Nhờ câu này trong phim Sex Education mà tôi giúp con gái hiểu được một điều: Cuối cùng con cũng bỏ thói quen hơi chút là than mệt, kể khổ!
Tôi nhận ra đã đến lúc dạy con!
Với tôi, nhân vật Maeve gây ấn tượng nhất trong 4 mùa phim Sex Education. Cô bé này trải qua nhiều nỗi đau liên quan đến gia đình nên dần trưởng thành sớm và rất mạnh mẽ, độc lập. Nhiều khoảnh khắc, Maeve thể hiện rõ sự sắc sảo hơn độ tuổi.
Khi xem những phân cảnh của Maeve, tôi rút ra được nhiều bài học để dạy cô con gái dở dở ương ương của mình. Một trong những phân cảnh tôi nhớ nhất là khi Maeve nói với cậu bạn Isaac trong lần đầu 2 người gặp gỡ.
"All of our brains are slowly dying. You're not unique", Maeve nói. ("Não của tất cả chúng ta đều đang chết dần. Bạn không phải người đặc biệt đâu".

Maeve và Isaac
Isaac thường xuyên tự chế giễu bản thân vì là người khuyết tật, phải sử dụng xe lăn do bị liệt phần dưới cơ thể. Nhưng Maeve nhanh chóng đáp trả bằng câu nói trên, nhấn mạnh rằng mọi người, kể cả não bộ của họ, đều đang dần suy giảm, ám chỉ rằng khuyết tật của Isaac không khiến anh trở nên đặc biệt trong khía cạnh đó.
Maeve chỉ ra thực tế rằng mọi người đều có những khó khăn riêng, và không ai là duy nhất trong việc đối mặt với những thách thức của cuộc sống.
Khi nghe câu này, tôi lập tức nhớ đến con gái mình. Cứ mỗi lần đi học về là con than mệt, than khổ, hễ bố mẹ động vào là con nổi đóa lên. Con chẳng động tay, động chân vào bất kỳ việc gì vì cho rằng mình học hành khổ quá.
Thực ra, tôi cũng từng trải qua những năm tháng học sinh như con, cũng hiểu được giai đoạn cuối cấp, con sẽ mệt, căng thẳng ra sao. Nhưng tôi cũng rất mệt khi suốt ngày con lè nhè như mình là người mệt mỏi nhất nhà, tất cả mọi người đều phải nhường nhịn con. Trong khi thực tế, vợ chồng tôi cũng không đặt nặng áp lực lớp chọn, trường chuyên, trường top gì cho con cả.
Câu nói của Maeve trong phim Sex Education khiến tôi quyết định ra tay chỉnh đốn con
Khi con lại một lần nữa than khổ, tôi quay sang hỏi con: "Thế con nghĩ nhà này ai sướng? Là mẹ đi làm từ 8h sáng đến 5 chiều, sáng phải dậy từ 6h để chuẩn bị đồ ăn sáng cho con, chiều vừa về là tất bật nấu cơm nước, giặt giũ? Là bố con làm thợ cơ khí, cả ngày ám mùi dầu mỡ, tiền kiếm được bao nhiêu đều dành dụm cho con đi học, cho con mua quần áo mới, mua điện thoại để không thua thiệt bạn bè? Con nghĩ bố mẹ không khổ?
Mẹ biết con học mệt, mẹ rất hiểu và luôn tạo điều kiện cho con như làm việc nhà thay cho con. Nhưng ai cũng có nỗi mệt mỏi của riêng mình. Không ai khổ hơn ai, sướng hơn ai. Ngoài kia có nhiều đứa trẻ còn không được đi học, không được "khổ" như con".
Tôi cũng đưa cho con chiếc áo mặc đi làm của bố, chiếc áo dù đã giặt nhưng vẫn thoang thoảng mùi dầu mỡ, để con tự cảm nhận.
Con tôi đã im bặt sau khi cầm chiếc áo. Sau hôm đó, không thấy con than vãn thêm lần nào.
Làm cha mẹ, đôi khi chúng ta phải lựa chọn giữa việc dỗ dành và dạy dỗ. Tôi không mong con trở nên cứng rắn hay chịu khổ như Maeve, nhưng tôi mong con biết nhìn ra ngoài chính mình, để thấy rằng mọi người đều đang cố gắng theo cách riêng.
Câu nói của Maeve khiến tôi nhận ra: Thương con không có nghĩa là bao bọc, mà là giúp con hiểu được giá trị của nỗ lực và lòng biết ơn. Đời ai cũng mệt, nhưng cách mỗi người đối diện với sự mệt mỏi mới làm nên khác biệt.
Tôi không nghĩ chỉ một câu nói, một chiếc áo của bố sẽ thay đổi con mãi mãi, nhưng tôi tin, đó là một bước nhỏ để con bắt đầu trưởng thành – không phải vì bị ép, mà vì bắt đầu hiểu. Và đó chính là điều mà mỗi bậc cha mẹ đều mong chờ.
Lời khuyên tôi muốn gửi đến những người làm cha làm mẹ giống mình: Đừng ngại nói thật với con, đừng ngại để con thấy mình vất vả. Trẻ con không cần cha mẹ hoàn hảo, chỉ cần cha mẹ chân thành và nhất quán. Sự trưởng thành đôi khi không đến từ việc được yêu thương nhiều, mà từ việc được thấu hiểu đúng cách.