Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 3): Bảy năm thống khổ của Tiểu Bạch
Kỳ trước, tôi kể lại chuyện các bé bị chấn thương tinh thần, bị trầm cảm hoặc có hành vi không phù hợp với tâm lý lứa tuổi như bé năm tuổi đòi xem phim có người lớn hôn nhau, hay các bé tám chín tuổi cứ đến bữa cơm lại đòi mua rượu... Nhưng bé Tiểu Bạch mới là nỗi ám ảnh của các Dì trong Nhà.
Đọc kỳ 1 loạt bài Những đứa trẻ bị xâm hại: "Con không muốn khai vì sợ làm cha nặng tội" tại đây
Đọc kỳ 2 loạt bài Những đứa trẻ bị xâm hại: Ám ảnh lời con trẻ sau những chấn thương tại đây
Bị cưỡng dâm đến vỡ cả xương chậu
Suốt mấy tháng trời khi mới vào Nhà, Tiểu Bạch không hề mở miệng. Suốt ngày bé ngồi co ro trên ghế, hai tròng mắt đờ dại nhìn nhưng không thấy gì. Vừa mới ăn xong bé lại bới thùng rác để ăn. Đại tiện thì chui vào hốc tủ, xó tường... dứt khoát không dùng bồn cầu dù đã được dạy đi dạy lại.
Năm tuổi, bé không biết nói trọn câu. Một năm đầu
các Dì miệt mài dạy, bé chỉ học được đúng ba từ và bốn năm chữ số.
"Lạ lùng là những từ bình thường thì bé chỉ phát âm được từng tiếng một bằng và rất ngọng, như đói, khát... nhưng ngược lại, chửi tục lại rất rõ, rất ghê gớm" - Dì trưởng Nhà kể.
"Mẹ yêu con"
Kết quả đáng kinh ngạc: Bé viết được. Và dòng chữ đầu tiên bé được dạy viết là "Mẹ yêu con".
Bao nhiêu mong ước nguyện cầu cho tương lai cuộc đời
bé, được cô giáo nắn nót trút vào ba chữ ấy.
Mẹ yêu con. Có hàng triệu triệu câu nói như thế được
các bà mẹ khắp thế giới nói ra mỗi ngày, và tôi hình dung những câu nói đẹp đẽ ấy
giống như trong bộ phim về những nàng tiên tí hon Tinker Bell: Mỗi câu nói tỏa
ra một làn bụi vàng phủ khắp thành phố, làng mạc và ruộng đồng, bao bọc mọi thứ
trong làn không khí thơm ngát của sự yêu thương và che chở.
Nhưng mẹ của Tiểu Bạch có yêu con, có che chở bé
không?
Bàn tay của các con in lên tường tạo thành chữ viết tắt của Nhịp cầu hạnh phúc.
Mẹ của Tiểu Bạch, theo miêu tả của những cô giáo đi
đón bé về, là một phụ nữ khôn và đẹp. Cha Tiểu Bạch, trái lại, tâm trí khờ khờ.
Chẳng hiểu vì sao họ kết hợp với nhau để sinh ra bé và một em gái nữa, nhưng cuộc
kết hợp chẳng được lâu. Họ chia tay.
Cả hai bé sống với ông bà ngoại, đều đã bảy tám mươi tuổi. Khi còn trẻ ông bà cũng chẳng có nghề nghiệp gì, chỉ chuyên đi hái dừa thuê, giờ cũng đụng đâu làm thuê đó. Bé sống không khác gì con thú hoang, tự do tha thẩn ra đường chơi bất kể giờ giấc. Những việc vệ sinh cá nhân như đánh răng, tắm rửa, gội đầu... không biết một năm làm được mấy lần.
"Lúc đón bé về, tụi em phát sợ. Bé suy dinh dưỡng, đi không nổi, phải có người dìu. Người hôi tanh, đầu đầy chí, trong tài cặn đóng đến tràn cả ra ngoài. Hai hàm răng hư sạch cả hai" - một chuyên viên tâm lý tham gia đi đón bé về Nhà kể.
Vậy mà hình hài tiều tụy và bẩn thỉu ấy vẫn không
thoát khỏi sự cuồng dâm hung hãn, chấn thương đến nỗi bé bị vỡ cả xương chậu.
Thủ phạm là kẻ có vị trí khả kính trong cái cộng đồng
nhỏ nơi bé sống, ở một tỉnh miền Tây.
Một lần mẹ bé đi vắng, ông bí thư phường đến tìm không thấy, bèn ra sau vườn tìm. Lúc đó trưa nắng, vắng vẻ. Bà ngoại đi làm cỏ thuê, ông nằm nghỉ trong nhà, Tiểu Bạch đang chơi tha thẩn một mình ngoài hè. Tên khốn kiếp xông luôn vào.
Bé khóc thét lên thì bị tên này bóp miệng và đánh
vào mặt liên tục. Nghe tiếng la, ông ngoại chạy ra thì thấy cháu bò ra từ đống
củi, chân và đùi bê bết máu, miệng mũi bầm tím. Họ lập tức đưa bé đi cấp cứu.
Tên cuồng dâm bị đi tù. Báo chí về sự kiện này mô tả
như vậy.
Ở nhà thì rất vui
Bé được đón vào Nhà. Nuôi ăn học như đã kể. Nhìn hai tấm ảnh chụp khi Tiểu Bạch vừa vào Nhà và gần một năm sau đó, tôi suýt nữa không nhận ra.
Con bé trong ảnh có đôi má bầu bĩnh, mái tóc bum bê
dễ thương, đôi mắt tròn vo sáng trong. Không còn gì của cái bóng xác xơ trĩu nặng
ngày đầu nữa.
Tôi vui lây với những cập nhật tình trạng của bé. Hết trầm cảm rồi. Biết nói nhiều hơn rồi. Đã nói được cả câu chứ không ngắc ngứ từng từ nữa. Trời ơi, bây giờ nó ham giỡn, mà còn giỡn nhây nữa, thích chọc ghẹo mấy chị trong Nhà lắm...
Thế rồi đến Tết. Do bé còn nhỏ nên Nhà buộc phải gửi về gia đình ăn Tết. Nhà không thể thay thế toàn quyền cha mẹ hay người bảo hộ của bé được. Người nhà hứa đi hứa lại ăn Tết xong sẽ đưa bé lên để tiếp tục học.
Nhưng Tết qua, chờ mãi chờ mãi, chẳng thấy bóng dáng
bé đâu.
"Nóng ruột quá, tôi phải sắp xếp thời gian đi
thăm.
Trời ơi, bao nhiêu công sức một năm ròng của chúng
tôi đổ sông đổ biển hết. Bé quần áo lem luốc mặc ngược, đứng gần bốc mùi tanh.
Ngơ ngác không nhận ra một người nào. Tai đầy bựa bẩn như cũ" - Dì trưởng
Nhà kể.
Nhưng không khí ở nhà bé thì ngược lại. Vui lắm!
Hậu quả tâm lý vô cùng nặng nề, lâu dài và dai dẳng Theo khảo sát, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài, không còn tin vào bất kỳ người nào. Các nạn nhân cũng có thể cảm thấy không còn tự trọng, không còn giá trị và không xứng đáng được người khác coi trọng. Đáng ngại là một khi trẻ không muốn tiếp tục thường bị các đối tượng hăm dọa khiến các em hoảng sợ, không dám từ chối, do đó khi bị lạm dụng tình dục, trẻ sẽ rơi vào tình huống ngại tiếp xúc, tự dằn vặt bản thân và cảm thấy tội lỗi. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tự tử cũng như mong muốn tự tử ở những người trưởng thành và vị thành niên đã từng bị xâm hại tình dục hoặc xâm hại thể chất cao hơn 4 lần so với những người khác. Nhiều em rơi vào tình trạng “nghiện” tình dục hoặc có tâm lý tiêu cực, cảm thấy bất công, có thể trở nên ưa bạo lực, phá phách, sử dụng bia rượu, ma túy hoặc sau khi bị xâm hại đã trở thành đối tượng phạm tội trong các vụ án khác. (Theo bà Tạ Thị Minh Kiên, Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm và bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Đại học Cảnh sát nhân dân). |
LTS: Xâm hại tình dục trẻ em đang là "bóng ma" gieo rắc nỗi sợ hãi lên nhiều mái ấm khi mà mỗi ngày lại có thêm những con “ác quỷ” lạm dụng, quấy rối trẻ em bị phanh phui, bị đưa ra xét xử. Thế nhưng... Không ai trong chúng ta trả lời được câu hỏi: Thủ phạm lạm dụng trẻ em phải chịu hình phạt thế nào mới là xứng đáng. Không ai trong chúng ta có thể cảm nhận được hết những tổn thương mà các em phải chịu đựng. Không sự trả giá nào là đủ để bù đắp những gì mà các em phải trải qua. Chính vì vậy, điều cần thiết là các bậc cha mẹ phải luôn để ý và nhạy cảm với những thay đổi hành vi, cảm xúc hàng ngày ở con mình. Hãy nhớ rằng: Không một ai quan tâm đến sự an toàn của con bạn bằng chính bạn! Đừng im lặng - Hãy chia sẻ bài viết này tới những người bạn mà quan tâm, hãy nói lên quan điểm của bạn bằng cách bình luận ngay dưới bài viết hoặc gửi thư về địa chỉ: xahoi@afamily.vn. |
(Còn tiếp)