Những bộ phim Hollywood "vượt biên" không nguyên vẹn
Những bộ phim khá nổi tiếng ở Hollywood đã không còn nguyên vẹn khi đến với thị trường quốc tế.
Mission: Impossible 3
Phần 3 của bộ phim hành động Nhiệm vụ bất khả thi đã bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc cắt không thương tiếc, trong đó có một cảnh người đàn ông chơi mạt chược bên cạnh căn phòng giam giữ con tin.
Jack Reacher
Để đáp ứng điều kiện những khán giả trên 12 tuổi có thể đến rạp chiếu tại Anh, bộ phim mới phát hành gần đây của Tom Cruise, kể về điệp viên huyền thoại Jack Reacher đã phải cắt bỏ hai cảnh: người phụ nữ bị chết ngạt và người đàn ông bị tấn công bằng một tảng đá. Bộ phim này được xếp hạng PG-13 (Một số hình ảnh không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi) tại Mỹ.
Ice Age 4
Thật khó tin là bộ phim hoạt hình vui nhộn này vẫn có khả năng bị cắt gọt sau khi bước ra khỏi biên giới nước Mỹ. Tại Anh, để bộ phim có thể xếp loại "U" - để cho tất cả trẻ em đều có thể xem được, phần 4 của loạt phim ăn khách Kỷ băng hà đã phải cắt đi một dòng thoại, trong đó một nhân vật gọi nhân vật khác là "Đồ bại não!".
Men in Black 3
Khán giả Trung Quốc đã không được xem cảnh Will Smith xóa sạch những ký ức của một người Trung Quốc trong phim, hay cảnh người ngoài hành tinh cải trang thành nhân viên nhà hàng Trung Quốc. Những cảnh này bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc coi là "xúc phạm" đất nước họ và tất nhiên, nó đã bị "cắt" không thương tiếc.
Pirates of the Caribbean: At World’s End
Trong Cướp biển 3, Châu Nhuận Phát đóng vai thuyền trưởng Sao Feng của một con tàu cướp biển Singapore, người cứu Jack Sparrow (Johnny Depp đóng) khỏi tay thần chết. Trong bản gốc, vai của ngôi sao điện ảnh Hong Kong góp mặt khoảng 20-30 phút nhưng khán giả Trung Quốc chỉ được xem "người nhà" xuất hiện trong 10 phút.
Cũng bởi thế, vai diễn của Châu Nhuận Phát trở nên khá nhạt nhẽo trong phiên bản Cướp biển ở Trung Quốc. Các nhà kiểm duyệt phim thì tuyên bố hình ảnh Châu Nhuận Phát trong phim là một bức biếm họa thể hiện sự phân biệt chủng tộc.
Savages
Bộ phim của đạo diễn Oliver Stone đã bị mất một số cảnh có chứa nội dung tình dục và bạo lực khi được phát hành tại Anh để có thể phù hợp với các khán giả trên 15 tuổi (chứ không phải trên 18 tuổi như ban đầu). Tại Mỹ, bộ phim được xếp hạng R (Không dành cho người dưới 17 tuổi mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng).
Talladega Nights
Cảnh một người đàn ông cởi trần trong bộ phim phát hành năm 2006 của Will Ferrell đã bị cho là "vượt quá giới hạn" ở Iran - một đất nước đang tăng cường áp dụng những công cụ kiểm duyệt kỹ thuật số hơn là cấm hoàn toàn một bộ phim.
Ở cảnh quay một người đàn ông cởi trần trên đường đua, khán giả Iran đã được thấy những bức tường của đường đua được mở rộng bằng kỹ thuật số để xóa bỏ hình ảnh người đàn ông cởi trần này khỏi tầm mắt họ khi xem phim.
Titanic 3D
Bộ phim kinh điển của đạo diễn James Cameron cũng không còn nguyên vẹn khi ra rạp tại Trung Quốc.
Nhiều khán giả Trung Quốc ngay trong đêm chiếu đầu tiên đã thất vọng khi phát hiện ra các nhà chức trách nước này chiếu bộ phim Titanic 3D không giống như những gì họ nhớ trong quá khứ: những cảnh nude trong phim đã bị cắt bỏ. Điều đáng tiếc nhất là những khoảnh khắc lãng mạn khi nàng Rose khỏa thân để Jack vẽ cô với chiếc vòng cổ cũng không còn nữa.
Giải thích cho việc kiểm duyệt này, một quan chức quản lý văn hóa - giải trí của Trung Quốc phát biểu: "Chúng tôi lo ngại rằng với hiệu ứng 3D, rất nhiều khán giả sẽ chạm tay vào hình ảnh và gây ảnh hưởng tới những người khác đang xem phim. Để tránh mâu thuẫn giữa người xem và môi trường đạo đức xã hội, chúng tôi buộc phải cắt đi những cảnh nhạy cảm".
Skyfall
Tiếp tục là một bộ phim Hollywood danh tiếng vấp phải những vấn đề liên quan đến kiểm duyệt với Trung Quốc. Cảnh quay James Bond (Daniel Craig) giết chết một bảo vệ người Trung Quốc đã bị cắt khỏi bộ phim khi nó ra rạp tại đất nước này. Một vài cuộc đối thoại trong phim cũng bị thay đổi. Khi Bond hỏi Severine (Berenice Marlohe) có phải cô bị ép phải hành nghề mại dâm không, âm thanh của bộ phim được thông báo là còn nguyên vẹn, nhưng phụ đề trên màn hình thì không khớp với lời nói của nhân vật.
Skyfall có khá nhiều cảnh quay lấy bối cảnh Thượng Hải và Ma Cao. Một cảnh quay nhân vật phản diện Silva (Javier Bardem) kể lại câu chuyện cuộc đời mình cũng được chỉnh lại trong phiên bản Trung Quốc.