10 bộ phim 3D "chuẩn" nhất Hollywood (P.1)
Với hiệu ứng 3D chân thật, sống động, những bộ phim này đã đưa khán giả đến gần hơn với thế giới của điện ảnh, khiến họ không chỉ xem phim mà còn như được trở thành một phần của câu chuyện diễn ra trên màn ảnh.
1. Avatar (2009)
Nhắc về những bộ phim có công nghệ 3D "chuẩn" nhất thì điều mà khán giả nhớ đến đầu tiên chính là Avatar của đạo diễn James Cameron. Bằng sự kết hợp giữa những thước phim hành động sống động và công nghệ CGI một cách hoàn hảo, James Cameron thực sự đã tạo nên một cuộc "cách mạng" trong công nghệ làm phim.
Hành tinh Pandora sống động, lung linh và rực rỡ đến choáng ngợp. Trong 4 năm, dường như Cameron đã dành thời gian để tỉ mỉ trau chuốt cho từng góc cạnh của hình ảnh, khiến cho mọi thứ khi lên hình đều như có thể chạm vào và nắm lấy.
Đây cũng là một trong số những bộ phim thuộc hàng "tốn kém" nhất trong lịch sử với kinh phí đầu tư hàng "khủng": 200 triệu USD cho sản xuất, chưa kế đến những con số khổng lồ khác dành cho việc quảng bá bộ phim trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, Avatar cũng là bộ phim đầu tiên được trình chiếu dưới công nghệ 3D và nó đã gây ra một cơn sốt dai dẳng trong suốt một thời gian dài. Dù đã được chiếu lại 2 lần nhưng Avatar vẫn chưa làm thỏa mãn "cơn khát" của người hâm mộ điện ảnh Việt.
2. Life of Pi (2012)
Sự nhấn mạnh của hiệu ứng 3D đó là khiến người xem như được là một phần của câu chuyện được kể lại trên màn ảnh rộng. Và Life of Pi của đạo diễn Lý An là một ví dụ điển hình cho điều đó. Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng, Life of Pi kể về hành trình lênh đênh trên biển của chú bé Pi, cùng người bạn đồng hành là con hổ Richard Parker hung dữ. Cả hai đã cùng chiến đấu chống lại sự khốc liệt của thế giới tự nhiên và sống sót.
Đạo diễn Lý An đã từng tâm sự, bộ phim này hội tụ tất cả những điều "khó" nhất đối với một nhà làm phim: trẻ con, nước và 3D. Rất nhiều đạo diễn đã tỏ ra thích thú với câu chuyện nhưng họ chỉ đến, nhìn ngắm, tấm tắc rồi lại... ra đi.
Và tác phẩm của Lý An và ê kíp làm phim, dù có thể chưa làm thỏa mãn nhiều fan của cuốn tiểu thuyết về mặt nội dung, nhưng nếu chỉ xét riêng về hiệu ứng hình ảnh, thì nó xứng đáng với từ "hoàn hảo". Thế giới trong câu chuyện sẽ không thể nào trở nên sống động và thần tiên đến thế nếu không có công nghệ 3D.
3. Hugo (2011)
Martin Scorsese chưa từng gặp một thách thức nào về công nghệ làm phim mà ông lại không muốn dấn thân vào. Nhưng khi Scorsese quyết định chuyển thể cuốn sách The Invention of Hugo Cabret lên màn ảnh rộng, với công nghệ 3D, rất nhiều ý kiến đã tỏ ra hoài nghi.
Cũng bởi thế nên khi bộ phim ra đời, nó đã làm ngạc nhiên một bộ phận khán giả. Phim kể về một cậu nhóc mồ côi sống trên tháp đồng hồ tại một nhà ga xe lửa ở Paris, Pháp trong những năm 1930 và đã gây ấn tượng mạnh với người xem không chỉ bởi hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp, mà còn bởi những nắm bắt rất tinh tế của Martin Scorsese để chuyển tải được hết sự kỳ diệu của thế giới trong trang sách Brian Selznick thành hình ảnh thực.
James Cameron còn không tiếc lời khen ngợi tác phẩm này là một "kiệt tác" và nói rằng, bộ phim là tác phẩm tốt nhất sử dụng công nghệ 3D mà ông từng thấy (tất nhiên, là bao gồm cả bộ phim Avatar của chính Cameron).
4. Toy Story 3 (2010)
Tất cả những phần phim về Toy Story của Pixar luôn khiến khán giả, ở mọi lứa tuổi thích thú, bởi nó khiến họ như được tìm về với tuổi thơ của chính mình qua những món đồ chơi thân quen, hơn nữa lại được cười thỏa thích với câu chuyện hài hước và duyên dáng. Chính bởi thế, khi phần 3 của loạt phim Toy Story ra rạp dưới công nghệ 3D, nó lại càng chinh phục được trái tim của nhiều khán giả hơn với hiệu ứng hình ảnh được thêm vào những lớp lang sống động.
Câu chuyện trong phần 3 kể về cậu bé Andy năm nào - nay đã là một chàng trai 18 tuổi chuẩn bị vào đại học, và những đồ chơi quen thuộc sắp rơi vào quên lãng. Lúc này, Woody, Buzz và các bạn bè khác trong thế giới đồ chơi lại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới với nhiều tình huống gay cấn đến nghẹt thở nhưng cũng rất hài hước, dí dỏm.
5. Up (2009)
Một bộ phim quá tuyệt vời cả về thông điệp lẫn hiệu ứng hình ảnh! Khán giả nhí chắc chắn sẽ thích mê chuyến phiêu lưu vô cùng tuyệt vời của cậu bé Russell. Còn người lớn chắc chắn sẽ tìm được những thông điệp giản dị về hôn nhân, cuộc sống và ước mơ thông qua nhân vật ông già Carl khó tính.
Thế giới mà Up tạo nên cũng vô cùng rực rỡ và xinh đẹp, và hiệu ứng 3D ấn tượng nhất trong phim có lẽ chính là hình ảnh ngôi nhà bay trên bầu trời cùng hàng nghìn quả bóng bay rực rỡ.