'Con tôi hiểu chuyện lắm' - Đây là lời khen hay gánh nặng?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Người lớn hay nói 'Đứa trẻ này trưởng thành lắm, biết lắm, hiểu chuyện lắm'. Đó là một lời khen hay một gánh nặng dành cho trẻ?

Cha mẹ nào cũng được khuyên cần hỗ trợ con trở thành một người trưởng thành và vững vàng. Trong quá trình trưởng thành của con, có thể có những khó khăn, những trục trặc, con có thể có điểm mạnh này và điểm chưa mạnh kia, nhưng dù có chuyện gì, thì điều cần thiết cho con là xây dựng nội lực, sống mạnh mẽ và biết cách cư xử.

Tuy nhiên, sống mạnh mẽ, biết cách xử sự, hay một cách giản dị hơn như những người lớn xung quanh thường hay nói: "Đứa trẻ này trưởng thành lắm, biết lắm, hiểu chuyện lắm", đó là một lời khen hay một gánh nặng dành cho trẻ?

Những đứa trẻ hiểu chuyện là dấu hiệu tích cực hay tiêu cực? Chuyên gia chỉ ra điều cần lưu ý - Ảnh 1.

Chị Phạm Trần Kim Chi - Nhà thực hành Tâm lý học tích cực

Chị Phạm Trần Kim Chi - Nhà thực hành Tâm lý học tích cực, người sáng lập kênh podcast "5 phút học làm cha mẹ" cũng có một cậu con trai độc lập, tự chủ. Chị cũng từng đặt ra câu hỏi: Liệu khi quá hiểu chuyện, con đang thấy tự hào hay mệt mỏi vì có một áp lực vô hình đè lên vai mình?

Những đứa trẻ hiểu chuyện là dấu hiệu tích cực hay tiêu cực? Chuyên gia chỉ ra điều cần lưu ý - Ảnh 2.

Hiểu chuyện có mệt mỏi không?

Mới 7 tuổi, con trai chị có thể tự một mình đến lớp, một mình về nhà, có thể tự hiểu bài, làm bài tập ngay trong lớp học. Chị gần như không tốn công sức nào để dạy con học ở nhà, ngoại trừ thỉnh thoảng nhắc giờ học cho con rồi để con tự xử lý bài học của mình. Đôi khi, con tập trung học cả tiếng đồng hồ, không cần sự giúp đỡ nào của mẹ. 

"Con là một cậu bé 7 tuổi nhưng có tiền tiêu vặt hàng tháng. Con dùng tiền đó để mua đồ dùng học tập cho mình, mua khẩu trang. Con tự đọc sách, tự ở nhà một mình, tự biết đi đường và tìm đường khi đi lạc trong khu vực gia đình đang ở. Có thể nói, con tôi là một đứa trẻ nhiều kỹ năng và mạnh mẽ. Tôi rất tự hào về điều đó", chị Kim Chi chia sẻ.

Nhưng bên cạnh niềm tự hào, bà mẹ này cũng có cả những băn khoăn. Băn khoăn bởi con không cần đến sự trợ giúp của mẹ, ngay cả khi hết bút viết hay khẩu trang. "Đây có phải là một lời khen cho sự độc lập hay đang đặt một gánh nặng lên vai một đứa trẻ mới 7 tuổi", chị Chi đặt câu hỏi.

Chị Chi là một người rất độc lập. Chị tự xác định được mục tiêu của bản thân, đủ nội lực để tự phấn đấu. Chị biết quan sát và hỗ trợ những người thân của mình, nhưng lại hiếm khi nhận sự trợ giúp ngược lại từ người thân. 

"Tôi nghĩ người thân rất yên tâm về tôi. Trong mắt họ, tôi là một người rất hiểu chuyện và mạnh mẽ. Tôi tự hào về điều đó. Nhưng tôi có mệt mỏi không? Có muốn ai đó đỡ đần không? Rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác. Nhưng tôi tin, ai đã ở trong vị trí giống tôi đều sẽ hiểu cảm giác có cả tự hào và mệt mỏi".

Những đứa trẻ hiểu chuyện là dấu hiệu tích cực hay tiêu cực? Chuyên gia chỉ ra điều cần lưu ý - Ảnh 3.

Hãy cứ để con "hiểu chuyện", nhưng có 3 điều cần lưu ý 

Từ trải nghiệm bản thân đến câu chuyện của con mình, chị Chi tự hỏi: Liệu mình nên tin là con đang tự hào, cảm thấy mình trưởng thành hay có một gánh nặng hiểu chuyện trên vai mình? Và nếu ở trường hợp thứ 2, thì cha mẹ có nên dạy con đừng mạnh mẽ, hiểu chuyện và sẽ bao bọc con trong sự vững chãi và an toàn của gia đình?

Câu trả lời là không. Dù muốn dù không, đứa trẻ nào cũng phải trưởng thành. Chẳng cha mẹ nào che được mưa gió cho con cả đời, chúng ta đều phải tự mình lớn lên. Nhưng trong quá trình trưởng thành, chị Chi cho rằng, có 3 điều cha mẹ cần lưu ý.

1. Chuẩn bị kỹ năng

Đứa trẻ của bạn cần được chuẩn bị những kỹ năng cho việc mà mình sẽ làm. Bạn không thể hôm trước còn bao bọc con, đưa đi đón về, kiểm tra từng lỗi chính tả, từng phép Toán... rồi hôm sau nói với con: tự lập đi, ý thức đi, con đã lớn rồi.

2. Tâm thế của con khi trưởng thành

Nên tận dụng mọi cơ hội để con hiểu vì sao con cần chuẩn bị những kỹ năng đó, và vì sao con nên trưởng thành như vậy. Con tự đi học là vì con có thể chủ động ở lại trường theo cách con thích để chơi, trò chuyện với bạn. Con tự làm bài tập vì con sẽ chủ động biết con cần học cái nào, điều gì con cần ôn tập. Con tự mua bút, tự mua khẩu trang là vì con có thể chủ động chọn cái nào mà con thích và vừa với con nhất.

Tâm thế của con khi làm những việc này là vì con chủ động có nhu cầu trưởng thành. Và qua sự trưởng thành đó, con tự chọn cái gì phù hợp với con. Tâm thế này khác hoàn toàn với việc mình bị động, bị ép trưởng thành. Vì vậy, việc dạy kỹ năng không thôi chưa đủ mà chuẩn bị tâm thế của mình còn quan trọng hơn.

Những đứa trẻ hiểu chuyện là dấu hiệu tích cực hay tiêu cực? Chuyên gia chỉ ra điều cần lưu ý - Ảnh 2.

Khi con nói là mình có thể làm được và bạn không quan tâm gì thêm hết thì sự hiểu chuyện này là gánh nặng. (Ảnh minh họa)

3. Tâm thế của bạn khi muốn con trưởng thành là gì?

Tâm thế của con thật ra xuất phát từ tâm thế của bạn. Vì sao bạn muốn con trưởng thành? Vì bạn rất mệt mỏi? Vì bạn muốn có thời gian cho bản thân? Bạn muốn con tự đi học về bởi vì bạn có thể ở ngoài và về nhà trễ hơn? Bạn muốn con tự học bài vì bạn cần thời gian để làm việc khác? Bạn muốn con tự mua đồ dùng học tập vì bạn không có thời gian để nhớ?

Nếu bạn đang ở trong một tâm thế như thế này, thì khi con trưởng thành, con sẽ ở trong một tâm thế bị bỏ rơi. Nó bị ép phải trưởng thành. Khi con tự mua đồ dùng học tập, bạn không hay biết gì cả, bạn cảm thấy như mình được bớt việc. Nếu như vậy thì sự hiểu chuyện lúc này của con là một gánh nặng. Còn, bạn có biết về sự thay đổi, hỏi về đồ dùng đó, vài lần bạn đề nghị con là có muốn hai mẹ con cùng đi mua với nhau hay không... thì mọi chuyện sẽ khác đi nhiều.

"Khi con nói là mình có thể làm được và bạn không quan tâm gì thêm hết thì sự hiểu chuyện này là gánh nặng. Nhưng nếu bạn chú ý những việc con làm, chân thành đề nghị giúp đỡ như là trao đi một lòng tốt của bạn thì sự hiểu chuyện của con lúc này lại là lời khen cho sự trưởng thành. 

Lời khen hay gánh nặng khác nhau ở tâm thế khi mình làm việc đó chủ động hay bị động. Là việc mình muốn thế hay mình bắt buộc phải thế. Là mình tự tin để làm hay thấy mình cô đơn bắt buộc phải làm. Cuộc sống luôn cần mình nhìn lại và tìm lấy một sự cân bằng", chị Kim Chi chia sẻ.

Chia sẻ