Người yêu Hà Nội xót lòng tiễn những tán cây xanh bị chặt hạ

Trang Trần,
Chia sẻ

Thời gian gần đây, việc chặt cây ở Hà Nội để trồng thay thế mới hàng loạt cây xanh trên một số tuyến đường khiến nhiều người xót xa, tiếc nuối buông lời tiễn biệt những hàng cây gắn bó lâu năm.

Những ngày gần đây, việc chặt hàng loạt cây xanh lâu năm trên nhiều tuyến phố Hà Nội để thay thế cho “đồng bộ” đã khiến nhiều người yêu Hà Nội, yêu màu xanh đặc trưng của thành phố này xót xa. Nhiều người đã bày tỏ cảm xúc luyến tiếc trên mạng xã hội.

Trên trang cá nhân của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến xã hội như nhà báo Trần Đăng Tuấn, Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà báo – blogger Phan Anh… những chất vấn, suy ngẫm và cả tình cảm với cây xanh Hà Nội được đăng tải. Không đặt vấn đề quy hoạch hay bài toán đô thị, nhà thơ Hồng Thanh Quang lặng lẽ đưa bức ảnh mình đứng cạnh một Hồ Gươm mướt xanh với vài dòng chữ: “… Tôi nghĩ rằng, những ai đã gắn bó từ thuở ấu thơ với Hà Nội sẽ rất đau lòng khi phải giã từ vĩnh viễn với những ký ức xanh rêu của kinh thành một thuở… Hay phải chứng kiến 
những đổi thay không làm đẹp hơn những vật chứng, nhân chứng của tuổi thơ mình…
”.


Status của nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Blogger sắc sảo Phan Anh cũng vừa đăng tải trên trang cá nhân đôi lời mà chị đặt tựa đề là “Cây xanh ở Hà Nội”, trong đó, chị kể, “ta” và nhân vật tên Xíu cùng đi qua những nẻo đường Hà Nội, để ngắm phố Phan Đình Phùng: “Con đường này ta thường gọi là "Những con đường dưới vòm cây tăm tối". Đây là cây sấu đấy, đang rụng lá kia kìa, chỉ 1 tháng nữa thôi là sấu rụng đầy hoa, mùi mát mẻ lắm. Cả những cây xanh kia nữa, là cây hoa Sưa trắng (thàn mát), giờ hết sạch hoa rồi, nhưng lá non có đẹp không? Còn cây này là bằng lăng, mùa này nhú đầy lá màu nâu bé xíu. Còn cây này là sưa đỏ (trắc nhội). Còn cây này là cơm nguội, có biết cái câu "Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng" không? Đấy cái ông nhạc sĩ đấy nói sai rồi nhé, mùa Đông cơm nguội mới vàng cơ”, để chiêm ngưỡng phố Hoàng Diệu, nơi được gọi là đường tình yêu “vì con đường này, toàn xà cừ là xà cừ, đến mùa lá đổ, vàng ngập. Nên trẻ con lớn lên biết yêu, mộng nghĩ rằng nếu được ai đó chở ngang qua con đường này vào mùa lá đổ, thì sẽ yêu nhau mãi mãi”.


Bức ảnh và bài viết của blogger Phan Anh nhận được nhiều phản hồi từ bạn bè và những người theo dõi trang cá nhân của chị.

Rồi chị viết, nhẹ nhàng thôi, chẳng khác mấy so với ta nghe bạn bè kể chuyện, nhưng thấm thía một nỗi đau của một người đã gắn bó, đã yêu Hà Nội tự thuở bé thơ: “Ta nhận ra, ta lớn lên trong lòng Hà Nội bình yên đẹp đẽ yêu thương gắn bó biết mấy với mấy cái cây tưởng vô tri này. Cây trên phố trên đường, là hồn là vía của cái đất này đấy. Biết không? Nên sáng nay ta nghe tin ai đó tính chặt tới 6.700 cái cây trên phố Hà Nội, trong đó có cả xà cừ và bằng lăng vì cho rằng "không hợp với cảnh quan đô thị", ta cảm thấy như bị tát một cái nổ đom đóm mắt, cảm thấy như bị phản bội… Ta muốn hỏi người, có biết tên mấy loại cây trên đường Hà Nội không? Nếu biết, trước khi chặt, hãy chào chúng một câu”.

Rất nhiều người khác đồng cảm với Phan Anh, như những người đã nhấn nút “like” fanpage 6,700 người vì 6,700 cây xanh chẳng hạn. Vừa được lập giữa tháng 3/2015, fanpage này lập tức thu hút sự chú ý của dân mạng, chỉ 3 ngày đã có lượt like tăng với mức độ chóng mặt, sắp chạm mức 25.000 lượt like và vẫn còn tiếp tục tăng. Tại đây, những thông tin về kế hoạch chặt cây, những hình ảnh xúc động cũng như những chia sẻ của nhiều người về cây xanh ở Hà Nội được đăng tải. 



Thông điệp được fanpage chia sẻ.

Fanpage chia sẻ status của bạn trẻ Hoàng Thùy Linh: “Trường Đại học của mình ở trên đường Nguyễn Trãi, từ mấy tháng trước người ta đã mang xe tải, cưa máy đến cưa cây rồi. Ngày nào đi học qua, nhìn thấy cây bị cưa thưa dần cành lá rụng đầy đường dù chưa gắn bó nhiều nhưng đã thấy nao nao tiếc thương đôi chút. 

Lúc đấy mình nghĩ thương cây quá, định bụng sẽ gắn nơ vàng tưởng nhớ lên từng cây trước khi nó bị chặt hạ vì mình tin cây cối cũng như con người đều có linh hồn. Không cứu được cây bị chặt thì cũng là tình cảm, vẫn còn có người quan tâm đến sự tồn vong của cây. Ý nghĩ đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu, nhưng rồi mình lại sợ, sợ người ta bảo mình là điên, sợ người ta bảo mình là rỗi việc, sợ trở thành một cái gì đó khác với bình thường.
Ngày hôm nay khi thấy càng ngày càng nhiều cây bị chặt, cả hàng hoa sữa trên đường đi học suốt mấy năm cấp 3 cũng không còn. Cảm thấy bản thân thật hèn nhát khi chỉ bất lực nhìn mọi thứ diễn ra còn mình thì chỉ biết sợ. Nếu như quay ngược lại thời gian, chắc chắn hàng cây cổ thụ đường Nguyễn Trãi sẽ có nơ vàng, dù mình có bị gọi là điên đi nữa!


Giống như Linh, nhiều bạn trẻ đã đi tìm những cái cây bị đánh dấu X và gắn lên đó những khẩu hiệu như: “Tôi là một cái cây khỏe mạnh” hoặc đeo nơ vàng – khăn tang nhớ tiếc những cái cây. Những bức ảnh trẻ em ôm hôn cây xanh như lời được dạy “Hãy yêu môi trường” cũng khiến nhiều người rung 
động. 

Những hình ảnh cảm động được fanpage chia sẻ.

Trên trang cá nhân của mình, nhiều người cũng bày tỏ niềm yêu, nỗi nhớ với những cái cây. Không phải người gắn bó cả tuổi thơ với Hà Nội, không có quá khứ thiếu thời gắn với Hà Nội mà cô gọi là “kha khá bụi bặm, ô nhiễm, chen chúc nhau”, nhưng “lâu dần em thấy cái còn lại để yêu Hà Nội là những hàng cây, những mùa hoa... Nhưng than ôi, một hôm trên đường đi làm quen thuộc của em, em bỗng thấy trống hơ trống hoác. Đâu rồi, bạn mình đâu rồi, sao đang đứng thẳng hàng mát mẻ thế, sao lại phải thay, thay thì đến khi nào bạn em mới về?”.



Một fanpage khác cũng chia sẻ những thông tin, hình ảnh về cây xanh Hà Nội.

Hoặc lời tâm sự rất chân thành của một chàng trai có nick Tú Nguyễn: “Hôm qua phi xuống nhà ngoại. Con đường toàn hoa sữa đã bị đốn gần hết. 4 năm yêu nhau năm nào cũng đợi đến mùa hoa sữa để hít hít ngửi ngửi. Hôm qua đi cứ thấy lạ hoắc, trống trải và hoang tàn, xa lạ. Sắp tới con đường Yên Phụ chắc cũng bị đào sặt, chặt cụt, con đường toàn những xà cừ ngày xưa ông nội đèo đi học, bố đèo đi chơi, mẹ đèo đi làm, và mình đi làm hằng ngày cũng sắp giống các con phố còn lại. Xa lạ ở ngay những con phố quen thuộc. Nắng toác đầu vào mùa hè, cửa nhà máy nước không còn mát rượi như xưa nữa. Có một cái gì đó đã mất đi. 50 năm nữa chưa chắc nó quay lại...! Năm ngoái Nguyễn Văn Cừ chặt hết cây to và thay bằng cây đại thụ như cổ tay, mình đi làm nắng toác đầu, chắc đến 20 năm nữa cũng vẫn chưa có bóng mát trở lại…

Mai Phương, một người mẹ trẻ cũng trải lòng trên trang cá nhân, viết cho mình mà như viết cổ tích cho cô con gái nhỏ: “Những ngày này, mình cố gắng đọc càng ít càng tốt, cảm giác xót xa cứ òa vào lồng ngực. Mình định dành thời gian đi một vòng tạm biệt những gốc xà cừ đã gắn bó với mình suốt những năm tháng 19, 20. Nhưng thôi. Mình sợ mình không kìm được nước mắt.

Mình nghiện cảm giác đêm khuya, đi dưới ánh đèn vàng, dưới những tàng cây. Có một dạo, năm mình 20 tuổi, bạn bè thuê chung 1 căn nhà ở phố cổ. Cứ đêm xuống, cả bọn lại đi ăn đêm, mua mỳ gói ở cửa hàng tiện ích 24 giờ đắt cắt cổ, và vừa đi vừa lắng nghe tiếng xà cừ lạo xạo dưới chân.
Những năm tháng ấy, vào những ngày đẹp trời, chúng mình đi xe đạp, hoặc xe máy cà tàng dưới những càng cây mướt mát. Vừa đi, vừa ngẩng đầu lên, thấy ngập trong mắt một màu xanh...

Những năm tháng ấy, khi vào Sài Gòn, mình ở Quận 1, trong 1 khách sạn nhìn ra hàng cây thẳng tắp, cao vời vợi. Mình đã có sự so sánh đầu tiên, ở Hà Nội, những cái xây xù xì hơn, mộc mạc hơn, hay uốn thành vòm, che chở.

Mình đã từng nói với con gái "Nhanh lớn nhé, rồi mẹ sẽ đưa con đi chụp ảnh, vào mùa lá xà cừ rụng vàng đường". Con gái mình sẽ lẫm chẫm bước lên thảm lá vàng, sẽ giật mình nghe tiếng lá vỡ, sẽ có khái niệm đầu tiên về "Hà Nội" trong đầu…

Những ngày này, mình chẳng biết lý do là gì, chẳng cần biết tương lai thế nào... Cứ nhìn những gốc cây trơ ra trong những bức ảnh, nhìn những dải ruy băng vàng buộc thành nơ, vòng qua gốc cây trên dấu x vàng đánh dấu điểm chặt... là mình lại muốn cuốn gói khỏi cái thành phố trơ trụi và xơ xác này.
Những cái cây sinh ra trước chúng ta, tại sao chúng ta lại cho là sự tồn tại của chúng ảnh hưởng đến sự tồn tại của chúng ta?



Status đầy trăn trở của Mai Phương.
Chia sẻ