hai vợ chồng chị Thân cùng làm công nhân, cùng quê Hà Tĩnh. Suốt 7 năm làm công nhân, anh chị chỉ mới về được 2 lần, phần vì đường xa nhưng tính sơ sơ cũng hết cả chục triệu đồng. Với mức lương hai vợ chồng chưa đến 10 triệu thì không đủ trang trải. Những ngày Tết, nhiều khi hai người vẫn ăn mì tôm lót dạ.
Trong khi đó, gia đình chị Trần Thị Thanh Hoa (33 tuổi) cũng chỉ sắm Tết là mấy chai nước ngọt, đòn giò thủ, mâm ngũ quả. Trong ảnh, chị Hoa đang gói đồ ăn Tết mang sang tủ lạnh phòng trọ kế bên gửi nhờ. Suốt 8 năm làm công nhân, chị cũng mới về quê ở Nghệ An một lần. "Nếu không về thì mình quanh quẩn xóm trọ hoặc đi chơi phố thôi. Những năm tới có khi còn khó về hơn vì vướng con nhỏ nữa", chị Hoa nói.
Chiều 28 Tết, gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Huyền (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã chuẩn bị xong cỗ bàn đơn sơ cho năm mới với ít bánh kẹo nước ngọt bày trên bàn thờ. "Mấy ngày Tết thì hai vợ chồng đưa con cái sang nhà họ hàng chơi cho qua ngày, chờ đến lúc đi làm thôi. Năm nay công việc khó khăn, ít tăng ca nên gần như không ăn Tết", chị Huyền nói.
Ở một xóm trọ cạnh đó, cũng có nhiều công nhân không thể về quê. Trong ảnh, chị Hiền (33 tuổi) dành thời gian nghỉ Tết để trong con nhỏ. Chồng chị vẫn đi làm, phải đến ngày giao thừa mới được nghỉ.
Còn chị Bùi Thị Xuân (35 tuổi, quê Nghệ An) cũng mới kịp mua được thùng nước ngọt. Con gái chị rất háo hức khi mẹ bắt đầu sắm Tết. Đây là năm thứ 10 chị Xuân không vê quê. Chị nói như an ủi:"Tôi cũng muốn về, nhưng sơ ngoài đó lạnh nên ở trong này cho ấm".
Một gia đình công nhân '"sang" hơn khi có được con gà trống cúng giao thừa. Đây là nhà duy nhất có gà nên bọn trẻ trong xóm thích thú đùa nghịch.
Cuộc sống công nhân nghèo cả về vật chất, tinh thần. Nếu không làm bạn với 4 bức tường thì họ cũng chỉ quanh quẩn bật tắt tivi. "Ngày Tết thì anh em trong xóm góp tiền làm buổi tất niên. Phòng tôi có dàn karaoke, mở lên cả xóm thi nhau hát", anh Võ Văn Trung (33 tuổi, quê Nghệ An) cho biết.
Hoặc ngồi "nhâm nhi" với nha hàn huyên bên chén rượu.
Nếu không thì họ cũng chỉ biết bấm điện thoại như một cách giết thời gian. Những đứa trẻ thì lấy leo trèo làm niềm vui.
Người lớn thì lúc rảnh rỗi tụ tập "tám" chuyện. Họ nói đủ thứ chuyện nhưng ít khi nhắc đến ngày Tết vì với họ, đây cũng không khác ngày thường là bao. Với công nhân, khát khao về quê luôn tồn tại nhưng công việc và thu nhập ít ỏi khiến điều ấy khó thành hiện thực.