Nhóm kín khiêu dâm trẻ em bị phanh phui khiến phụ huynh sốc nặng: Không thể đổ lỗi cho internet, ngại nói chuyện giới tính với con là một sai lầm lớn
Xâm hại hay quấy rối tình dục đều là những hành vi đáng lên án, không thể tha thứ, nhất là với trẻ nhỏ. Bởi với chúng, ranh giới giữa thể hiện tình yêu thương và hành vi dâm ô là cái gì đó vô cùng mong manh.
Mới đây, một nhóm chat bí mật trên ứng dụng Telegram chuyên chia sẻ clip, hình ảnh khiêu dâm trẻ em có thu phí thành viên được phát hiện khiến dư luận bàng hoàng về mức độ bệnh hoạn của những thành viên này, đồng thời gây hoang mang, lo lắng cực độ với các bậc phụ huynh. Trong nhóm chat này, có hàng nghìn clip với nhân vật chính là các em tuổi đời còn rất nhỏ nhưng đã bị lạm dụng bằng cách này hay cách khác.
Nhóm kín này bị phanh phui cũng là lúc cả xã hội rúng động, giật mình nhìn lại chuyện ấu dâm - khiêu dâm trẻ em đang có dấu hiệu trở thành vấn nạn xã hội với những vụ việc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Một lần nữa, sự việc khiến mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh phải nghiêm túc nhìn nhận lại mức độ quan tâm của mình với trẻ em - đối tượng vốn không có khả năng tự vệ trước những điều xấu.
Không thể đổ lỗi cho internet
Vẫn chưa hết sốc khi đọc được thông tin về group kín bệnh hoạn vừa đề cập ở trên qua báo chí, chị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) cho biết bản thân không thể tin nổi một người bình thường lại có thể "giải trí" với những nội dung như vậy.
Chị cho rằng trẻ em ngày nay tiếp xúc với những thông tin "nhạy cảm" sớm hơn thời của chị rất nhiều, suy nghĩ về việc một ngày nào đó những thứ như group "L 0-13 tuổi" không may tiếp cận tới con mình khiến chị vô cùng sợ hãi.
"Mình thấy nhiều khi đơn giản là chúng ngồi xem tivi chung với cha mẹ, người lớn và chẳng may lúc đó xuất hiện những hình ảnh ôm ấp, hôn hít của người lớn thôi cũng đủ để kích động sự tò mò của đứa trẻ rồi.
Bên cạnh đó, điện thoại thông minh giờ quá dễ dàng để trẻ sử dụng, có thể chúng ấn nhầm vào các clip, hình ảnh 'người lớn'. Chỉ đơn thuần như vậy cũng đủ để trẻ con tò mò và có xu hướng tìm tòi để xem lại", chị Ngọc nói.
Với quan điểm đó, chị Ngọc cho rằng các bậc phụ huynh cần chủ động và mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát con em mình. Thời buổi công nghệ bùng nổ, những nội dung "nhạy cảm" có thể bị động hoặc chủ động tìm tới trẻ từ khắp mọi nơi. Nhận thức còn chưa hoàn thiện của trẻ sẽ không thể nhận định được nội dung thế nào là phù hợp với mình, và vì thế sẽ chẳng có gì ngăn cản chúng làm theo những gì được xem, như một phản xạ tự nhiên.
Cũng với những lo lắng như thế, tuy nhiên cô Mai Phương (Gia Lâm, Hà Nội) lại cho rằng không thể đổ lỗi hết cho internet. Theo cô, bên cạnh những nội dung độc hại có thể manh nha cho những hành vi khiêu dâm, lạm dụng tình dục ở trẻ em, môi trường mạng cũng có rất nhiều nội dung bổ ích khác cho việc học tập, rèn luyện hoặc giải trí, mà con trẻ thời 4.0 không thể không tiếp cận.
Quan điểm của cô Phương cho rằng việc hạn chế hay quản lý việc sử dụng internet của trẻ là cần thiết nhưng không phải là tất cả, không phải là thứ duy nhất phụ huynh cần làm để bảo vệ con em mình. Với trí óc non nớt của trẻ, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm và đáng để thử với chúng. Do vậy, những người làm cha làm mẹ còn cần để ý ngay từ những hành động nhỏ nhặt trong sinh hoạt thường ngày, trong cách sống, khéo léo trong từng cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất.
"Tôi có con gái lớn và cũng đồng hành cùng bạn ấy qua cái tuổi "ẩm ương". Vào thời điểm đó, internet chưa thật sự phát triển như bây giờ, thế nhưng chỉ hơi sơ suất 1 chút, bạn ấy cũng gặp phải vấn đề quấy rối nhưng lại chẳng dám nói với ai.
Với sự phát triển của xã hội hiện nay, cách sống, hành vi của người lớn mới chính là thứ ảnh hưởng đến con trẻ nhất. Chúng ta không thể nói mồm rằng con phải thế này, con không được thế kia, chúng không nghe đâu.
Đôi khi người lớn hơi có phần tự nhiên quá trước mặt con trẻ. Từ việc thay quần áo trước mặt trẻ, vệ sinh thân thể cho trẻ khi chúng đã đến tuổi tự làm được, cho đến việc thể hiện tình cảm có phần không chừng mực mới chính là những điều đầu tiên khiến trẻ bắt đầu tò mò về các vấn đề giới tính và tiếp đó là các vấn đề tình dục", cô Phương chia sẻ.
Có câu nói vẫn được mọi người truyền tai nhau, rằng con cái chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất đến trẻ chính là hành vi và lời nói của cha mẹ chúng. Bạn không thể suốt ngày ra rả mắng con đừng có chửi bậy nếu bạn vẫn chửi bậy, không thể bảo chúng đừng có chơi điện thoại nữa nếu như lúc nào bạn cũng dán mắt vào đó.
Rõ ràng đối với trẻ con, thứ gây ảnh hưởng nhiều nhất chính là hành vi của cha mẹ chứ không phải internet hay bất cứ điều gì khác.
Ngại nói chuyện giới tính với con là một sai lầm lớn
Quay lại với nhóm kín bệnh hoạn vừa được phanh phui, thêm một điều khiến phụ huynh cực kỳ lo lắng, đó là trong hàng nghìn clip khiêu dâm trẻ em xuất hiện trong group này, có không ít clip là do chính các em tự quay. Việc tự quay này có thể do các em bị đối tượng xấu dụ dỗ bằng cách đổi lại những phần thưởng nào đó chẳng hạn, nhưng sâu xa hơn có thể tới từ việc lệch lạc trong khái niệm về giới tính và tình dục - thứ mà không phải em nhỏ nào cũng được trang bị một cách đầy đủ và đúng đắn.
"Tại sao trẻ con lại có thể làm những điều mà ngay cả cha mẹ chúng cũng phải đỏ mặt khi nhắc tới?", một câu hỏi lớn được đặt ra.
Có hơn 1 nguyên nhân để lý giải cho điều này, nhưng chắc chắn trong số đó có phần không nhỏ thuộc về trách nhiệm của những người làm cha mẹ. Cho tới bây giờ, rất nhiều người vẫn coi việc giáo dục giới tính là cái gì đó nhạy cảm và phó mặc cho nhà trường, hoặc cho rằng "con còn rất nhỏ" nên bỏ qua, và rằng "lớn lên rồi sẽ hiểu"...
Thời gian gần đây, những vụ việc xâm hại liên quan tới trẻ em ngày càng xuất hiện nhiều hơn, nó có thể xảy ra ở nơi công cộng, tại trường học hay trong chính ngôi nhà của trẻ. Những hành vi này có thể dễ dàng thực hiện do trẻ chưa có kiến thức về giới tính nói chung, chứ chưa nói tới việc phòng tránh bị xâm hại.
Vậy làm sao có thể bảo vệ con mình khi mà chính những ông bố, bà mẹ cũng "đỏ mặt" khi nói đến chuyện giới tính?
Đây cũng chính là câu hỏi mà chị Tuyết Mai (Tây Hồ, Hà Nội) đặt ra trong buổi trò chuyện với chúng tôi. Là mẹ của một bé gái 10 tuổi, chị Mai cho rằng con trẻ nếu có "lệch lạc" thì chắc chắn phần lớn thuộc về cha mẹ chúng.
"Nếu không đồng hành, không có chỉ dẫn kịp thời khi con bắt đầu đến tuổi dạy thì con sẽ không thể biết được đâu là giới hạn của việc lạm dụng hình ảnh và thân thể.
Những đứa trẻ cần được sự quan tâm, cho dù chúng có tự nguyên quay hay đăng tải hình ảnh/clip thì vẫn là lỗi của người nuôi dạy, giám sát của chúng", chị Mai nói.
Theo chị Mai, một khi người lớn không đủ sát sao, không thực sự quan tâm đúng mực đến trẻ nhỏ hoặc thậm chí né tránh những chuyện liên quan tới giới tính, tình dục thì rất có thể sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường, mà những clip trẻ tự quay được phát hiện trong group biến thái nói trên là một trong những ví dụ.
Đồng tình với chị Mai, cô Phương cũng cho rằng tâm lý "ngại" nói chuyện giới tính với con là thực tế đã tồn tại từ rất lâu với phần lớn phụ huynh Việt. Tuy nhiên theo cô, điều này cần phải thay đổi ngay nếu cha mẹ muốn bảo vệ con mình, nhất là trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay.
"Tại sao chúng ta lại có suy nghĩ tai hại là vẽ đường cho hươu chạy? Nếu không vẽ thì nó biết phải chạy đường nào, đến khi đi sai đường thì lại trách mắng chúng, hay là ân hận thì cũng quá muộn rồi.
Con gái lớn của tôi đã từng bị chính thầy giáo lạm dụng, vì thời điểm đó không ở gần mẹ nên không có bất kỳ sự chia sẻ nào. Sau khi lên tiếng thì lại bị chính người lớn trách móc, từ đó bạn ấy nghĩ bị lạm dụng là lỗi của bạn ấy.
Từ chuyện đó, tôi nhận thấy quan trong hơn cả chính là cùng ngồi xuống và lắng nghe các vấn đề liên quan đến giới tính của con mình. Giải đáp thẳng thắn những thắc mắc của chúng cũng như định hướng đúng cho chúng về các vấn đề tình dục.
Như vậy, trẻ sẽ chịu khó chia sẻ với cha mẹ hơn và chúng ta sẽ không bỏ xót bất kỳ tình huống nào có nguy cơ khiến trẻ rơi vào trường hợp có thể bị lạm dụng", cô Phương chia sẻ và cho biết mình luôn đồng hành và sát sao với các con để kịp thời khuyên bảo hay ngăn chặn nếu con có chẳng may tiếp xúc với web đen và những nội dung nhạy cảm.
Quả thực, không ít cha mẹ cho rằng việc giáo dục giới tính cho con trẻ từ sớm sẽ khiến các bé coi tình dục là thứ gì đó hết sức bình thường, dễ khiến chúng sa vào chuyện yêu đương từ sớm, từ đó nảy sinh quan hệ tình dục. Vì thế mà họ thường lảng tránh trước các thắc mắc, những câu hỏi nhạy cảm liên quan tới giới tính của con.
Đây rõ ràng là một sai lầm lớn, nó có thể được coi là phù hợp với thời của bố mẹ khi kiến thức tình dục nói chung của đại đa số còn thấp, ít tiếp xúc với truyền thông và internet nhưng hiện tại thì không. Xã hội ngày nay rất cởi mở, trẻ con cũng trưởng thành sớm hơn bố mẹ chúng. Vì thế, việc trì hoãn nói chuyện giới tính với con và tự cho đó là cách bảo vệ con là sai lầm lớn.
Khác với tâm lý e ngại trước kia, chị Tuyết Mai cho biết chị đã có những hành động thiết thực để đồng hành với cô con gái 10 tuổi. Quan điểm của chị là cố gắng giải đáp mọi thắc mắc của con một cách chân thành nhất, nếu không biết, bố mẹ có thể học, có thể tìm hiểu để từ đó là một người bạn thân thiết với con trong quá trình trưởng thành.
"Tôi thường mua sách và nói chuyện với các con hằng ngày về các nguy cơ và giải thích cặn kẽ những hành vi nào được xem là lạm dụng - quấy rồi tình dục, sách cũng sẽ thay đổi theo mỗi độ tuổi của con.
Nhưng quan trọng hơn vẫn là quan sát để kịp thời nắm bắt tâm lý của con, kể cả với đứa lớn đã qua tuổi dậy thì cần sự quan tâm chú ý của người lớn để tránh trường hợp chính con mình không hiểu rõ mà vô tình có quan hệ tình cảm với trẻ em chưa đủ tuổi.
Ngoài vấn đề giới tính, tình dục thì cũng phải hướng dẫn chúng các biện pháp vệ sinh thân thể đúng cách", chị Mai chia sẻ.
Những con số biết nói
Trẻ em luôn là đối tượng cần được sự quan tâm, chú ý của những bậc phụ huynh trong gia đình cũng như sự bảo hộ của xã hội. Cũng vì lẽ đó, luật pháp luôn chú trọng những vấn đề liên quan đến quyền lợi và sự an toàn của trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, vấn nạn lạm dụng trẻ luôn tồn đọng dù những kẻ vi phạm luôn phải nhận xử lý nghiêm ngặt của pháp luật, thế nhưng vẫn còn không ít những đối tượng vẫn nhắm đến trẻ em với những mục đích và hành vi đáng lên án.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã nhận hơn 230 nghìn cuộc gọi đến nhờ tư vấn, hỗ trợ và can thiệp các vụ việc về trẻ em. Trong khi đó, theo một kết quả thăm dò của UNICEF tại Việt Nam, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên internet.
Cũng theo thống kê này, rất nhiều em có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet, như tiếp xúc với thông tin, hình ảnh bạo lực, khiêu dâm; có em thậm chí còn bị dụ dỗ tình dục qua mạng, bị đối tượng xấu yêu cầu gửi hình ảnh, thông tin cá nhân... Điều này cho thấy rất nhiều nguy cơ tiềm tàng mà trẻ có thể phải đối mặt một khi sử dụng internet thiếu kiểm soát.
Tại Việt Nam, trong năm 2018, có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng. Đứng thứ 2 khu vực ASEAN và chỉ xếp sau Indonesia. Thậm chí, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này đều khẳng định tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên thực tế luôn cao hơn nhiều so với các số liệu thống kê chính thức.
Xâm hại hay quấy rối tình dục đều là những hành vi đáng lên án, không thể tha thứ, nhất là với trẻ nhỏ. Bởi với chúng, ranh giới giữa thể hiện tình yêu thương và hành vi dâm ô là cái gì đó vô cùng mong manh. Với sự vận động và phát triển của xã hội hiện nay, việc bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại từ cả internet và cuộc sống hằng ngày trẻ nên phức tạp và đòi hỏi sự quan tâm chú ý hơn nữa của cả gia đình và xã hội.
Những con số biết nói vừa đề cập ở trên là một tiếng chuông cảnh báo với mỗi người lớn, an toàn của con trẻ thực sự cần tới những phương pháp tích cực, sâu sát hơn nữa từ cha mẹ. Quan điểm chung của những phụ huynh mà chúng tôi có dịp trò truyện trong bài viết này đều cho rằng, một khi những vấn đề không hay liên quan tới tình dục, giới tính xảy đến với con trẻ thì lỗi lầm và trách nhiệm chính xác là thuộc về người lớn.