Những chuyến tàu "cấm nam giới" nhằm chống hiếp dâm và quấy rối tình dục
Trên thế giới, đã có rất nhiều chuyến tàu chỉ dành riêng cho phụ nữ để chống nạn hiếp dâm, quấy rối tình dục.
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã và đang phục vụ những chuyến tàu chỉ chuyên chở hành khách nữ (women only) nhằm chống lại nạn hiếp dâm và bạo hành đang ngày càng lan tràn mạnh mẽ.
Ý tưởng này xuất phát từ việc có quá nhiều phụ nữ phàn nàn rằng họ liên tục bị tấn công tình dục. Và dù ở mức độ nặng hay nhẹ thì những hành động như vậy cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và đời sống của họ.
Mặc dù đã quy định là chỉ có phụ nữ mới được sử dụng nhưng vẫn có nhiều gã yêu râu xanh ngoan cố phá luật để rồi nhận lại những hình phạt đích đáng.
Thủ đô Rio de Janeiro của Brazil đã giới thiệu dịch vụ này từ năm 2006. Theo đó, có những chuyến tàu chỉ dành riêng cho phụ nữ.
Tuy nhiên, đến năm 2013, người ta vẫn phát hiện thấy có nhiều nam giới đi vào đây. Khi một nữ hành khách yêu cầu người đàn ông ra khỏi tàu thì nhận lại phản ứng hung hăng và chỉ trực tấn công lại. Thậm chí, vào năm 2009, có nạn nhân đã bị tấn công bằng dao khi cố phản kháng lại kẻ lạ mặt sàm sỡ.
Đến lúc này, các nhà chức trách đã buộc phải sắp xếp vệ sĩ trên các chuyến tàu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Còn ở Nhật Bản, những chuyến xe lửa women only đã ra đời từ năm 2000 với màu hồng đặc trưng. Bất kỳ nam giới nào cố gắng xâm nhập sẽ bị nhà ga tống ra ngoài. Động thái này của chính quyền các thành phố đã được người dân hoan nghênh nhiệt liệt.
Hiện tại, hai thành phố Tokyo và Osaka đang phục vụ theo kiểu như thế này. Theo đó, vào các khung giờ cao điểm trong ngày, chỉ có phụ nữ và trẻ em nam dưới độ tuổi nhất định mới được bước chân vào.
Cùng năm đó, Mexico City cũng đưa tàu điện ngầm cho phụ nữ và trẻ em vào hoạt động. Phong trào này sau đó còn kéo theo cả ngành công nghiệp taxi chuyên chở phụ nữ được sơn màu hồng và nút bấm khẩn cấp bố trí trong xe.
Còn thủ đô Jarkata của Indonesia lại giới thiệu những toa xe có ghế ngồi màu cam và màu hồng vào năm 2012. Tuy nhiên, chương trình chỉ kéo dài trong vòng 7 tháng rồi bị loại bỏ bởi vào những giờ cao điểm, các toa xe này luôn trống rỗng.
Hệ thống tàu điện ngầm women only được đưa vào sử dụng tại Ai Cập vào năm 2007 khi manh nha những dấu hiệu đầu tiên về tình trạng quấy rối tình dục. Kể từ đó, phụ nữ chỉ di chuyển trên những toa riêng. Tuy vậy, vẫn có những báo cáo vi phạm của nam giới.
Ở Ấn Độ, một đất nước quá tai tiếng với vấn nạn hiếp dâm và tự tử cũng đã đưa ra giải pháp tàu điện cho phụ nữ ở Delhi, Bombay, Calcutta và Chennai. Tại đây, những trường hợp cố tình phớt lờ biển báo sẽ bị đưa tới đồn cảnh sát và nộp phạt số tiền tương đối lớn.
Trong năm 2010, một nhóm phụ nữ đã xử lý một gã đàn ông tại chỗ khi ông này không biết là vô tình hay cố ý vào nhầm toa xe.
Thủ đô Delhi thậm chí còn tổ chức thêm cả những chiếc xe buýt và taxi có tài xế nữ để thúc đẩy hơn nữa việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Dịch vụ này nảy ra sau khi một nữ sinh thiệt mạng vì bị hiếp dâm ngay trên xe buýt.
Kể từ năm 2014, tuyến đường sắt nhà nước Thái Lan đã phân cho 3 tuyến chuyên chở phụ nữ với đặc điểm nhận dạng là rèm cửa màu hồng đậm thay vì màu xanh như thường thấy. Quy định này được đưa ra sau khi một bé gái 13 tuổi bị hãm hiếp và sát hại trên một chuyến tàu đêm.
Hiếp dâm vẫn là một vấn nạn vô cùng nhức nhối trên khắp thế giới, và cần lắm thêm những chuyến tàu như trên đây để tính mạng và danh tiếng của phụ nữ luôn được đảm bảo.