Những bác sĩ trực xuyên Tết, giành giật sự sống lúc giao thừa
“Nhiều năm đúng vào phút giao thừa, chúng tôi vẫn đang thực hiện ca mổ cấp cứu. Xong việc, ngước mắt lên nhìn đồng hồ giao thừa đã qua từ khi nào. Bao nhiêu năm theo nghề là bấy nhiêu năm tôi chưa một lần được đón tết trọn vẹn bên gia đình, người thân”, bác sĩ Đào Thị Hoa, Trưởng Khoa cấp cứu (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) chia sẻ.
Thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dù ai đi làm ăn, công tác hay học tập ở bất cứ nơi đâu, dù bận trăm công nghìn việc nhưng đều cố gắng thu xếp công việc để được sum họp cùng gia đình, người thân ở nhà. Tuy nhiên, có đến bệnh viện, nhất là những bệnh viện tuyến trên, những cơ sở cấp cứu, điều trị ngoại khoa mới thấy được hết không không khí tất bật, vội vàng, khẩn trương hơn hẳn ngày thường.
Dù ngày thường hay ngày Tết, lượng người đến các bệnh viện lớn khám vẫn rất đông.
Các bác sĩ luôn túc trực tại phòng khám những ngày Tết.
Đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương những ngày đầu năm, các cán bộ, bác sĩ, y tá vẫn luôn túc trực tại các phòng ban để sẵn sàng tiếp đón khi có bệnh nhân. Bên ngoài hành lang hay ở khu vực phòng cấp cứu, người dân vẫn ra vào tấp nập, thậm chí đông hơn ngày thường. Với những bác sĩ ở bệnh viện, việc được đón cái Tết trọn vẹn với gia đình là điều gì đó “xa xỉ”.
Bác sĩ Đào Thúy Hằng (nữ hộ sinh Khoa cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, càng những ngày cuối năm, bệnh viện càng tiếp nhận đông bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên. Mà phần lớn là bệnh nhân nặng. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện thường đón Tết trong tâm thế sẵn sàng ứng trực 24/24h. Thay cảm giác hân hoan đón năm mới cùng gia đình, các y, bác sĩ nơi đây lấy những ca trở dạ, hạ sinh an toàn làm niềm vui đón Tết.
Bác sĩ Đào Thúy Hằng cho biết, thay cho cảm giác hân hoan đón năm mới cùng gia đình, các y, bác sĩ lấy những ca trở dạ, hạ sinh an toàn làm niềm vui đón Tết.
Gắn bó với công việc cấp cứu nữ hộ sinh đúng 28 năm qua, bác sĩ Hằng cho biết, không nhớ hết được mình đã tham gia bao nhiêu ca trực vào đêm giao thừa và đỡ đầu cho bao trẻ sơ sinh được mẹ tròn, con vuông vào thời khắc đặc biệt đó.
“Thời khắc giao thừa ai cũng hướng đến sự sum họp, đoàn tụ bên gia đình. Nhưng những người làm nghề y, không có ngày nghỉ, cũng hiếm có phút giây sum họp ngày lễ, tết. Niềm vui khi được chứng kiến sự bồi hồi, xúc động của các sản phụ, của gia đình họ khi đón trên tay một sinh linh bé bỏng… Chẳng phải, đó cũng chính là biểu tượng của một mầm xuân mới sao”, bác sĩ Hằng chia sẻ.
Các bác sĩ tận tình thăm khám cho bệnh nhân.
Dù người mệt nhoài sau ca mổ kéo dài suốt nhiều tiếng đồng hồ, bác sĩ Đào Thị Hoa - Trưởng Khoa cấp cứu (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) vẫn vui vẻ cho biết, việc “đánh rơi” thời khắc giao thừa để cứu người bệnh là chuyện bình thường.
“Nhiều năm, vào phút giao thừa, chúng tôi vẫn đang thực hiện ca mổ cấp cứu. Xong việc, ngước mắt lên nhìn đồng hồ giao thừa đã qua từ khi nào. Bao nhiêu năm theo nghề là bấy nhiêu năm tôi chưa một lần được đón Tết trọn vẹn bên gia đình, con cái. Lịch trực vẫn cứ dày kín, bệnh nhân vẫn luôn chờ chúng tôi. Hoàn thành ca cấp cứu cho bệnh nhân xong, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Hoa cho hay.
Bác sĩ Đào Thị Hoa cho biết, chưa năm nào đón Tết trọn vẹn cùng gia đình.
Nhớ lại đêm giao thừa đã từng trải qua trong bệnh viện, bác sĩ Đặng Minh Tân, Phụ trách Khoa gây mê hồi sức - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, số bệnh nhân được đưa đến cấp cứu không nhiều so với ngày thường nhưng nhiều ca nặng hơn vì uống rượu bia gây tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm hay xuất huyết não… chưa kể, có thời điểm khi nạn đua xe hoành hành, trường hợp bị nạn rồi tử vong ngay khi đến phòng cấp cứu rất cao.
Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh khiến cho ngày Tết ở bệnh viện càng thêm căng thẳng.
Bác sĩ Đặng Minh Tân (áo trắng ở giữa), Phụ trách Khoa gây mê hồi sức cùng đồng nghiệp đón Tết trong bệnh viện.
Gắn bó với công việc cứu người, các y, bác sĩ khó có một cái Tết trọn vẹn, nhưng không phải vì thế mà họ giảm bớt tinh thần. Bác sĩ Tân cho biết, rời khỏi bệnh viện chị cũng là người mẹ, người vợ, chu đáo lo Tết cho gia đình. “Chồng con và gia đình luôn hiểu cho công việc này của tôi nên tôi cũng yên tâm hoàn thành tốt công việc của mình”, bác sĩ Tân vui vẻ nói.
Theo bác sĩ Tân, ngay tại bệnh viện, khi sự sống và cái chết liền kề, khi cả bệnh nhân và bác sĩ đều tất bật tranh đấu với bệnh tật thì không khí Tết vẫn tràn về, len lỏi đến từng giường bệnh.
Khoa cấp cứu luôn đông người ra vào ngày Tết.
Những ca trực đêm giao thừa, mọi người như xích lại gần nhau hơn. Cảm giác đón năm mới tại bệnh viện bao giờ cũng khác lạ và có những kỷ niệm thiêng liêng.
“Không ai muốn phải đón giao thừa ở bệnh viện. Có bệnh nhân đủ sức khỏe thì thì xin về nhà chữa trị để được đoàn tụ gia đình trong những ngày Tết. Bất đắc dĩ, những người đến bệnh viện vào thời khắc chuyển giao năm mới phần đông là những người bị tai nạn giao thông. Chúng tôi những người thầy thuốc, bác sĩ chỉ mong sao ngày xuân khắp nơi được vui vẻ và hạn chế được những tai nạn đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Tân bày tỏ.