Những bí mật động trời được nhân viên bán hàng thời trang tiết lộ, hóa ra công việc này đòi hỏi sự tinh tế hơn là một chiếc "mồm dẻo"
Nhân viên những hãng thời trang lớn không chỉ được đào tạo kỹ năng sale chuyên nghiệp mà trong quá trình làm việc, họ còn dắt túi kha khá "bí mật" ít người biết đấy!
Nhiều người thường cho rằng làm nhân viên bán quần áo nhàn hạ và không tốn nhiều công sức. Tuy nhiên bạn sai lầm rồi đó! Chỉ riêng khoản xếp đồ lên kệ, gấp quần áo đúng form cũng như giải đáp thắc mắc của khách hàng đã ngốn không ít thời gian. Đấy là còn chưa kể nhân viên bán hàng đôi khi phải kiêm luôn vệ sinh không gian, thu ngân, trả lời inbox khách...
Với những hãng thời trang lớn như Zara, H&M, Mango... nhân viên được đào tạo bài bản các kỹ năng kể trên. Và hơn thế, trong quá trình làm việc, họ còn biết được những mánh khóe kinh doanh ít khách hàng để ý tới. Điều này thú vị đến đâu, hãy cùng đi tìm hiểu qua lời kể của một nhân viên sale quần áo lâu năm nhé!
1. Dù rất thích một bộ quần áo tại cửa hàng nhưng nhân viên cũng sẽ hạn chế mua nó
Không chỉ riêng khách hàng mà chính nhân viên đôi khi cũng mê mẩn vài bộ cánh lộng lẫy hay đôi giày, phụ kiện đẹp mắt. Tuy nhiên, kể cả khi có tiền, họ cũng không mang một món đồ yêu thích ra thanh toán đâu nha. Thậm chí, nhân viên tại cửa hàng còn được giảm giá nếu mua đồ, ấy vậy mà họ vẫn chọn đặt online.
Lý do rất đơn giản, vì bộ quần áo treo tại cửa hàng đã được mặc lên người của vô số khách. Điều này tiềm tàng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da. Thậm chí, những món đồ treo lên kệ vì đã qua tay nhiều người nên khả năng gặp vấn đề như bung cúc, đứt chỉ cũng xảy thường xuyên hơn. Vì vậy, đặt hàng online là một giải pháp tối ưu, hơn nữa khi mua đồ trực tiếp ở nhiều hãng thời trang lớn, bạn còn không được đổi trả nếu cảm thấy có sự cố.
2. Nhân viên nhìn chằm chằm vào khách không phải vì sợ họ ăn cắp đồ
Khi bước vào một cửa hàng thời trang, hẳn chị em sẽ cảm thấy bực bội nếu thấy nhân viên cứ đi kè kè đằng sau hoặc ánh mắt luôn dõi theo mình. Khách hàng sẽ mang nặng tâm lý không tự nhiên và cho rằng nhân viên kia thiếu tin tưởng ở họ. Tuy nhiên, ánh mắt ấy không phải là vì nhân viên sợ khách sẽ cuỗm đồ đi luôn đâu nha! Bởi dẫu sao trên quần áo cũng có gắn chip điện tử, khi khách không thanh toán mà ra ngoài thì hệ thống sẽ báo ầm ĩ và bảo vệ cũng ngăn bạn lại.
Nhân viên nhìn chằm chằm vào khách là vì họ muốn chú ý đến biểu cảm, thái độ, cử chỉ ra sao. Thông thường khách hàng sẽ lộ rõ sự vui vẻ, háo hức khi thấy một món đồ rẻ mà đẹp. Họ còn tỏ ra ngao ngán, lướt qua nhanh với quần áo thiết kế xấu hay giá thành quá cao. Tất cả sự thay đổi thái độ này nhân viên sẽ theo dõi và báo cáo lại với quản lý. Từ đó đội ngũ sản xuất, marketing của nhãn hàng sẽ đưa ra chiến lược đánh vào tâm lý của người dùng.
3. Nếu món đồ nào chỉ được xếp lên kệ 1 kích cỡ/màu sắc/kiểu dáng thì đó chính là "một cú lừa"
Nhân viên được chỉ đạo sẽ xếp một bộ váy hay một chiếc áo duy nhất theo size, màu, kiểu nào đó lên kệ. Còn những loại khác thì để trong kho. Khách hàng đôi khi ngại hỏi nhân viên và mặc định rằng món đồ chỉ có 1 size, 1 màu và 1 kiểu. Từ đây hình thành tâm lý háo hức sở hữu món đồ và rồi kích thích khách hàng mua sản phẩm ngay lập tức.
4. Nhân viên rất muốn khách hàng đi shopping đầu tuần hoặc lúc buổi trưa
Bởi đó là những lúc cửa hàng vắng vẻ, đồng nghĩa với khách ghé thăm sẽ có cơ hội thử đồ, trải nghiệm thoải mái hơn. Mặt khác, khi shopping cuối tuần, vì lượng khách rất đông đôi khi dẫn đến tình trạng hết phòng thay đồ, cửa hàng lộn xộn nên làm giảm ham muốn mua hàng của họ.
Đồng thời, nếu nhân viên bán hàng có cơ hội làm việc trong khoảng trưa, đầu giờ chiều thì sẽ ít bị cấp trên phàn nàn hơn. Bởi qua camera, người quản lý theo dõi nhất cử nhất động tại cửa hàng và không hề muốn thấy tình trạng nhân viên rảnh rỗi chút nào!
Tham khảo B.S, C.P