Những điểm trên cơ thể bị đau mà bạn không nên cố chịu đựng, phải đi khám càng sớm càng tốt
Có những vị trí đau trên cơ thể tuy nhẹ nhưng lại cần quan tâm đặc biệt bởi bạn càng cố gắng chịu đựng, bệnh càng tiến triển xấu và điều trị khó khăn hơn.
Một số bộ phận trên cơ thể thi thoảng "lên tiếng" bằng cách gửi những cơn đau để giúp chúng ta sớm nhận ra những điều bất thường trong người, từ đó có những điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, có những cơn đau không đáng lo ngại và sẽ biến mất trong một thời gian ngắn. Ngược lại, có những cơn đau tuy nhỏ nhưng lại cần quan tâm đặc biệt bởi bạn càng cố gắng chịu đựng, bệnh càng tiến triển xấu và điều trị khó khăn hơn.
Chuyên gia Abby Cuffey đến từ Tạp chí Woman’ s Day và bác sĩ Houman Danesh hiện đang làm việc tại Bệnh viện Mt. Sinai, New York (Mỹ) cho biết nếu những đơn đau đến một cách đột ngột hoặc những cơn đau có kèm theo sốt, bạn nên đi khám ngay.
Và dưới đây là cách nhận biết một vài cơn đau theo kinh nghiệm của 2 chuyên gia sức khỏe.
1. Đau nhói giữa các xương vai
Chẩn đoán: Khả năng báo hiệu một cơn đau tim
Khoảng 30% người lên cơn đau tim không bị đau ở ngực như thông thường. Đau ở các xương vai thường xảy ra với bệnh nhân nữ.
Nếu cùng lúc xuất hiện cơn đau giữa các xương vai kèm với các dấu hiệu như đau hàm, khó thở và buồn nôn, bạn nên đi đến bệnh viện ngay để các bác sĩ có các biện pháp đối phó kịp thời.
2. Đau đột ngột ở trên đầu
Chẩn đoán: Chứng phình mạch, tương tự một khoảng phình như quả bóng trong động mạch.
Hầu hết chúng ta đều từng trải qua những cơn đau đầu nhẹ hoặc vừa phải. Khi đó, chỉ cần vài viên thuốc, chúng ta đã đánh bay những cơn đau bình thường đó.
Nhưng nếu bất chợt, chúng ta hứng chịu một cơn đau đầu dữ dội, đừng chịu đựng và uống thuốc, hãy đi khám bác sĩ ngay.
Làm sao để biết cơn đau này không phải là đau nửa đầu? Nếu là đau nửa đầu, bạn sẽ buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và cơn đau nửa đầu có diễn tiến từ từ.
Xuất huyết não do phình mạch thoát vị không phổ biến nhưng nếu không được bác sĩ xử lý kịp thời, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết não, có thể bị tử vong. Bạn cũng nên lưu ý, khi bị đau đầu dữ dội và đột ngột, không nên uống aspirin vì sẽ làm tăng xuất huyết.
3. Đau âm ỉ ở vùng bụng dưới bên phải
Chẩn đoán: Viêm ruột thừa
Cơn đau thường xuất hiện ở thượng vị, sau đó cơn đau di chuyển xuống hố chậu phải. Nếu cơn đau này kéo dài quá lâu, ruột thừa viêm bị vỡ. Đây là một biến chứng nguy hiểm khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và lây nhiễm cho toàn bộ cơ thể.
4. Đau nhói ở răng khi đang ngủ
Chẩn đoán: Nghiến răng
Thói quen nghiến răng có thể làm dây thần kinh ở răng vị viêm nhiễm và lớp men bảo vệ bị bong tróc. Đây cũng là nguyên nhân gây đau nhói ở răng khi đang ngủ. Nhiều trường hợp cơn đau này khiến cho người bệnh bị giật mình thức giấc vào lúc nửa đêm.
Nếu rơi vào tình trạng này, bạn nên đi khám nha sĩ ngay lập tức, để có một giấc ngủ ngon và sâu hơn.
5. Đau ở vùng giữa lưng kèm theo sốt
Chẩn đoán: Nhiễm trùng thận
Đừng nghĩ rằng thân nhiệt, buồn nôn và đau lưng nguyên nhân xuất phát từ dạ dày. Những triệu chứng này cũng có thể xảy ra do vi khuẩn đi qua đường tiểu đến thận, gây nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Ban đầu là các triệu chứng nhiễm trùng tiểu, bị đau khi đi tiểu nhưng thường chúng ta không để ý. Khi đó, bạn cần kháng sinh ngay và việc đi khám bác sĩ là cần thiết.
6. Đau khi kinh nguyệt mà uống thuốc không giảm
Chẩn đoán: Hội chứng lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến việc sinh con và làm cho 40-60% phụ nữ bị đau dữ dội mỗi khi trải qua chu kỳ kinh nguyệt. Chị em không nên chịu đựng, hãy đi khám bác sĩ ngay.
Trong trường hợp các cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi được điều trị, bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung nên cân nhắc việc phẫu thuật.
7. Đau vùng dưới bắp chân
Chẩn đoán: Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
Nếu bạn bị đau ở một vùng nhỏ dưới bắp chân, có thể nguyên nhân từ cục máu đông ở tĩnh mạch sâu. Khi chạm vào, các khối này đỏ và ấm lên. Nguyên nhân có thể là do bạn đang uống thuốc tránh thai hoặc ngồi lâu trong quá trình di chuyển bằng oto, máy bay.
* Theo Today Health