Những dấu hiệu con đang bị bắt nạt, bạo lực học đường cha mẹ cần biết
Phụ huynh có thể nhận biết con đang bị bạo lực học đường như sách vở, quần áo của trẻ tự nhiên bị rách, hỏng hóc, đồ dùng học tập bị hư hại… Hay trên cơ thể trẻ có những vết bầm tím, xây xát bất thường… Bên cạnh những biểu hiện dễ thấy trên cơ thể, bố mẹ cũng cần chú ý đến tinh thần của con như đột ngột thay đổi, mất hứng thú, không thích đến trường...
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, để lại những tổn thương không chỉ về sức khỏe, tinh thần, thậm chí nguy hại đến cả tính mạng của học sinh.
TS Đặng Văn Cường, giảng viên bộ môn Luật hình sự, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, bạo lực học đường hiện nay ở một số địa phương rất đáng báo động khi liên tục xảy ra những vụ học sinh đánh nhau, có những vụ việc gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Tình trạng này không chỉ ở lứa tuổi thanh thiếu niên mà thậm chí các em nhỏ ở cấp tiểu học cũng có thể thực hiện hành vi bạo lực học đường hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Theo TS Đặng Văn Cường, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trong đó có thể kể đến nguyên nhân từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Các em nhận thức chưa đầy đủ về hành vi của mình, thiếu kỹ năng sống, rất khó kiểm soát hành vi, dễ bị kích động, lôi kéo, thậm chí gây nên những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng các trường thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thiếu nhân văn dẫn đến không phát hiện kịp thời, kiểm soát tình trạng bạo lực học đường. Nhiều nhà trường chưa có sự phối hợp thường xuyên với phụ huynh cũng như chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Để xảy ra tình trạng này còn có một phần lỗi của cha mẹ trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho con.
Những dấu hiệu về sức khỏe, tâm lý cảnh báo trẻ bị bạo lực học đường
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý, phụ huynh có thể nhận biết con đang bị bạo lực học đường qua các dấu hiệu như sách vở, quần áo của trẻ tự nhiên bị rách, hỏng hóc, đồ dùng học tập bị hư hại… Hay trên cơ thể trẻ có những vết bầm tím, xây xát bất thường…
Bên cạnh những biểu hiện dễ thấy trên cơ thể, bố mẹ cũng cần chú ý đến tinh thần của trẻ. Nếu thấy cảm xúc của con đột ngột thay đổi, mấy hứng thú, không thích đến trường, từ chối đến trường, đề nghị bố mẹ chuyển lớp… bố mẹ cần đặc biệt chú ý.
Ngoài ra, một số biểu hiện khác như trẻ thu mình, không tương tác với những bạn bè thường chơi trước đây, đôi lúc cảm thấy con hay cáu gắt quá mức… bố mẹ cũng cần đặt ra nghi ngờ liệu con có đang gặp phải vấn đề gì ở trường hay không.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trải qua rất nhiều tổn thương cả về mặt thể chất những tinh thần. Sau những lần bị bạo lực, những nạn nhân của nạn bắt nạt học đường thường rơi vào trạng thái rất lo lắng, bất an, cảm thấy tự ti, thấy mình không có giá trị, bị cô lập và nghĩ bản thân không được yêu thương. Trong khi đó những kẻ bắt nạt lại luôn tìm mọi cách khiến nạn nhân lo lắng, sợ hãi và không dám tiết lộ vụ việc với những người xung quanh. Chính điều này càng khiến những nạn nhân có xu hướng trầm cảm hoặc lo lắng hơn.
Thậm chí, trong một số tình huống, khi sự việc bị tiết lộ ra ngoài nhưng những người xung quanh không có hành vi hỗ trợ tâm lý và trợ giúp cho nạn nhân sẽ càng khiến các em rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Khi ở trạng thái tuyệt vọng, nạn nhân thậm chí có thể nảy sinh những suy nghĩ muốn tự làm hại bản thân hay tự sát.
Một số dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết con đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng và có ý định tự làm hại bản thân, tự sát thông qua những hành động và lời nói bất thường.
"Ví dụ, đột nhiên con nói “sắp tới con sẽ không làm phiền bố mẹ nữa”, “chả còn gì quan trọng cả”, “con đã cố gắng hết sức nhưng mọi thứ đều vô ích”, “bố mẹ không cần suy nghĩ về con nữa”…
Đây chỉ là những câu nói bâng quơ nhưng đều thể hiện ý đồ của trẻ. Hoặc khi thấy con đột nhiên ngoan đột xuất, xếp mọi đồ dùng cá nhân ngăn nắp, cho đi một số đồ vật rất yêu quý, hay dọn dẹp mọi thứ sạch sẽ. Hoặc một số trẻ đột nhiên buồn bã, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh, không giao tiếp với bạn bè, không nói chuyện với mọi người trong gia đình, dễ nổi cơn thịnh nộ, dễ cảm thấy bản thân bị xúc phạm hay có những hành động liều lĩnh… Trong những trường hợp này phụ huynh cần lập tức cách ly con ra khỏi những tình huống nguy hiểm”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cần có sự phối hợp giữa cả gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. Trong đó, các nhà trường cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để xác định được học sinh nào đang có những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần, có nguy cơ về các vấn đề tâm lý, hay vấn đề hành vi có thể dẫn đến bạo lực. Bên cạnh đó, cần xây dựng một quy trình thuận lợi từ tiếp nhận, xử lý thông tin để mọi người khiếu nại về các hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực trong nhà trường.
“Đừng nghĩ rằng chuyển kẻ bắt nạt đi là xong, vì có thể sẽ có những nhóm khác, những người “a dua” sẽ lên thay thế. Điều quan trọng là cần giáo dục cho học sinh về sự thấu cảm. Về phía giáo viên cũng cần được tập huấn về cách thức quản lý lớp tích cực, giáo dục cho cha mẹ cách ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm hình mẫu xấu, hình mẫu bạo lực cho con cái. Bên cạnh đó, phải đưa ra những nguyên tắc ứng xử cho học sinh. Những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng cần được cụ thể hóa trong các hành vi ở lớp học, ngoài lớp học”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Bạo lực học đường không chỉ diễn ra trên trường, mà có thể diễn ra tại bất cứ đâu, thậm chí cả trên môi trường mạng, do đó cần cả xã hội cùng chung tay với nhà trường và gia đình để ngăn chặn tình trạng này./.
Nếu bạn biết con mình đang bị bắt nạt, bạn có thể thực hiện một số bước để giúp con:
Lắng nghe con bạn một cách cởi mở và bình tĩnh. Tập trung vào việc khiến các con cảm thấy được lắng nghe và được hỗ trợ, thay vì cố gắng tìm ra nguyên nhân của việc bắt nạt hoặc cố gắng giải quyết vấn đề. Hãy chắc chắn rằng các con biết rằng đó không phải là lỗi của các con.
Hãy nói với con rằng bạn tin con, rằng bạn rất vui vì con đã nói với bạn; rằng đó không phải là lỗi của con; rằng bạn sẽ cố gắng hết sức để tìm kiếm sự trợ giúp.
Nói chuyện với giáo viên hoặc trường học. Bạn và con bạn không phải đối mặt với nạn bắt nạt một mình. Tìm hiểu xem trường học của con bạn có chính sách hoặc quy tắc đối phó với hành vi bắt nạt không. Điều này có thể áp dụng cho cả hình thức bắt nạt trực tiếp và trực tuyến.
Là một hệ thống hỗ trợ. Đối với con bạn, có cha mẹ hỗ trợ là điều cần thiết để đối phó với những tác động của hành vi bắt nạt. Hãy đảm bảo các con biết các con có thể nói chuyện với bạn bất cứ lúc nào và cố gắng trấn an các con mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi có thể làm gì nếu con tôi bắt nạt người khác?
Nếu bạn nghĩ hoặc biết rằng con mình đang bắt nạt những đứa trẻ khác, điều quan trọng cần nhớ là chúng vốn dĩ không xấu, nhưng có thể đang hành động vì một số lý do. Những đứa trẻ bắt nạt thường chỉ muốn hòa nhập, cần sự quan tâm hoặc đơn giản là đang tìm cách đối phó với những cảm xúc phức tạp. Trong một số trường hợp, những kẻ bắt nạt chính họ là nạn nhân hoặc nhân chứng của bạo lực tại nhà hoặc trong cộng đồng của mình. Có một số bước bạn nên làm để giúp con bạn ngừng bắt nạt:
Giao tiếp: Hiểu được tại sao con bạn lại hành động như vậy sẽ giúp bạn biết cách giúp đỡ các con. Các con có cảm thấy bất an ở trường không? Cac con đang đánh nhau với một người bạn hoặc anh chị em? Nếu các con gặp khó khăn khi giải thích hành vi của mình, bạn có thể chọn tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn, nhân viên xã hội hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần, những người được đào tạo để làm việc với trẻ em.
Làm việc thông qua các cách phản ứng lành mạnh: Yêu cầu con bạn giải thích một tình huống khiến các con thất vọng và đưa ra những cách phản ứng mang tính xây dựng. Sử dụng bài tập này để suy nghĩ về các tình huống có thể xảy ra trong tương lai và các phản ứng không có hại. Khuyến khích con bạn “đặt mình vào vị trí của các con” bằng cách tưởng tượng trải nghiệm của người bị bắt nạt. Nhắc con bạn rằng những bình luận được đưa ra trên mạng vẫn gây tổn thương trong thế giới thực.
Kiểm tra bản thân: Những đứa trẻ hay bắt nạt thường làm mẫu những gì chúng nhìn thấy ở nhà. Các con có tiếp xúc với hành vi có hại về thể chất hoặc tình cảm từ bạn hoặc người chăm sóc khác không? Hướng nội và suy nghĩ trung thực về cách bạn đang trình bày với con mình.
Đưa ra hậu quả và cơ hội để sửa đổi: Nếu bạn phát hiện ra con mình đã từng bắt nạt, điều quan trọng là phải đưa ra những biện pháp phù hợp, không bạo lực. Điều này có thể hạn chế các hoạt động của các con, đặc biệt là những hoạt động khuyến khích bắt nạt (tụ tập xã hội, thời gian trên màn hình/mạng xã hội). Khuyến khích con bạn xin lỗi các bạn và tìm cách để các con hòa nhập hơn trong tương lai. (UNICEF)