"Lại đây bác xem mày đã dậy thì chưa?" và chuyện trẻ con bị xâm hại ở khắp nơi mà không ai biết

Bình An,
Chia sẻ

"Đâu đưa bà xem quả ớt của cháu trai bà nào!", "Con bé này bây giờ phổng phao nhỉ, lại đây bác kiểm tra xem mày dậy thì chưa con!", "Tới đây, cho ông sờ một tý, ngoan ông thương ông mua kẹo cho nhé...", những câu nửa đùa nửa thật này, nghe có quen không?

"Hồi đó tao bị hoài!", dòng comment (bình luận) ngắn gọn của một người dùng Facebook khi bạn mình đăng một status kèm đường link bài báo về vụ một bà mẹ tố người hàng xóm già bệnh hoạn nhiều lần đụng chạm vào chỗ kín của con gái mình. Dòng comment ấy lẫn giữa hàng trăm comment khác đang mải mê chửi bới "lão già dâm ô", "quân khốn nạn" và cảnh báo lẫn nhau "cẩn thận với mấy lão già hàng xóm nghe các mẹ". "Hồi đó tao bị hoài", chỉ có mấy chữ thôi, ngắn gọn nhưng chua xót và nặng nề kinh khủng.

Ai dám khẳng định mình chưa từng bị xâm hại bằng lời nói hay hành động, vô tình hay cố ý? Có người nhận thức được ngay, cũng có người phải vài năm sau, khi lớn lên, đọc sách báo, trải nghiệm nhiều hơn thì mới biết: đấy chính là mình bị xâm hại. Ai dám chắc những ký ức sờ mó tởm lợm ấy không khắc sâu vào đầu óc đứa trẻ và nằm mãi ở đó như 1 vết sẹo cho đến khi đứa trẻ trưởng thành. Và cũng đã có những trường hợp, tâm sinh lý tình cảm của đứa trẻ bị thay đổi, thậm chí giới tính bị ảnh hưởng vì ký ức bị xâm hại ngày nhỏ...


Những kẻ thủ ác đáng sợ có mặt ở khắp nơi, đội lốt những con người hết sức bình thường

Nói lời sàm sỡ, bông đùa về bộ phận sinh dục của trẻ con, sờ soạng một tý để xem thử "lớn chưa", đùa nghịch, làm cho trẻ con bị nhột "cho vui", gặp trẻ con là cưng nựng, thơm má, hôn trán, ôm ôm ấp ấp, vỗ mông đen đét, tuột quần ra xem đã mặc quần lót chưa... Những hành động, lời nói vô tình, tưởng thể hiện sự thân thiện, chiều và mê con nít, là thói quen lâu đời của nhiều người Việt và bao lâu nay được chấp nhận như một sự giao tiếp thông thường, đầy quý mến giữa người lớn và trẻ nhỏ.

Hẳn vì vậy nên đến khi đứa trẻ gái hồn nhiên mách mẹ chuyện ông già 61 tuổi ở cùng xóm "sờ tay vào quần con", "bảo con nghe lời ông rồi cho con bim bim", cha mẹ mới trợn mắt, dựng tóc gáy, hốt hoảng đi tìm "thủ phạm" làm cho ra nhẽ, rồi viết đơn trình báo công an mà manh mối và chứng cứ chỉ vỏn vẹn là lời kể của trẻ con. Không có ai chụp ảnh làm chứng. Clip cũng không. Cha mẹ chỉ còn biết ôm con đau khổ, hối hận dằn vặt vì đã lơ là sơ hở. Kẻ dâm ô thì cười mỉa bảo "làm gì có, tôi bằng này tuổi đầu sao dám làm chuyện đó".

xam hai 2

Chuyện không còn hiếm nữa. Chồng của cô giáo bị tố xâm hại học trò của vợ mình ở lớp học thêm tại nhà. Cô giáo mầm non dùng tay thọc vào chỗ kín bé gái, kinh khủng hơn là dùng dương vật của bé trai trong lớp đưa vào chỗ kín của bé gái để đùa giỡn. Bé gái Hưng Yên bị ông già hàng xóm “tè vào quần”, mẹ chỉ phát hiện ra khi thấy chiếc quần hoa con mặc khác với hồi sáng khi mẹ ra khỏi nhà. Mới đây là bà mẹ trẻ ở Vũng Tàu lên tiếng tố cáo người hàng xóm già thường chơi với trẻ con ở sân chung cư đã xâm hại nhiều lần con gái của mình ở góc khuất công viên. Rồi vụ bé 3 tuổi ở Hà Nội bị một ông già hàng xóm cho tay vào quần chạy về mách cha mẹ. Bà vợ ông cũng nhìn thấy nhưng chỉ nói “để đấy bà xử lý ông” rồi thôi…

Trẻ con không biết nói dối. Trẻ con cũng không biết "ông cho tay vào quần con" là quấy rối, là phạm pháp, là đáng khinh bỉ. Nhưng người lớn thì tường tận. Người lớn phải lường trước mọi nguy cơ con trẻ bị xâm hại, khi xung quanh có quá nhiều “thằng già đổ đốn”, bọn ngáo đá, bọn bệnh hoạn thích sờ soạng trẻ con (vì sờ soạng người lớn thì khó quá lại dễ ăn tát và đi tù). Những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên được dạy phải lễ phép, dạ thưa với người lớn, tôn trọng, nghe lời người già, khi không được cảnh báo sớm, dễ dàng trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ biến thái.

xam hai

Quy tắc 5 ngón tay dạy con tránh bị lạm dụng tình dục, những câu hỏi giúp cha mẹ phát hiện ra con bị xâm hại, những nguy cơ bị xâm hại từ người thân của trẻ nhỏ, số liệu lạm dụng tình dục ở trẻ em dưới 6 tuổi... Lý thuyết rất nhiều, cảnh báo cũng đã nhiều, nhưng những câu chuyện đau lòng, khi phát hiện ra thì sự đã rồi, cứ liên tiếp xảy ra, làm đau nhói tim can những người làm cha, làm mẹ. Không chỉ nuôi, dạy, nhiệm vụ của cha mẹ còn là bảo vệ con trước mọi nguy cơ của môi trường nguy hiểm xung quanh, mà việc cần làm nhất là dạy trẻ cách tự bảo vệ chính mình trước kẻ xấu.

Ở góc độ pháp luật, không ít những vụ tố cáo xâm hại trẻ con nhanh chóng chìm xuồng vì không đủ chứng cứ. Lời của trẻ con không thể là bằng chứng thuyết phục trước tòa. Kẻ dâm ô tiếp tục nhởn nhơ còn mẹ cha thì đau khổ tê tái đến suốt đời vì một phút bỏ rơi con... Chưa kể, tâm lý người Việt, đặc biệt là các bà mẹ Việt sợ con mang tiếng suốt đời nên lẳng lặng ôm mối thù hận trong lòng, vì con mà cho qua, mặc kệ kẻ dâm ô tiếp tục nhởn nhơ hại đời đứa trẻ khác.


Chỉ 1 phút bỏ rơi con, đứa trẻ có thể mang sang chấn tâm lý suốt đời...

Ở khía cạnh gia đình, cha mẹ thường chủ quan với nguy cơ con bị xâm hại đến từ chính người thân trong gia đình hay những người hàng xóm thân thiện, tốt bụng, thường quan tâm chăm sóc bé. Còn nhớ cách đây 1 năm, một bé trai ở Nghệ An bị người hàng xóm là nam giới vốn rất quan tâm săn sóc bé đưa vào một khách sạn và xâm hại, hành hạ suốt nhiều ngày trời mà gia đình không hay biết, chỉ vì chủ quan cho rằng “hàng xóm đưa đi chơi”.


Ngay cả khi chơi với bạn bè cùng trang lứa, những đứa trẻ cũng có thể lạm dụng tình dục lẫn nhau. Và nguy cơ từ những "người lớn bệnh hoạn" luôn tiềm ẩn xung quanh.





Những phụ huynh có con gái cần đặc biệt lưu ý cho con ngay từ khi còn nhỏ.


Hãy bảo vệ con và dạy con tự bảo vệ mình càng sớm càng tốt.

Những đứa trẻ cần sự bảo vệ nghiêm ngặt từ chính cha, mẹ của chúng. Đừng chỉ giật mình khi đọc những bản tin nói về trẻ con bị xâm hại, rồi để con được thoải mái tung tăng ăn ngủ nhà hàng xóm, nhờ ông trẻ trông cháu giúp để mẹ đi chợ, nhìn con ôm hôn bác bảo vệ ở trường mà cho rằng đấy là lễ phép... Những kẻ bệnh hoạn thường đội lốt hiền từ, cởi mở và thân thiện. Khi sự đã rồi, ngàn giọt nước mắt, ngàn lời xin lỗi của cha mẹ cũng không thể xóa được vết sẹo trong tâm hồn con trẻ, một khi sự non nớt của các bé đã bị lợi dụng để thỏa mãn tính dục cho người lớn.

Theo số liệu thống kê mới nhất công bố ngày 29/3 tại tọa đàm Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức, trong 5 năm (2011-2015), có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung. Một số liệu thống kê khác của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy trẻ bị người thân quen xâm hại rất cao, độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi. Đau lòng hơn, những số liệu thống kê nói trên là không đầy đủ, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.


Chia sẻ