Những bé sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ chẩn đoán nhầm

N.N (TH),
Chia sẻ

Chỉ vì sai sót của bác sĩ, cha mẹ các bé sơ sinh này đã suýt chút nữa tự tay chôn sống chính con mình.

Bệnh viện nói đã chết, bé sơ sinh suýt bị chôn sống

Vụ việc xảy ra vào ngày 4/8 vừa qua. Chiều hôm đó, sản phụ Lữ Thị Lâm Quy (27 tuổi, ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đau bụng dữ dội nên được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu. 

Những bé sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ chẩn đoán nhầm 1
Cháu bé được Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chẩn đoán là tử vong, nhưng vẫn còn sống, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam

Tại đây, chị Quy nhanh chóng được đưa vào khoa sản. Sau đó, sản phụ được kíp trực gồm các bác sĩ, hộ lý chẩn đoán là phải sinh gấp. Khoảng 30 phút sau khi cháu bé chào đời, hộ lý nói là cháu nhẹ cân quá (700gr) nên không sống được và yêu cầu gia đình cho về nhà lo hậu sự.

Những bé sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ chẩn đoán nhầm 2
Anh Nguyễn Văn Tin, cha của cháu bé suýt bị chôn sống, kể lại sự việc.

Anh Nguyễn Văn Tin (SN 1976, trú thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chồng chị Quy, kể: "Nghe các bác sĩ, hộ lý nói vậy gia đình buồn vô cùng, thương con lắm. Để ấm cho cháu, gia đình phải đi ra quầy tạp hóa trước cổng bệnh vện mua một chiếc khăn đỏ và vỏ thùng mì tôm đặt cháu vào để đưa về nhà. Bồng con về, đợi trời xẩm tối mang con đi chôn thì bỗng giật mình thấy con còn nóng, ngọ nguậy chân, tay và khóc e é. Thấy vậy, người nhà tức tốc chở con ra bệnh viện Nhi Quảng Nam".

Anh Tin nghẹn lòng: "Nếu gia đình không phát hiện sự việc, chắc có lẽ chính tôi đã chôn sống con ruột của mình, nhưng tất cả việc này đều do sự “tắc trách” chẩn đoán sai sự việc của các bác sĩ, hộ lý ở Khoa sản...".

Những bé sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ chẩn đoán nhầm 3
Ông Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc bệnh viện đa khoa Quảng Nam, cho biết lỗi do kíp trực chẩn đoán sai tình trạng sức khỏe của cháu bé sơ sinh.

Sau gần 3 ngày nhập viện, sức khỏe bé sơ sinh đã cải thiện một phần, người ấm trở lại, da hồng hào. Hiện bé đang nằm điều trị tại Khoa sản bệnh viện đa khoa Quảng Nam.

Ông Phạm Ngọc Ẩn, giám đốc bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, sau đó cho biết đã xác định được bác sĩ và hộ lý của kíp trực ngày 4/8 chẩn đoán sai, đánh giá tình trạng sức khỏe của một bé trai vừa chào đời không chính xác. Kíp này tưởng cháu bé đã chết nên bàn giao lại cho gia đình để về lo hậu sự. "Chúng tôi sẽ họp Hội đồng kỹ thuật y khoa để đánh giá lại toàn bộ sự việc, ai sai và sai ở khâu nào để có hình thức kiểm điểm, kỷ luật", ông Ẩn cho biết thêm.

Đem chôn, phát hiện bé 7 tháng tuổi vẫn thở

Vụ việc đau lòng xảy ra vào ngày 13/5/2012. Mẹ của bé sơ sinh 7 tháng này là Nguyễn Thị Thu T. ở xã Ia Plang, Chư Sê, Gia Lai. Trong quá trình mang thai, chị đi siêu âm thì được các bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị dị tật nên khuyên gia đình đi vào bệnh viện TP.HCM để kiểm tra. Tiếp đó, nhiều lần sau, bố mẹ cháu bé đã đi kiểm tra ở một bệnh viện tại TP.HCM. Tại đây, kết quả chẩn đoán cũng cho rằng thai nhi bị dị tật và khuyên gia đình nên phá bỏ.

Những bé sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ chẩn đoán nhầm 4
Bé gái được xác định là không có dấu hiệu dị tật như các kết quả siêu âm

Khi về nhà, vợ chồng đã thống nhất và quyết định đến phòng khám của bác sĩ Hưng để phá thai. Khi cháu bé lọt lòng mẹ, vì quyết định bỏ đứa bé nên bố, mẹ và bác sĩ cũng không kiểm tra kỹ lưỡng.

Đến khoảng 6h sáng, khi mang cháu bé ra nghĩa địa chôn cất thì gia đình mới hoảng hốt, vì cháu bé vẫn còn khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh tật. Gia đình vội vàng đưa con vào bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai.

Theo bác sĩ Phan Vương Quân (khoa hồi sức cấp cứu nhi, bênh viên đa khoa tỉnh Gia Lai), cơ thể cháu bé lúc mới nhập viện không có biểu hiện dị tật, rốn chưa được kẹp, tình trạng sức khỏe yếu, thở rên, da tái, phản xạ kém; tim, phổi bình thường, nhiệt độ cơ thể thấp 35ºC.

Cháu bé sinh non là một bé gái đã được 7 tháng tuổi, cân nặng 2,2 kg. Việc chẩn đoán thai nhi bị dị tật, dẫn tới việc gia đình buộc phải bỏ cháu bé khi đã được 7 tháng tuổi được cho là một sai lầm của ngành y tế.

Điều đau lòng hơn, dù được các bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc nhưng do trước đó cháu phải sinh non, chăm sóc không đúng quy cách nên đến 16h cùng ngày, cháu bé đã tử vong.

Đưa con đi mai táng, phát hiện vẫn còn thở

Ngày 9/6/2009, vợ anh Nguyễn Thanh Sang (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) chuyển dạ sinh con đầu lòng và được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn. Khi sinh ra, em bé bị ngạt, sức khỏe rất yếu nên gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Nhi Quảng Nam để cứu chữa.

Tuy nhiên, sau hai ngày điều trị tại bệnh viện này, tình hình bé càng nặng hơn. Thấy vậy, gia đình anh Sang nhiều lần đề nghị bác sĩ cho chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục chữa trị nhưng bác sĩ lại chẩn đoán cháu bé không thể sống được và bảo gia đình nên đem về nhà lo hậu sự.

Những bé sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ chẩn đoán nhầm 5
Cháu bé trong thời gian được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo anh Sang, trước khi cho đưa cháu bé về nhà mai táng, bệnh viện buộc gia đình phải ký cam kết sau này không có bất cứ khiếu nại nào. “Lúc đưa bé ra khỏi bệnh viện, gia đình tôi đau đớn, tưởng rằng cháu đã chết. Về đến nhà lúc 11 giờ đêm 12/6, cả nhà tôi ai cũng ngồi đợi trời sáng để đưa con đi mai táng. Nhưng đến 1 giờ sáng, gia đình phát hiện cháu bé còn thở nên thuê xe cấp cứu chuyển ra Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cứu chữa” - anh Sang kể.

Ngay lập tức, các bác sĩ đưa cháu vào phòng chăm sóc đặc biệt. Chẩn đoán ban đầu cho thấy khi sinh ra, cháu bé bị ngạt do dây rốn quấn cổ. Sau hơn 10 ngày điều trị, cháu bé đã dần bình phục, sức khỏe tiến triển tốt.

Bà Trương Thị Sương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, sau đó đã lên tiếng cho biết: “Việc tiên lượng sai của ca trực là một rủi ro vì công việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ sơ sinh rất phức tạp. Bệnh viện đã sai và xin chịu trách nhiệm về việc này”.

Các vụ việc kể trên khiến nhiều thai phụ cũng như người thân không khỏi lo lắng trong quá trình sinh đẻ. Dù là khá hy hữu nhưng mức độ nghiêm trọng và hậu quả của những lần chẩn đoán sai ấy đã phần nào làm giảm đi lòng tin của bệnh nhân vào lương tâm và chuyên môn của người thầy thuốc.

(Tổng hợp từ VietNamNet, Dân Việt, Pháp luật TPHCM)

Chia sẻ