Những đạo lý giá như biết sớm hơn: 4 năm đại học giống như cuộc chạy marathon, ai không nỗ lực sẽ hoàn toàn bị bỏ lại

Thiên An,
Chia sẻ

Đại học giống như một xã hội thu nhỏ, ở đó có những đạo lý mà nếu như không hiểu, bạn sẽ chẳng thể thành công được.

01

Lựa chọn khác nhau tạo ra những cuộc đời khác nhau

Đại học là một xã hội thu nhỏ. Ở nơi đó tụ hội sinh viên đến từ khắp mọi miền, mỗi người có một môi trường phát triển khác nhau và định nghĩa về nỗ lực và cố gắng của họ đương nhiên cũng khác nhau.

Có người cho rằng cuộc đời dài rộng biết đâu mà lần, lên đại học cứ tha hồ mà chơi đã, cuối kỳ hoặc lúc gần tốt nghiệp tập trung ôn luyện là được, phải chơi bù cho khoảng thời gian đã mất.

Và cũng có những người theo quan điểm tuổi trẻ chỉ có một lần trong đời nên phải trân trọng, họ chỉ mong mỗi ngày có 42 giờ, ngày ngày đêm đêm chỉ lo làm sao có điểm tốt hơn, có thể học lên cao hơn nữa.

Lựa chọn khác nhau tạo ra cuộc đời khác nhau.

Một sinh viên chỉ biết chơi có lẽ thành tích chẳng thể tốt bằng một sinh viên luôn chú tâm vào việc học. Thế nhưng, cha mẹ người đó có khi đã trải sẵn thảm đỏ, chờ con họ tốt nghiệp (hoặc đôi khi là chẳng cần tốt nghiệp) về nhà là danh chính ngôn thuận thừa kế luôn công ty của gia đình. Trong khi đó, sinh viên học tốt ra trường vẫn phải vật vã kiếm việc, tự tìm chỗ đứng cho mình.

Mỗi người đều có một con đường của riêng mình. Người có thành tích tốt không nhất thiết phải xem thường người có thành tích kém. Chúng ta đều là người lớn và phải có trách nhiệm với hành động của mình.

Những đạo lý giá như biết sớm hơn: 4 năm đại học giống như cuộc chạy marathon, ai không nỗ lực sẽ hoàn toàn bị bỏ lại - Ảnh 1.

Bạn có thể rất cố gắng, rất tiến thủ, lúc nào cũng thức đêm thức hôm để học tập, nhưng trong thâm tâm, đừng nghĩ rằng như vậy đã là hơn người khác một bậc. Ngược lại, bạn có điều kiện, cha mẹ bạn đã lo cho bạn mọi thứ, bạn cũng đừng cho rằng bạn chính là trung tâm. Trong môi trường đại học, tất cả chúng ta đều như nhau.

Cứ là chính mình, vậy là đủ.

02
Mỗi người có một vòng tròn giao tiếp khác nhau

Ở đâu có con người, ở đó sẽ có các vòng tròn xã hội như vậy tồn tại. Chẳng hạn, người thích sách sẽ tụ tập với nhau thành một nhóm và họ sẽ nói chuyện với nhau về Franz Kafka, về J. D. Salinger, về Shakespeare ngay khi họ gặp nhau… Những người thích thể thao sẽ có nhóm bàn luận về các bài tập tạo cơ, cách ăn uống healthy…

Bản chất con người là dễ có cảm tình với những cá nhân có điểm giống mình, giống như câu "vật họp theo loài" hay nói một cách thông tục hơn là "nồi nào úp vung nấy".

Có nhiều bạn trẻ vừa lên đại học, vì không quen biết ai lại muốn nhanh có bạn nên vội vàng tham gia hết CLB này đến CLB khác trong khi bản thân lại không thực sự hứng thú với nội dung CLB. Người đó cứ ép mình phải hòa nhập để đỡ cảm giác cô đơn nhưng càng cố ép thì càng không hợp, càng không hợp lại càng ép, mọi thứ thành vòng tuần hoàn đầy mệt mỏi.

Nói chung, bạn không cần cố tham gia vào những vòng tròn xã hội mà bạn không hứng thú chỉ vì muốn có được thứ gọi là cảm giác tồn tại. Bạn muốn "mặt trăng" nhưng "đồng 6 xu" bạn còn chê ít. Cảm giác tồn tại hay nói cách khác là sự công nhận nên do tự bạn giành lấy thay vì chờ đợi người khác trao nó cho bạn.

03
Ký túc xá là môi trường không phải ai cũng phù hợp

Đừng đánh giá cao khả năng tự giác của bản thân, câu này đúng 100% đối với hầu hết mọi người.

Chắc hẳn những ai đã có cơ hội sống trong kí túc xá đại học đều từng có trải nghiệm thế này. Vốn dĩ bạn muốn ôn tập môn giải tích ở phòng và tối hôm trước, trước khi đi ngủ, bạn đã tự hứa với bản thân: "Ngày mai mình nhất định phải ôn xong môn giải tích ở phòng ký túc". Nhưng rồi đến hôm sau, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.

Vừa học được vài phút, bạn cùng phòng đã nhờ bạn đưa giúp cái iPad.

Vừa học được vài phút, một bạn cùng phòng khác rủ bạn đi mua quần áo.

Vừa học được vài phút, một đứa vừa đi siêu thị xách về đống quả vặt, cả phòng mở cuộc liên hoan cấp tốc.

Vừa học được vài phút, cảm thấy hơi mệt, thế là bạn vô thức nằm vật ra giường và đánh một giấc ngon lành.

Rất khó để có thể tập trung học ở phòng ký túc xá, bởi nơi này có quá nhiều nguồn gây nhiễu và khả năng tự kiểm soát của một người là có hạn. Khi bạn phải đầu tư quá nhiều khả năng tự kiểm soát để chống lại nguồn gây nhiễu, tự nhiên bạn sẽ không còn đủ năng lượng để có thể sử dụng cho các hoạt động khác như học bài, ghi nhớ kiến thức…

Những đạo lý giá như biết sớm hơn: 4 năm đại học giống như cuộc chạy marathon, ai không nỗ lực sẽ hoàn toàn bị bỏ lại - Ảnh 2.

Sau khi tốt nghiệp, nếu muốn đọc sách, tôi sẽ cầm sách và chạy đến thư viện hoặc quán cà phê chứ hiếm khi ở nhà. Bởi mỗi lần đọc sách ở nhà, chỉ sau một khoảng thời gian, kiểu gì cái kết cũng là tôi nằm ngủ trên giường từ lúc nào không hay biết.

Ký túc xá vốn là nơi để nghỉ ngơi và sinh hoạt. Nếu bạn muốn học, hãy thu dọn sách vở và đến thư viện hoặc phòng học, nơi đó có rất nhiều người đang cùng bạn phấn đấu.

04
Đừng so sánh một cách mù quáng

Sinh viên đại học đến từ các hoàn cảnh gia đình khác nhau và mức chi tiêu của mỗi người cũng khác nhau. Bạn sống tiết kiệm bởi gia đình bạn chỉ làm nông, để có thể cho bạn đi học, bố mẹ bạn đã tiêu tốn rất nhiều tiền. Khi còn học cấp 3, có thể bạn tập trung vào việc học quá nên không có nhiều thời gian và sức lực để tự so sánh mình với người khác nhưng lên đại học rồi, nhìn thấy bạn cùng lớp đi đôi giày có giá ngang sinh hoạt phí một tháng của mình, thấy họ dùng chiếc Macbook mà tính ra bằng cả 2 năm học phí, bạn bỗng nhiên không còn thấy vui nữa.

Bạn ghen tị với những gì người khác có mà bạn không có, bạn trách bố mẹ bạn sao không có tiền trong khi bố mẹ người khác thì nhiều tiền như thế.

Nhưng bạn phải biết rằng sinh hoạt phí mà bố mẹ cho bạn hàng tháng đã là tối đa khả năng của họ, nếu bạn muốn thứ khác thì hãy dựa vào nỗ lực của bản thân mà giành lấy.

Ra ngoài làm thêm, dạy kèm, phát tờ rơi… đều là công việc vất vả. Nếu thực sự có thực lực, bạn nên dành thời gian cố gắng học tập và đoạt lấy các suất học bổng khác nhau ở trường. Số tiền học bổng sẽ là khoản "thu nhập" xứng đáng khiến cuộc sống đại học của bạn trở nên dễ thở hơn.

Biết so sánh, có khát khao là không sai, nhưng đừng dùng sự vất vả của bố mẹ để đổi lấy thứ hư vinh phù phiếm, đừng gia tăng thêm gánh nặng cho bố mẹ, bạn đã đủ lớn và trưởng thành rồi.

Trong thế giới của người trưởng thành, vốn không có hai chữ "dễ dàng".

Những đạo lý giá như biết sớm hơn: 4 năm đại học giống như cuộc chạy marathon, ai không nỗ lực sẽ hoàn toàn bị bỏ lại - Ảnh 3.

05
Hiểu được sức mạnh của thời gian

Ở đại học, thường mỗi học kỳ sẽ bao gồm 15 tuần thực học và 3 tuần thi tập trung. Trong đó 3 tuần cuối cùng này sẽ quyết định điểm số của bạn còn khoảng cách giữa bạn và người khác được quyết định bởi 15 tuần còn lại.

Nhiều sinh viên có thói quen "nước đến chân mới nhảy" và chỉ ngồi vào bàn học trước kỳ thi. Trong nhiều trường hợp, việc nhồi nhét kiến thức tạm thời vào đầu trong một thời gian ngắn vẫn mang lại hiệu quả nhưng nó giống như một tòa cao ốc được xây dựng cấp tốc vậy, thực tế móng nhà rất mỏng manh, không thể chống chọi lại được trước mưa bão và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

"Học bá" hàng thật giá thật đều nỗ lực học tập ngay từ khi mới khai giảng. Họ biết rằng ngay cả công trình tầm cỡ như Vạn Lý Trường Thành cũng phải được xây dựng từ những viên gạch nhỏ nhất và rằng mức tiêu hao năng lượng khi chạy đường dài chắc chắn sẽ nhỏ hơn so với kiểu chạy bứt tốc,

Vì vậy, họ thà rằng chăm chỉ học tập từng ngày, mỗi ngày học 10 từ mới, mỗi tuần chạy 35km, mỗi tháng đọc hết một cuốn sách... còn hơn "cắm đầu cắm cổ" ôn luyện trong vài ngày để rồi khiến cơ thể mình kiệt sức.

Suy cho cùng, 4 năm học đại học giống như một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nhanh 100 mét.

Bạn phải tin vào sức mạnh của thời gian.

Chia sẻ