Những chiêu lừa đảo sử dụng công nghệ cao phổ biến nhất trong năm 2023
Trong năm 2023 tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt bằng các hình thức sử dụng công nghệ cao trên mạng vẫn diễn biến phức tạp. Đáng nói dù đã được cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Càng về thời điểm cuối năm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại càng diễn ra phức tạp, đặc biệt là lừa đảo công nghệ cao trực tuyến. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Năm 2023 cũng là năm ghi nhận sự bùng nổ của tội phạm mạng, diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia như: Phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác qua các trạm BTS giả; đánh bạc trực tuyến; giả mạo các trang quảng cáo để rao bán hàng rồi chiếm đoạt tiền của khách... Tuy nhiên trong số 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng được Cục An toàn thông tin đưa ra cảnh báo, có những hình thức lừa đảo dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần nhưng vẫn có trường hợp sập bẫy với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Vòi “bạch tuộc” mạo danh công an vươn khắp cả nước
Kịch bản phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng đó là giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, trốn thuế, rửa tiền, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia,...
Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.
Hiện nay, đã có rất nhiều người bị lừa đảo bằng cách này. Để người dùng dễ dàng “sập bẫy”, các đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của con người. Khi người dân lo sợ, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì chúng chiếm đoạt ngay lập tức. Dù báo chí đã đưa không ít vụ việc lừa đảo kiểu này nhưng số lượng nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên do những thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp.
Một trong những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi nhất trong hình thức lừa đảo này là sử dụng ứng dụng Deepfake, Deepvoice để tạo nên các cuộc gọi video lừa đảo. Như trường hợp của cụ ông 71 tuổi Đ.T.L., 71 tuổi, ngụ TPHCM đã mất một số tiền rất lớn sau cuộc điện thoại của cục trưởng công an "dỏm". Với chiêu thức thao túng tâm lý bằng “nỗi sợ hãi” khi nhìn thấy “cán bộ công an” cùng lệnh bắt giam qua màn hình cuộc gọi video, các đối tượng đã "thành công" lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của cụ L. với tổng số tiền lên đến 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, lừa tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công như "Bộ Công an", "Tổng cục Huế",... cũng là một trong những chiêu trò tinh mà các đối tượng sử dụng, khiến người dân sập bẫy dễ dàng.
Vòi bạch tuộc mạo danh công an để lừa đảo không chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn nơi người dân có thu nhập ổn định mà còn "vươn" đến cả những vùng nông thôn và nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người cập nhật chậm về thông tin và công nghệ, trong đó chủ yếu là người lớn tuổi, phụ nữ,...
Chỉ trong vòng 3 tháng, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xảy ra 3 vụ mạo danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như trường hợp của ông N.V.H (67 tuổi) và ông Đ.V.Đ (50 tuổi) đều ngụ xã Trường Yên, huyện Hoa Lư,... Lợi dụng việc các nạn nhân là những người lớn tuổi, cập nhật chậm về thông tin và công nghệ, những kẻ lạ mặt đã gọi điện đến, tự xưng là Công an, yêu cầu họ phải chuyển hàng trăm triệu đồng nếu không muốn phải ngồi tù.
Trong năm 2023 đã có hàng chục trường hợp người dân bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn mạo danh công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, dù có nhiều trường hợp được cơ quan liên ngành phối hợp ngăn chặn, nhưng cũng có không ít trường hợp bị lừa đảo với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ như cụ ông Đ.T.L.
Bẫy cộng tác viên - Bổn cũ soạn lại, nhưng nạn nhân mới
Một trong những hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác cũng có dấu hiệu gia tăng trong năm 2023 đó chính là lừa đảo tuyển cộng tác viên online.
Bước đầu, các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook ảo hoặc phát tán tin nhắn rác để đăng tin tuyển dụng với nội dung "hấp dẫn" như: "Tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… với hoa hồng 12 - 15% giá trị mỗi đơn hàng"; hay "không cần ôm hàng", "không cần bỏ vốn", "được phép trả hàng",... Khi có người nhận làm việc, các đối tượng sẽ thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng để tạo lòng tin.
Sau khi tạo được lòng tin với các nạn nhân, các đối tượng dẫn dụ chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn ở những lần tiếp theo, sau đó đưa ra nhiều lý do để không hoàn tiền và thanh toán hoa hồng như: Cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… Lúc này, nếu muốn nhận lại tiền, phía bên kia sẽ yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng để lấy lại số tiền trước đó, nếu không sẽ bị mất toàn bộ.
Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, sinh viên, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.
Đáng nói hình thức lừa đảo này không hề mới mà đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần, cũng chỉ một chiêu thức lừa đảo như vậy nhưng chỉ vì "lòng tham" việc nhẹ nhưng thu nhập cao mà nhiều chị em mất cảnh giác dẫn đến dễ dàng sập bẫy.
Một trong số những vụ lừa đảo liên quan đến hình thức tuyển cộng tác viên online dù biết bị lừa nhưng vẫn mong lấy lại được tiền là trường hợp của chị T.U.N. (30 tuổi, quê Bình Phước). Chị N. mất gần 355 triệu đồng trong vỏn vẹn 2 ngày sau khi tò mò nhắn tin vào trang "AZT 06 - Sàn tuyển dụng lao động toàn quốc".
Từ "nhiệm vụ" ban đầu là những sản phẩm dưới 1 triệu, chị N. dần bị dụ thanh toán cho những sản phẩm 50 - 60 triệu đồng. Sau khi số tiền chuyển khoản lên đến hàng trăm triệu, nghi bị lừa, chị N. đề nghị nhận lại tiền mà không cần tiền hoa hồng thì Hiếu tiếp tục chiêu dụ chị N. "xoay xở thêm 100 triệu để nâng cấp tín nhiệm rồi công ty sẽ giải ngân và cam kết sẽ không còn đơn hàng nào phát sinh". Tuy nhiên sau khi chị N. chuyển tiền thì bị chặn liên lạc.
"Tôi cũng nghi bị lừa rồi nhưng lỡ bỏ ra số tiền lớn quá nên cứ hy vọng họ giữ uy tín, trả lại tiền cho mình. Tôi không hiểu sao lúc đó u mê tới vậy, họ nói sao cũng ngu ngơ nghe theo, tới khi phát hiện bị lừa thì tiền trong nhà mất sạch, đã vậy còn mang nợ mấy trăm triệu" - chị T.U.N. nói.
Chị N. chỉ là một trong nhiều nạn nhân sập bẫy hình thức này, có những trường hợp số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng như chị Nguyễn Thị L. (SN 1984, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 3,24 tỷ đồng chỉ vì muốn "chứng minh mình không sai" trong thao tác rút tiền sau khi thực hiện chỉ vẹn vẹn 4 nhiệm vụ. Một cái giá quá đắt cho vài triệu tiền "hoa hồng".
Ham của lạ "tình một đêm" sập bẫy hẹn hò
Không chỉ nhắm vào những đối tượng như người cao tuổi, phụ nữ, học sinh sinh viên đang tìm kiếm việc làm thêm thu nhập,... các đối tượng lừa đảo còn mở rộng ra cả những người có hiểu biết về các kiến thức pháp luật xã hội với nhiều hình thức lừa đảo mới.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo nhắm tới chủ yếu là nam giới "ham của lạ" bằng cách gửi tin nhắn hoặc tờ rơi có gắn đường link dẫn vào các web, app hẹn hò. Sau khi con mồi cắn câu, các đối tượng sẽ giới thiệu về các dịch vụ hẹn hò, “vui vẻ” và hỏi yêu cầu của khách hàng về ngoại hình, độ tuổi, vị trí… để tiện cho việc phục vụ.
Khi khách hàng đã chọn được “hot girl”, các đối tượng yêu cầu nạn nhân mở thẻ VIP hẹn hò của câu lạc bộ để chống “bom hàng”. Với lời dụ dỗ, thẻ VIP này có thể sử dụng dịch vụ ở 63 tỉnh, thành trong cả nước, nên nhiều người đã không ngần ngại đóng phí.
Tuy nhiên trong quá trình nói chuyện, các đối tượng thường vẽ ra nhiều "nhiệm vụ" yêu cầu khách hàng thực hiện thì mới được cấp thẻ VIP để "hẹn hò trực tiếp" với các cô gái. Hoàn thành nhiệm vụ, đối tượng lập tức chuyển khoản cho nạn nhân một phần hoa hồng và thêm nạn nhân vào một nhóm kín trên Telegram gồm nhiều tài khoản khác đăng các hình ảnh gợi cảm khoe đã “sở hữu” được các cô gái xinh đẹp.
Thực chất các tài khoản trong nhóm này đều là tài khoản ảo của các đối tượng nhằm tạo lòng tin cho nạn nhân tiếp tục nạp thêm tiền làm nhiệm vụ với hy vọng “sở hữu” được các cô gái xinh đẹp. Tuy nhiên khi số tiền nạp ngày càng lớn thì đối tượng liên tục lấy cớ nạn nhân thao tác sai và yêu cầu nạp tiền tiếp thì sẽ được rút hết toàn bộ số tiền. Đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp tiền đối tượng nhanh chóng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đã nạp vào, đến lúc này thì nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa. Những nạn nhân của thủ đoạn này thường xấu hổ, sợ mất mặt nên không dám trình báo với cơ quan Công an.
---
Năm 2023 đã ghi nhận sự bùng nổ của tội phạm mạng, diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia. Nhưng đồng thời cũng chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, dần tiến tới quản lý hoạt động trên không gian mạng chặt chẽ hơn.