Những điều cần biết về cúm và biện pháp để phòng ngừa
Cúm mùa tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đòi hỏi sự chủ động và cảnh giác từ cả cơ quan y tế lẫn người dân trong công tác phòng chống.
Cúm mùa thường lưu hành quanh năm và người mắc có thể dễ dàng khỏi sau từ hai đến bảy ngày. Tuy nhiên, thống kê toàn cầu cho thấy cứ mỗi phút trôi qua, lại có một người tử vong do cúm. Cúm không phân biệt tuổi tác hay giới tính, bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm cúm mùa. Đặc biệt, trẻ nhỏ và người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn, có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm và có mức độ lây truyền cao hơn cho người khác.
Tháng 1 vừa qua ghi nhận gần 1.000 ca mắc cúm, giảm gần 20%, nhưng số ca nặng lại có xu hướng gia tăng
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cúm được phân loại thành A, B, C, D, trong đó A, B, C ảnh hưởng đến con người. Trong đó, cúm A thường nguy hiểm hơn, với nhiều biến thể. Một số chủng cúm A từ gia cầm như H5N1 có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 50%) nhưng khó lây từ người sang người. Các chủng cúm mùa như H1N1, H3N2 và cúm B dễ lây lan và đã lưu hành toàn cầu. Sự biến đổi liên tục của virus cúm có thể dẫn đến các chủng đại dịch khi miễn dịch cộng đồng không đủ bảo vệ.
"Hiện tại, chưa phát hiện chủng cúm mới đáng lo ngại. Hệ thống giám sát toàn cầu dưới sự tổ chức của Tổ chức Y tế thế giới với 150 điểm tại 130 nước, trong đó Việt Nam có hai điểm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vẫn theo dõi chặt chẽ. Hiện có sự gia tăng cúm A/H1N1 tại châu Á, nhưng đây là chủng từng gây đại dịch năm 2009 và hiện đã trở thành cúm mùa", GS.TS Phan Trọng Lân chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ về tình hình cúm mùa tại Việt Nam hiện nay
Cũng theo GS.TS Phan Trọng Lân, việc phân biệt cúm với các bệnh hô hấp khác chỉ có thể xác định chính xác qua xét nghiệm. Cúm có triệu chứng như sốt, ho, đau nhức cơ thể, nhức đầu, nghẹt mũi tương tự nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác, nên khó nhận biết bằng triệu chứng thông thường. Tuy nhiên, nhóm nguy cơ cao như trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch cần đặc biệt lưu ý, vì khi mắc cúm có thể dẫn đến biến chứng nặng, nhập viện, thậm chí tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận gần 290.000 ca mắc cúm mùa, giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, số ca nặng và tử vong lại tăng, với 8 ca tử vong (tăng 5 trường hợp). Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện có 8 ca cúm biến chứng nặng đang điều trị, chủ yếu là cúm A, được chuyển từ tuyến dưới trong tình trạng suy hô hấp. Trong đó, một bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ khi tim và phổi không thể hoạt động bình thường.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện có 8 ca cúm biến chứng nặng đang điều trị, chủ yếu là cúm A
"Ở bệnh viện cũng đã tiếp nhận những trường hợp tuổi còn rất trẻ và không có bệnh nền gì nhưng vẫn mắc các biến chứng nặng của cúm A như suy hô hấp hay viêm cơ tim", Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết.
"Với cúm, virus nhân lên mạnh trong khoảng 48 giờ đầu sau khi có triệu chứng. Vì vậy, đây là thời gian vàng để can thiệp sớm, giúp giảm nguy cơ biến chứng, làm bệnh nhẹ hơn và hạn chế lây nhiễm cho người xung quanh" - GS.TS Phan Trọng Lân cho biết thêm.
Mỗi năm, thế giới ghi nhận trung bình khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm. Riêng tại Nhật Bản, từ tháng 9 năm ngoái đến nay, đã có khoảng 9,5 triệu ca mắc cúm mùa. Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Y tế Nhật Bản, vào cuối tháng 1, số ca nhiễm cúm trong một tuần ghi nhận hơn 54.000 ca, giảm 40% so với tuần trước. Số ca nhiễm mới liên tục giảm đáng kể từ đỉnh dịch cuối tháng 12. Đầu tháng 2, dù chưa có thống kê toàn quốc, nhiều tỉnh, thành đã báo cáo số ca mắc giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan, vì số ca nhiễm vẫn ở mức cao và cúm B đang có xu hướng gia tăng, có thể thay thế cúm A - loại đang phổ biến nay.
Tại Nhật Bản, từ tháng 9 năm ngoái đến nay đã có khoảng 9,5 triệu ca mắc cúm mùa
Tại Nhật Bản, mọi trường hợp có biểu hiện cúm, sốt bắt buộc phải đến phòng khám hoặc cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và nhận thuốc theo đơn. Người bệnh không thể tự mua thuốc hay tự điều trị tại nhà. Nếu được xác nhận mắc cúm, họ phải nghỉ làm hoặc nghỉ học ít nhất 5 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng để tránh lây lan. Hầu hết bệnh nhân được điều trị tại nhà, trong khi những ca nặng sẽ nhập viện hoặc gọi tới cơ sở cấp cứu. Bảo hiểm y tế chi trả khoảng 70% chi phí điều trị cho người lớn và 100% cho trẻ vị thành niên tại tất cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân thuộc hệ thống bảo hiểm quốc gia.
Tại Nhật Bản, mọi trường hợp có biểu hiện cúm, sốt bắt buộc phải đến phòng khám hoặc cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và nhận thuốc theo đơn
GS.TS Phan Trọng Lân nhận định, sự tăng giảm của cúm vẫn diễn ra theo mùa và không có hiện tượng thay thế lẫn nhau giữa các chủng. Để phòng ngừa, cần chú trọng ba yếu tố chính. Thứ nhất là tỉ lệ bao phủ vaccine, đây là biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ nhập viện nặng và tử vong khi tỷ lệ bao phủ cao. Thứ hai, nên thực hiện khám và tư vấn sớm, đặc biệt trong "thời gian vàng" để kiểm soát bệnh kịp thời, hạn chế biến chứng. Thứ ba, cần thực hiện biện pháp phòng ngừa cá nhân như giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc khi có triệu chứng cúm. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm, đặc biệt trong mùa dịch, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
"Vaccine cúm cần được tiêm nhắc hằng năm do virus liên tục biến đổi và vaccine được cập nhật để phù hợp với chủng lưu hành. Tại Việt Nam, cúm thường gia tăng vào mùa Đông - Xuân (từ tháng 10 đến tháng 3). Vì vậy, dù đã tiêm cuối năm ngoái, nếu thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc chưa tiêm nhắc lại trong năm, vẫn nên tiêm để tăng cường bảo vệ, giảm nguy cơ nhập viện và biến chứng", GS.TS Phan Trọng Lân khuyến cáo.
Tại Việt Nam, cúm thường gia tăng vào mùa Đông - Xuân (từ tháng 10 đến tháng 3)
Hiện nay, vaccine cúm là tiêm chủng dịch vụ, người dân tự chi trả. Một số chương trình có hỗ trợ tiêm cho cán bộ, nhưng vaccine cúm chưa thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Người dân có thể tiêm tại các cơ sở y tế đủ điều kiện theo quy định. Để bảo vệ tốt nhất, người dân nên tiêm nhắc lại hằng năm, đặc biệt vào khoảng tháng 9 - tháng 10, trước mùa dịch cao điểm ở Việt Nam.
"Virus cúm lây qua đường hô hấp, chủ yếu khi ho, hắt hơi trong phạm vi 1 - 1,5 mét hoặc qua tiếp xúc với dịch tiết nhiễm virus trên tay, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng. Thời tiết mùa Đông, độ ẩm thay đổi và những nơi đông người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan. Để phòng ngừa, người dân nên thực hiện các biện pháp như giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi đông người, hạn chế chạm tay lên mặt và tăng cường miễn dịch để giảm nguy cơ lây nhiễm", GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan trên diện rộng. Đối với các trường hợp nặng, bệnh có thể tiến triển nhanh và dẫn đến tử vong. Do đó, người dân cần thận trọng khi có triệu chứng cúm A và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay, rửa mũi, súc họng hằng ngày để ngăn ngừa vi khuẩn. Khi bệnh diễn biến phức tạp, cần kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt với trường hợp phải nhập viện để tránh biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A để bảo vệ bản thân và cộng đồng.