Những con số giật mình về 4 bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt

Chi Lê,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia ung thư, 4 căn bệnh phổ biến ở chị em phụ nữ Việt Nam gồm có: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng và ung thư phổi.

Ung thư vú

Giống như nhiều nước trên thế giới, ở nữ giới Việt Nam bị ung thư vú vẫn phổ biến nhất, với tỷ lệ là 23 người mắc trên 100.000 người khỏe mạnh.

Những con số giật mình về 4 bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt - Ảnh 1.

Ung thư vú đúng đầu danh sách những căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới Việt Nam

Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng theo độ tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

ThS. Tạ Văn Trình, Bệnh viện K (Hà Nội) cho hay, để kịp thời phát hiện ung thư vú, từ 25 tuổi trở lên, chị em nên có thói quen tự khám vú hàng tháng sau sạch kinh 5 ngày.

Nếu tự khám thấy có bất thường, chị em nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Nhóm phụ nữ từ 40 tuổi trở lên thì nên định kỳ chụp X-quang tuyến vú, khám vú tại cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần.

Đặc biệt, chị em nên tìm tới các cơ sở y tế chuyên khoa ngay khi thấy có các triệu chứng sau: Sờ thấy khối u vú; một bên vú dày hơn bên kia; tụt núm vú; da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; thay đổi màu sắc trên da của vú; chảy dịch một bên vú; đau hoặc đỏ vú; hạch nách hoặc hố thượng đòn.

Ung thư đại trực tràng

Trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, đây là căn bệnh được xếp thứ hai, với hơn 6.000 ca mắc mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, số phụ nữ được phát hiện ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên hơn 11.000.

Những con số giật mình về 4 bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt - Ảnh 2.

Có hơn 6000 chị em được phát hiện mắc ung thư đại trực tràng mỗi năm

Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí khối u và mức độ xâm lấn ra xung quanh, mức độ lan ra toàn cơ thể. Phần lớn biểu hiện của bệnh không đặc trưng nên người mắc bệnh thường không nghĩ đến khả năng mắc ung thư.

Triệu chứng của bệnh bao gồm triệu chứng tại chỗ, toàn thân. Người bệnh có thể thấy đi ngoài phân lỏng, táo bón không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết; đi ngoài phân nhầy lẫn máu hoặc đi ngoài phân đen nếu ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra bệnh nhân có thể bị thiếu máu, người mệt mỏi xanh xao; gầy sút cân, ăn kém, sốt không rõ nguyên nhân.

Bệnh có thể sàng lọc sớm bằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, nội soi toàn bộ đại tràng, thăm khám trực tràng bằng tay.

Các chuyên gia ung thư khuyến cáo, mọi người dân từ 50 tuổi trở lên cần thực hiện xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, nội soi toàn bộ đại tràng mỗi năm một lần.

Những người có nguy cơ cao như tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa polyp hoặc ung thư đại trực tràng; các bệnh viêm ruột... nên làm xét nghiệm này và các biện pháp khác ở độ tuổi sớm hơn.

Ung thư cổ tử cung

Ở nước ta, tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung rơi vào khoảng 13,6 ca trên 100.000 dân. Ước tính đến năm 2020 số mắc tăng lên con số hơn 6.600 ca. Theo thạc sĩ Trình, nguyên nhân chính gây bệnh là nhiễm virus HPV.

Các triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung mà chị em nên chú ý gồm có: Máu âm đạo bất thường; chảy dịch âm đạo nhiều và hôi, đặc biệt khi dùng kháng sinh không đỡ; đau khi giao hợp; tiểu tiện nhiều lần; đau hạ vị, thắt lưng hoặc chậu hông.

Ung thư phổi

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư khó phát hiện sớm, ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 5.700 ca mắc ung thư phổi là nữ giới.

Bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm do thường không có biểu hiện, triệu chứng cụ thể. Khi bệnh đã phá triển, người bệnh bị ho ra máu, thở khò khè hoặc khó thở; sụt cân, mệt mỏi, chán ăn.

Khi khối u xâm lấn vào các cấu trúc lân cận, người bệnh có thể bị đau ngực, đau xương, khó nuốt, khàn tiếng...

Theo BS Trình, chị em muốn ngăn ngừa bệnh ung thư phổ thì không nên hút thuốc lá, thuốc lào – hai nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh ung thư phổi, đồng thời tránh xa những môi trường ô nhiễm có khói, bụi gây hại cho sức khỏe.

Chia sẻ