Những cụ già hơn 50 năm sống trong căn lều 5m2 tạm bợ giữa Sài Gòn
Hơn 50 năm qua, cụ bà Nguyễn Thị Trắng, Nguyễn Thị Mai cùng bà Lê Thị Thanh Xuân sống dưới căn lều tạm bợ rách nát dựng tạm bên trong một con hẻm nhỏ. Những ngày trời mưa lớn 3 bà cụ cùng nhau che chung một cái áo mưa rồi ngồi co ro, lạnh cóng trong căn lều rách nát chờ cơn mưa tạnh.
Tìm đến con hẻm 12/1, đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, chúng tôi được những người dân sống quanh dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ chỉ đường đến căn lều tạm bợ nơi 3 người phụ nữ đã lớn tuổi đang sống. Sau hơn 5 phút, chúng tôi tìm được đến căn lều tạm bợ của các bà.
Căn lều nhỏ rộng chừng 5m2 được dựng tạm bên cạnh một bức tường tôn công trình và nhà vệ sinh công cộng bốc mùi ẩm thấp. Bên ngoài căn lều tạm bợ được che chắn bởi bao tải đã cũ kĩ, mục nát, phần mái được dựng lên bởi những chiếc dù lớn đã rách nát để lộ phần khung sắt. Phía trong căn lều là chiếc giường sắt nhỏ, nơi đây là chỗ ngủ của nhưng cụ bà đã ở tuổi xế chiều.
Túp lều che tậm bên lề đường là nơi sinh sống hơn 50 năm của các cụ bà
Căn lều vỏn vẹn 5m2 được che chắn mưa gió bằng 2 chiếc dù đã cũ rách
Bên ngoài căn lều được che tạm từ những tấm bao cũ
Thấy có người đến thăm, một cụ bà lưng còng, dáng nhỏ bước ra từ bên trong căn lều tạm bợ nở nụ cười mừng rỡ. Cụ cho biết cụ tên là Nguyễn Thị Trắng (83 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp), do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ mất sớm lại không có nhà cửa nên bà muốn tìm lên Sài Gòn để tìm nơi làm việc.
Năm 20 tuổi cụ Trắng bồng con gái là bà Lê Thanh Xuân (60 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Mai (83 tuổi, em gái cụ Trắng) rời quê lên khu chợ Nancy (quận 5) để tìm việc làm và sống tạm dưới những mái hiên, vỉa hè trong khu chợ.
Khi trời nắng dù đang ngồi bên trong căn lều nhưng cụ Trắng vẫn phải đội nón vì căn lều đã rách hết
Từ năm 2009, khu chợ Nancy bị giải tỏa nên cụ Trắng cùng em và con gái dựng tạm một túp lều bên cạnh chỗ giải tỏa để tiếp tục cuộc sống qua ngày. Ban ngày bà Xuân ra khu chợ nhỏ gần túp lều để làm thuê, cụ Mai và cụ Trắng bị bệnh tim nên sức khỏe yếu thường xuyên đau ốm, mọi chi tiêu, tiền thuốc đều trông cậy vào số tiền làm thuê ít ỏi của bà Xuân.
“Ban ngày tôi đi bưng phở, cà phê, rửa chén thuê ở ngoài chợ để kiếm tiền lo bữa cơm cho mẹ và dì. Do tuổi già không làm việc được nên mọi chị tiêu đều trông đợi với số tiền bưng thuê, bữa nào người ta thuê nhiều thì kiếm được 50.000 đồng/ngày, hôm nào không có ai kêu thì cả nhà nhịn đói cho qua ngày”, bà Xuân chia sẻ.
Đêm đến, cụ Trắng nằm ngủ trên chiếc giường nhỏ bên trong căn lều còn cụ Mai và bà Xuân thì chờ khi những nhà hàng xóm cạnh đó đóng cửa ngủ mới đem ghế bố ra trước hiên nằm ngủ tạm. Những đêm trời mưa to, gió lớn, 3 người phụ nữ lại ôm nhau cùng che chung một chiếc mền mỏng ngồi co ro dưới mưa cho đến khi trời sáng.“ Những ngày mưa tôi mặc áo mưa vào rồi nằm dưới cái dù để ngủ, ngày nắng gắt thì qua bên hiên nhà hàng xóm nằm ngủ nhờ. Cứ như vậy mà hơn 60 năm nay chúng tôi đã ăn, ngủ, sinh hoạt ở đây”, cụ Nguyễn Thị Trắng chia sẻ.
Khi có người lạ đến thăm các cụ rất mừng
Bà Xuân là chỗ dựa chính cho mẹ và dì
Đến buổi trưa, sau khi mua được ít gạo thì các cụ nhóm lửa nấu cơm, thức ăn là một chén nước mắm xin được của những người sống xung quanh. Hôm nào không có tiền thì mọi người nhịn đói cho qua ngày. Những ngày thời tiết Sài Gòn nắng gắt mỗi cụ lại chia nhau đi một nơi để tránh nóng. Đến chiều, khi trời đã dịu mát, các cụ quay về lại túp lều để cùng nhau ăn bữa cơm chiều. Cứ như thế cuộc sống khổ cực của các cụ trong căn lều tạm cũng trôi qua từng ngày.
Chiếc giường nhỏ và những vật dụng sinh hoạt của các bà được người dân trong hẻm quên góp cho
Bữa cơm đạm bạc với canh bí và cơm trắng
Thấy cuộc sống khổ cực của các cụ nhiều người dân trong hẻm thường xuyên góp gạo, nước mắm, quần áo, mền cho các cụ. Bà Tư (sống trong hẻm 12/1) chia sẻ: “ Ở đây hơn 10 năm nay tôi thấy cuộc sống của bà Trắng, bà Mai, bà Xuân rất khó khăn. Những lúc bà Trắng bị bệnh mọi người trong hẻm lại chạy đến góp tiền mua ít thuốc cho bà. Hiện tại sức khỏe của bà Trắng yếu lắm, bà đi lại rất khó khăn, đêm lại phải ngủ dưới trời lạnh như vậy nữa nên không biết bà sống được bao lâu nữa, chúng tôi ở đây cũng giúp được người ít gạo, ít quần áo cho các bà thôi”.
Nhiều người dân trong hẻm thường đến tâm sự và giúp đỡ các cụ bà
Được biết cụ Mai và bà Xuân không có chồng, nhiều năm qua sống tại căn lều đi làm thuê kiếm sống. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng 3 người phụ nữ vẫn đùm bọc nhau sống qua ngày. Nói về ước muốn hiện tại, cụ Trắng nói; “Tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe, không bị bệnh tật nữa, tôi cũng muốn có một nơi ở đàng hoàng không bị dột nước mưa”.