Những dấu hiệu tổn thương tinh thần cần chú ý ở trẻ em, thanh thiếu niên trong đại dịch

BS Lê Anh Tú - Bệnh viện Sản -Nhi Vĩnh Phúc,
Chia sẻ

Sau gần 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, những dấu hiệu của tổn thương tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên cần được chú ý, phát hiện.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng một nửa các rối loạn sức khoẻ tâm thần (bao gồm trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và những rối loạn khác) bắt đầu ở tuổi 14. Nhận biết và điều trị sớm các tác động tiềm ẩn của đại dịch COVID-19 giúp bảo vệ sức khoẻ tâm thần, sự phát triển, học tập, và hơn cả là hạnh phúc hiện tại và tương lai của trẻ em.

Cha mẹ cần chú ý các phản ứng của trẻ khi đối diện với sang chấn do đại dịch. Cụ thể như sau:

Dấu hiệu sang chấn tâm lý ở trẻ từ 0 – 3 tuổi

- Nhận thức được sự lo lắng của cha mẹ

- Sợ hãi, lo lắng, buồn bã trước những nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn bã của cha mẹ

- Giảm hoặc mất các kỹ năng đã học được trước đó. Ví dụ: dùng thìa, đi vệ sinh,…

- Quấy khóc, bám bố mẹ.

- Rối loạn giấc ngủ: không chịu đi ngủ, khó ngủ,…

- Dấu hiệu dễ bị bỏ qua: Chỉ chịu bú mẹ khi ngủ (ở trẻ dưới 6 tháng); đòi bú mẹ tăng lên (ở trẻ trên 6 tháng).

Những dấu hiệu tổn thương tinh thần cần chú ý ở trẻ em, thanh thiếu niên trong đại dịch - Ảnh 2.

Trẻ dễ bị rối loạn tâm thần do sang chấn tâm lý, stress trong mùa dịch

Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi)

- Mối quan tâm chính là sự xa cách và sự an toàn của các thành viên trong gia đình.

- Gia tăng nỗi sợ hãi chung chung và nỗi sợ hãi về sự xa cách, vi trùng,…

- Giảm khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi. Ví dụ: Cáu kỉnh tăng, khóc lóc, đeo bám, muốn bố mẹ ôm khi ngủ, đái dầm (khi bình thường trẻ đã kiểm soát được), … Hoặc các triệu chứng khác mà không thể giải thích về mặt y tế: Đau đầu, đau bụng.

- Sợ hãi về hình ảnh truyền hình: đồ bảo hộ, khẩu trang,…

- Chơi các trò chơi giả định về bệnh tật và cái chết.

- Tin rằng trẻ hoặc các hành vi sai trái (có thật hoặc trong tưởng tượng) của trẻ là nguyên nhân gây ra bệnh tật, dẫn đến cảm giác tội lỗi. Ví dụ: "Nếu mình ngoan thì bố đã không bị ốm".

Trẻ em trong độ tuổi đi học (6-12 tuổi)

Những dấu hiệu tổn thương tinh thần cần chú ý ở trẻ em, thanh thiếu niên trong đại dịch - Ảnh 3.

Trẻ trong độ tuổi đi học dễ bị sang chấn tâm lý, stress do tác động của dịch COVID-19

- Đặt nhiều câu hỏi

- Sợ hãi về hình ảnh truyền hình: đồ bảo hộ, khẩu trang,… Lo lắng về sự an toàn.

- Cáu kỉnh hơn bình thường, đôi khi thích ở một mình.

- Lo lắng, sợ hãi không rõ nguyên nhân.

- Đau bụng, đau đầu, kém ăn mà không giải thích được nguyên nhân.

- Kết quả học tập giảm sút, có những hành vi gây rối.

Thanh thiếu niên (13-17 tuổi)

- Lo lắng. Ví dụ: Liệu mình có bị sao không? Bố mẹ sẽ thế nào? Có được gặp lại bạn bè không?...

- Các triệu chứng của trầm cảm, như mất hy vọng và định hướng vào tương lai: "Mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn".

- Giảm sự hài lòng trong cuộc sống.

- Rối loạn giấc ngủ, giảm hoạt động thể chất.

-Tăng hành vi chống đối: không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, uống rượu hoặc chất kích thích khác,…

- Khó khăn trong học tập.

- Bày tỏ sự không tin tưởng vào các tổ chức xã hội.

- Mong muốn thảo luận về các vấn đề và chính sách trong đại dịch.

Nhóm trẻ dễ bị tổn thương

Trẻ em có nhu cầu đặc biệt: rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển

- Biểu hiện tụt lùi kỹ năng, quên những thứ đã được học.

- Rối loạn giấc ngủ.

- Rối loạn ăn uống.

- Rối loạn hành vi: cáu kỉnh, hung hăng hoặc thu mình với xã hội.

Trẻ em mắc bệnh tâm thần từ trước: trầm cảm, rối loạn lo âu,…

- Choáng ngợp vì tin tức về dịch bệnh và cái chết xung quanh mình.

- Các triệu chứng của trầm cảm, lo âu trở nên tồi tệ hơn: Rối loạn giấc ngủ, hành vi, mất niềm tin, thu mình,…

- Gia tăng nguy cơ tự tử: đặc biệt nguy hiểm.

Trẻ em là F0, F1 trong khu cách ly:

- Các triệu chứng giống nhóm trẻ bình thường theo lứa tuổi, nhưng nặng nề hơn. Một nghiên cứu cho thấy điểm số căng thẳng trung bình sau sang chấn ở trẻ em bị cách ly tăng gấp 4 lần so với trẻ em không bị cách ly. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng 30% trẻ em bị cách ly đáp ứng các tiêu chí của Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) .

-Tách biệt khỏi cha mẹ, kỳ thị, sợ hãi về một căn bệnh không rõ nguồn gốc, và cách ly với xã hội đều có thể có tác động tâm lý tiêu cực đến trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy tác động tâm lý tiêu cực từ việc cách ly có thể được phát hiện ngay cả sau nhiều tháng và nhiều năm.

- Trẻ có khả năng xuất hiện các rối loạn tâm thần như: Lo lắng, căng thẳng cấp tính, rối loạn điều chỉnh.

photo-1632272234946

Trẻ em ở trong khu cách ly gặp các rối loạn tâm lý nặng nề hơn. Hình ảnh: Nguồn NBC News

Lời khuyên của thầy thuốc

Giữ liên lạc với bác sĩ Nhi khoa quan trọng hơn bao giờ hết trong đại dịch này. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về con bạn, hãy hỏi bác sĩ về việc kiểm tra sức khoẻ xã hội và tình cảm của con bạn. Điều này đặc biệt quan trọng với nhóm trẻ em dễ tổn thương.

Chia sẻ