Những điều chưa biết về cảnh sát nữ Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc
Trở thành một cảnh sát tại nước ngoài không phải là điều người ta có thể dễ dàng nghĩ tới và dám đặt ra mục tiêu phấn đấu cho mình.
Nhưng đối với Phí Thị Ngọc Lan, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng với tính cách mạnh mẽ của mình, cô đã trở thành một tấm gương, một bông hoa đẹp trong cộng động người Việt tại Hàn Quốc cũng như giành được nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân tại đất nước này.
Ngọc Lan tại Sở Cảnh sát Gyong-san. Nguồn ảnh báo Gia đình &xã hội cuối tuần
Thử thách càng khó càng mạnh mẽ vượt qua
Ngọc Lan năm nay 32 tuổi, cô đã có gia đình và một cậu con trai đáng yêu chuẩn bị vào lớp 1. Nhìn gia đình đầm ấm hạnh phúc, ước mơ của mình được thực hiện, Ngọc Lan không biết bao lần tự nhủ mình đã đi đúng con đường cần đi. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, Ngọc Lan rất nhanh nhẹn và có đôi phần nghịch ngợm.
Vốn yêu thích học tiếng nước ngoài từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô quyết định tiếp tục theo ngành Ngoại ngữ. Lúc đó cô có thể nhìn thấy cơ hội khi càng ngày càng nhiều các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Thế nhưng, với bản tính thích những điều mới lạ, thích những thử thách mới, Ngọc Lan đã chọn thi vào khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Năm đó là năm 1998, Việt Nam và Hàn Quốc kết giao tình hữu nghị chưa lâu, chẳng có nhiều nơi đào tạo tiếng Hàn Quốc một cách chính quy và đó hoàn toàn là thứ ngôn ngữ vô cùng mới mẻ với mọi người. Chính vì vậy quyết định thử sức với tiếng Hàn Quốc của Lan khiến không ít người ngạc nhiên.
Thậm chí có người nghĩ cô "dại" khi lúc đó tiếng Anh, tiếng Pháp là những thứ tiếng thịnh hành và có tương lai nhất. Chẳng ngại người nói ra nói vào, Ngọc Lan vẫn quyết tâm chinh phục mục tiêu mình theo đuổi. Cô thi đỗ và trở thành một trong những sinh viên các khóa đầu tiên của khoa tiếng Hàn.
Được học ngôn ngữ mới, Ngọc Lan như càng hứng thú hơn bao giờ hết. Cô học rất chăm chỉ và ngay năm đầu tiên đã được nhận học bổng tài trợ của Samsung. Trong thời gian học, khi còn là sinh viên, cô đã tham gia đi làm thêm với công việc phiên dịch cho nhiều nơi. Chính những công việc này lại trở thành những kinh nghiệm thực tế quý báu giúp Ngọc Lan đạt những kết quả tốt trong công việc học tập tại trường.
Cô là một sinh viên rất năng động. Sau khi tốt nghiệp, cô được một công ty tại Hàn Quốc tuyển dụng với vị trí phiên dịch. Ngọc Lan thu xếp sang Hàn Quốc làm việc với nhiều háo hức và quyết tâm hết mình. Chính tại nơi đây cô đã gặp người bạn trai bản xứ hơn cô 5 tuổi. Anh rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên gặp một người Việt Nam, hơn nữa là một cô gái mới sang Hàn Quốc chưa lâu mà lại nói tiếng Hàn giỏi đến thế.
Ngọc Lan bên gia đình của mình. Nguồn ảnh báo Gia đình &xã hội cuối tuần
Rồi từ chỗ để ý, họ phải lòng nhau lúc nào không biết. 2 năm sau, khi Ngọc Lan hết hạn hợp đồng lao động với công ty tuyển dụng mình, cô trở về nước. Lúc này cũng là lúc cô nhận được lời cầu hôn từ bạn trai của mình. Họ tổ chức đám cưới và Ngọc Lan lại quay trở lại Hàn Quốc nhưng với một vai trò mới trong một gia đình mới.
Hai vợ chồng cô sống tại Gyong-san, nơi có rất nhiều người Việt sinh sống. Họ nhanh chóng chào đón sự ra đời của cậu con trai đầu lòng. Ngọc Lan ở nhà chăm con nhỏ suốt thời gian trở lại Hàn Quốc. Dù đã có thời gian ở nơi đây, nhưng nỗi nhớ nhà chẳng bao giờ nguôi trong lòng cô. Mặc dù bên cạnh cô luôn có chồng, có gia đình chồng, những người yêu thương cô hết mực, trong quá trình sinh con và nuôi con, cô vẫn luôn nghĩ rằng: nếu có mẹ ở gần thì thật là tốt.
Cũng chính vì vậy, Ngọc Lan luôn cố gắng hết mình trong cuộc sống. Khi con trai lên 2 tuổi, cô bắt đầu đi làm lại như một thông dịch viên tại công ty Samsung, nơi đã tài trợ học bổng cho cô khi còn là cô sinh viên bỡ ngỡ năm đầu đại học. Ngọc Lan có được sự may mắn so với nhiều người phụ nữ khác tại Hàn Quốc, không chỉ bởi cô có vốn tiếng Hàn giỏi, mà còn bởi được chồng và những người trong gia đình ủng hộ giúp đỡ rất nhiều.
Một lòng vì sự an toàn của cộng đồng người Việt
Trong quá trình sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, Ngọc Lan được gặp rất nhiều người Việt xung quanh nơi mình sống. Gyong-san là nơi có đông người nước ngoài sinh sống nhất với 6500 người, kể cả các du học sinh và những người tới lao động. Trong số đó, người Việt Nam định cư là 1040 người gồm 240 người là cô dâu Việt.
Một thực tế rằng có rất nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc vô tình phạm luật khi chưa nói hiểu được tiếng Hàn cũng như chưa có hiểu biết về luật pháp nơi đây. Nhận ra điều này, chính phủ Hàn Quốc tổ chức thi tuyển và đào tạo những người nước ngoài có đủ khả năng để làm việc như một cảnh sát.
Ngọc Lan trong ngày nhận nhiệm vụ. Nguồn ảnh báo Gia đình &xã hội cuối tuần
Những người này không chỉ hiểu được văn hóa, cuộc sống và được đào tạo về pháp luật, mà còn phải là những người có thể lực cũng như đủ sự nhạy bén để xử lý các tình huống. Chính vì vậy, họ đã đi tìm hiểu tới từng địa phương để tìm được những ứng cử viên xuất sắc. Lúc đó, cơ hội đến với Ngọc Lan khiến cô nhận ra rằng đây chính là điều cô mong muốn bấy lâu, được làm nhiều điều có ích hơn cho xã hội.
Thế nhưng, không phải không có những suy nghĩ trái ngược xuất hiện trong tâm trí cô. Nếu đối mặt với thử thách này, cô sẽ có ít thời gian hơn cho gia đình, liệu gia đình chồng có hiểu được cho cô không, cô có thể chăm sóc con trai được tốt không, liệu một cô gái nhỏ bé như cô có thể đủ sức đối mặt với những tình huống tội phạm xảy ra trong cuộc sống hay không.
Cô bàn với chồng và được anh động viên ủng hộ hết sức. Chính anh cũng là người tới xem kết quả thi tuyển đầu tiên và báo cho vợ mình tin vui. Nghe chồng thông báo kết quả trúng tuyển, Ngọc Lan hồi hộp tới khó tả. Một thử thách mới lại mở ra trước mắt cô. Thi tuyển làm cảnh sát có 2 phần, một là thi về ngôn ngữ gồm có thi đối thoại và dịch.
Về tiếng Hàn thì Ngọc Lan hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng của mình. Nhưng tới phần thi thể lực, cô đã gặp không ít khó khăn bởi các phần thi thể lực đều rất vất vả.
Hình ảnh đời thường của chị Lan. Nguồn ảnh báo Gia đình &xã hội cuối tuần
Có rất nhiều người tham gia thi tuyển xuất thân từ khoa thể dục, cũng như đã từng theo học đào tạo về cảnh sát. Thế nhưng, người phụ nữ nhỏ bé tới từ Việt Nam cũng không thua kém bất cứ ai. Ngay từ nhỏ, cô đã rất thích các hoạt động thể thao và đã từng đại diện cho trường đi thi thể dục thể thao cấp tỉnh. Vì vậy dù đã sinh con và là vợ, là mẹ trong một gia đình, Ngọc Lan vẫn giữ được một thể lực dẻo dai.
Ngọc Lan trúng tuyển và được đào tạo trong 34 tuần cùng với những người khác. Thời gian này, Ngọc Lan chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Cô cảm thấy rất có lỗi bởi không chăm sóc được gia đình, đặc biệt là cậu con trai nhỏ của mình. Thế nhưng khi kết thúc khóa đào tạo, mặc bộ quân phục trước mặt con trai, cô nhận ra ánh mắt tự hào của cậu bé. Ngọc Lan tự nhủ mình đã làm đúng.
Cô được sở cảnh sát Gyong-san nhận về công tác. Ngọc Lan bắt tay ngay vào những công việc mình cần làm. Cô thường xuyên được mời về những trung tâm văn hóa địa phương để giảng giải về luật pháp cũng như lắng nghe những khó khăn của người Việt sinh sống tại nơi đây. Cứ buổi nói chuyện nào nghe tiếng có cô cảnh sát người Việt Phí Thị Ngọc Lan tới là rất đông người tới tham dự.
Không những thế, cô còn được mời đến nhiều buổi hội thảo nói về giấc mơ và hy vọng. Chẳng biết tự bao giờ, Ngọc Lan không chỉ trở thành một người cảnh sát sẵn sàng phục vụ những người Việt tại Hàn Quốc mà còn là một nguồn động lực sống của rất nhiều người đang từng ngày cố gắng và nỗ lực tại đất nước này.