Những đốm đen lấm tấm trên lá rau cải thảo là gì? Có thể tiếp tục ăn ngay cả khi không thể rửa sạch? Gợi ý 2 món siêu ngon từ rau cải thảo
Sau khi hiểu được nguồn gốc của những đốm đen nhỏ trên lá cải thảo, chúng tôi hy vọng mọi người có thể yên tâm thưởng thức loại rau ngon và tốt cho sức khỏe này.
Khi mùa thu đông đến, rau cải thảo đã trở thành một trong những nguyên liệu phổ biến trên bàn ăn. Nó được mệnh danh là "Vua rau mùa thu đông", vì giàu dinh dưỡng, giá cả phải chăng và khả năng thích ứng mạnh với thời tiết.
Rau cải thảo rất giàu vitamin C, vitamin K, canxi, sắt, kali và các khoáng chất, chất dinh dưỡng khác. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C trong mỗi 100g cải thảo có thể đạt tới 18mg. Nó giúp tăng cường hiệu quả khả năng miễn dịch của con người, ngăn ngừa cảm lạnh. Ngoài ra, cải thảo rất giàu chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và còn có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch. Vì cải thảo chứa ít calo và chất béo nên nó cũng là một trong những loại rau lý tưởng cho những người muốn giảm cân, giữ dáng.
1. Những "đốm đen nhỏ" trên lá rau cải thảo là gì?
Trong quá trình đảm nhận công việc nội trợ, nhiều người khi mua rau cải thảo về thường thấy trên thân rau có những đốm đen nhỏ không thể rửa sạch được. Đối mặt với những đốm đen nhỏ này, nhiều người thắc mắc: Những đốm đen này là gì? Chúng có gây hại cho con người không? Chúng ta vẫn có thể ăn rau cải thảo bị đốm đen đó chứ?
Trên thực tế, những đốm đen nhỏ này không phải là dấu vết của dư lượng thuốc trừ sâu hay côn trùng gây hại. Những đốm đen đó là "bệnh đốm đen" vốn rất phổ biến ở loại rau cải thảo. Sự xuất hiện của bệnh này có liên quan chặt chẽ đến điều kiện chăm sóc trong quá trình trồng cải thảo. Đặc biệt là bón quá nhiều đạm trong quá trình chăm sóc cây sinh trưởng có thể gây tổn thương hệ thống màng tế bào và cuối cùng gây ra hiện tượng hóa nâu tế bào biểu bì lá. Nhìn bề ngoài, những đốm đen này trông giống như hạt vừng rắc trên lá cải thảo. Ngoài ra, những đốm đen này có thể hình thành do các yếu tố khác như đất có độ pH cao, điều kiện ánh sáng, chất dinh dưỡng trong đất, và cả yếu tố thu hoạch...
Tin tốt là bệnh đốm đen lấm tấm trên lá cải thảo này vô hại. Nó không tạo ra độc tố có hại và không ảnh hưởng đến tiêu dùng cải thảo. Ngoài cải thảo, bệnh đốm đen này còn phổ biến trên các loại rau thuộc họ cải khác như cải dầu, bắp cải… Loại đốm này chủ yếu là hiện tượng tự nhiên hình thành trong quá trình trao đổi chất của thực vật nên không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nếu các đốm đen trên lá cải thảo lớn, lan rộng, thậm chí gây mềm và thối thì có thể đó không còn là bệnh đốm đen đơn thuần nữa. Tình trạng này thường là triệu chứng của nhiễm khuẩn hoặc thối rau. Lúc này, bạn nên tránh ăn những cây cải thảo có biểu hiện đó.
2. Gợi ý các món ngon từ rau cải thảo
Công thức gợi ý 1: Miến om cải thảo và thịt lợn
Thành phần nguyên liệu: 500g cải thảo, 200g thịt ba chỉ, 100g miến Hàn Quốc, 10g rượu nấu ăn, một chút dầu ăn, 1 cây hành lá xắt nhỏ, lượng muối vừa phải, nước tương, chút xíu bột tiêu, một chút tinh bột bắp, 1 thìa canh bột nêm, 1 thìa canh dầu mè.
Cách làm món miến om cải thảo và thịt lợn:
- Ngâm miến cho mềm rồi cắt thành từng đoạn. Rửa sạch cải thảo và cắt thành các miếng lớn. Thịt lợn rửa sạch thái miếng mỏng rồi thêm rượu nấu ăn, tinh bột, chút gia vị, bột tiêu, trộn đều và ướp trong 10 phút. Phi thơm hành lá xắt nhỏ trong chảo dầu nóng rồi cho thịt lợn vào xào đến khi chuyển màu.
- Trút cải thảo vào xào đều, tiếp đó nêm thêm nước tương và gia vị cho vừa ăn. Đổ một lượng nước thích hợp, cho miến đã ngâm vào, đậy nắp nồi rồi đun trên lửa vừa khoảng 15 phút đến khi cải thảo và miến mềm. Cuối cùng cho một chút dầu mè vào, đảo đều.
Miến om cải thảo và thịt lợn là một món dễ làm nhưng hương vị đậm đà, thơm lừng. Cải thảo sau khi om sẽ hấp thụ chất béo từ thịt lợn, mang lại hương vị thơm ngon. Trong khi đó, miến hấp thụ nước của món ăn, trở nên mềm và dẻo. Vị ngọt của cải thảo và vị đậm đà của thịt lợn bổ sung cho nhau, tạo nên một món ngon bổ dưỡng và có tính ấm cho bàn ăn trong những ngày thu se lạnh.
Công thức gợi ý 2: Cải thảo trộn chua cay
Thành phần nguyên liệu: 300g cải thảo, 4 tép tỏi băm nhỏ, một lượng muối thích hợp, 1 thìa canh giấm, 12g dầu hào, nước tương, 1/2 thìa canh đường, lượng dầu mè vừa phải, 1 quả ớt (hoặc 2 quả ớt khô), một ít vừng trắng rang, 1-2 cây hành lá.
Cách làm món cải thảo trộn chua cay:
- Cải thảo cắt thành từng miếng nhỏ hình sợi. Hành lá rửa sạch cắt thành từng đoạn, ớt xắt khoanh nhỏ (nếu dùng ớt khô thì cắt thành từng miếng chéo). Cho hành lá, ớt, tỏi băm vào bát, đun nóng một chút dầu mè rồi đổ vào để dậy mùi thơm. Sau đó cho nước tương, giấm, dầu hào, đường, chút xíu muối rồi trộn đều để được hỗn hợp sốt trộn.
- Sau khi rửa sạch và để ráo cải thảo, cho chút muối vào, trộn đều để rau tiết nước. Sau đó nắm nhẹ để loại bỏ nước trong rau cải thảo, rồi cho vào âu trộn. Tiếp theo đổ nước sốt vào, trộn đều cho ngấm và lấy ra đĩa.
Món cải thảo trộn chua cay này có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, rất thơm ngon. Vị giòn của cải thảo quyện với sốt trộn thơm đậm đà tạo nên món ăn vừa giàu vitamin C và chất xơ lại thanh mát, ngon miệng. Món ăn này là sự lựa chọn rất tốt dù dùng làm món khai vị hay món ăn phụ trên bàn ăn hàng ngày.
Cải thảo không chỉ có giá thành phải chăng mà còn giàu giá trị dinh dưỡng. Sau khi hiểu được nguồn gốc của những đốm đen nhỏ trên lá cải thảo, chúng tôi hy vọng mọi người có thể yên tâm thưởng thức loại rau ngon và tốt cho sức khỏe này.