Nhìn lại nhan sắc, cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa

Quỳnh Trang,
Chia sẻ

Họ đều mang vẻ đẹp nức tiếng, gia thế kim chi ngọc diệp. Thế nhưng, cuộc đời cho họ điều này, thì cũng mang đi điều khác...

Hà thành xưa có nhiều mỹ nhân sắc nước hương trời... Ai nấy đều gây ấn tượng bởi vẻ đẹp nức tiếng, gia thế kim chi ngọc diệp. Thế nhưng, cuộc đời cho họ sắc đẹp, thì cũng lại đưa về cho họ một số phận long đong trắc trở...

Bạch Thược – mỹ nhân mang tên một loài hoa

Bạch Thược sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội với cái tên được đặt theo một loài hoa được danh y Hoa Đà phát hiện. Lúc bấy giờ, cha mẹ bà đã có 3 cô con gái và rất mong đây sẽ là cậu con trai nối dõi tông đường. Tuy mọi chuyện không được như ý muốn, Bạch Thược vẫn được cha mẹ cưng chiều và không bị ép buộc phải sống theo khuôn phép cũ.

Vốn kế thừa nhan sắc từ người mẹ từng là giai nhân nức tiếng đất Nam Định một thời, nhan sắc của chị em nhà Bạch Thược làm nức lòng khắp các tỉnh gần xa, nhất là bà. Bạch Thược đã khiến không biết bao nhiêu chàng trai phải si mê, say đắm.

Đầu năm mới, nhìn lại nhan sắc cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa - Ảnh 1.

Nhan sắc xinh đẹp nền nã tuổi đôi mươi của Bạch Thược.

Bạch Thược có người chị thứ hai tên là Kim Thoa, một giai nhân khác của đất Hà Thành. Bà Kim Thoa khi ấy có mối quan hệ với Vũ Sơn là người học cùng trường, nhưng số trời không nên duyên cho hai người. Tuy vậy,cha của Bạch Thược rất quý Vũ Sơn, cụ đã động viên và hứa hẹn sẽ gả cô con gái thứ tư cho ông. Lúc này, Bạch Thược lại phải lòng một chàng bác sĩ quân y khác cho nên trong lòng luôn đau đáu sự giằng co giữa tình yêu và lời ước hẹn của bố.

Đầu năm mới, nhìn lại nhan sắc cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa - Ảnh 2.

Năm chị em nhà Bạch Thược.

Sau hàng tháng suy nghĩ, bà quyết định chia tay chàng bác sĩ và đến với Vũ Sơn. Chàng trai thất tình khi ấy đã viết cho bà Bạch Thược một bức thư dài rất cảm động. Bạch Thược giữ kín lá thư đó như một bí mật trong nhiều năm trời, như một bảo vật thiêng liêng về một mối tình đầu tiên trong cuộc đời, cho đến tận ngày làm đám cưới, bà đã tự tay đốt nó thành tro.

Khi đã về già, mỹ nhân Bạch Thược vẫn sống ở Hà Nội nhưng chỉ có một mình, các con bà đã trưởng thành và đi xây dựng cuộc sống riêng. Dẫu vậy, bà vẫn không cảm thấy cô đơn mà thường xuyên nhớ lại những ký ức của ngày xưa cũ. Bà thường kể lại những năm tháng đó một cách hào hứng. Bà cho biết rằng thời đó, những người con gái như bà, không quá ý thức về nhan sắc của mình cho nên hầu như không bao giờ tiếp xúc với con trai, thậm chí nhiều khi còn chạy trốn những cuộc chuyện trò. Tâm hồn bà tuổi 20 trong veo, không vướng bận một chút về tình yêu. Có thể nói, so với những cái tên ngày xưa như Phượng hàng Ngang, Síu Cột Cờ, Bính hàng Đẫy... thì bà Bạch Thược là mỹ nhân có cuộc sống bình lặng và đáng ngưỡng mộ nhất.

Đầu năm mới, nhìn lại nhan sắc cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa - Ảnh 3.

Khi về già, bà vẫn còn giữ được nét đẹp xao xuyến lòng người của cô thiếu nữ Hà thành năm nào.

Phượng Hàng Ngang – lời nguyền "hồng nhan bạc mệnh"

Phượng hàng Ngang hay Vương Thị Phượng là con gái cưng của thương gia Vương Toàn Thắng, một nhà buôn bán tơ lụa giàu có ở phố cổ. Là tiểu thư lá ngọc cành vàng, lại được thừa hưởng sắc đẹp của mẹ nên từ khi mới sinh ra, cô Phượng sở hữu một làn da mềm mại và trắng nõn nà như trứng gà bóc, vóc dáng mềm mại, gương mặt thanh tú. Người Hoa kiều ở Hàng Ngang nói rằng, cô có cặp lông mày "yên my" (lông mày như mây khói), cặp mắt "bán thụy phượng hoàng" (con phượng hoàng nửa thức nửa ngủ, nghĩa là mắt mơ màng say đắm).

Đầu năm mới, nhìn lại nhan sắc cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa - Ảnh 4.

Chân dung cô Phượng hàng Ngang với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, cô Phượng còn nổi tiếng là người thông minh. Bố cô mời nhiều thầy giáo về dạy con học chữ, cầm kỳ thi họa. Cô vốn là người sáng dạ, học một biết mười. Ngày đó có không biết bao nhiêu công tử Hà thành si mê nhan sắc của cô, theo đuổi và mơ ước được lấy cô Phượng làm vợ. Cùng vì đây mà cuộc đời của một mỹ nhân đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác.

Sau này, Phượng được cha gả cho A Đẩu, cháu ruột của một nhà tư sản chuyên buôn bán lụa ở phố hàng Đào. Về làm dâu thời gian đầu, Phượng được sống, cưng nựng không khác gì bà hoàng, đặc biệt là sau khi sinh được cậu con trai. Ngày ngày cô chỉ việc ngồi bán hàng cùng mẹ chồng mà không phải động tay vào bất kỳ việc gì bởi đã có kẻ hầu người hạ. Tuy nhiên, chồng của cô với lối sống công tử đã đẩy mỹ nhân Hà thành này vào bước khốn đốn.

Sống lâu mới biết, A Đẩu không hề yêu thương gì Phượng. Với anh ta, việc lấy cô chỉ như một "chiến tích" để khoe với bạn bè, như một chiến lợi phẩm, một thứ đồ trang trí đắt tiền cho sự giàu sang của mình. Thậm chí, y còn là kẻ thiếu tinh tế, ăn nói cục cằn, vũ phu, mê cờ bạc, gái gú. Khi có chuyện gì bực dọc, anh ta sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Không biết bao đêm cô phải khóc vì chồng ngang nhiên "gái gú" trước mặt cô.

Đầu năm mới, nhìn lại nhan sắc cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa - Ảnh 5.

Vì cuộc hôn nhân "thách đố" oan nghiệt mà mỹ nhân được bao người săn đón một thời đã trở nên ngày càng héo hon.

Vì những năm tháng này, vẻ rạng rỡ tươi trẻ đã không còn sáng lấp lánh trong đôi mắt nàng nữa mà thay vào đó là sự u buồn đến tột độ. Chính lúc này, một mối tình khác đã đến với cô. Phượng đã gặp gỡ và rung động trước nhà báo Hoàng Tích Chu, người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc. Cô đi theo tiếng gọi của tình yêu vào tận Sài Gòn và để lại cho gia đình bức thư từ biệt.

Tuy nhiên, cuộc tình đẹp cũng chẳng kéo dài được bao lâu khi Tích Chu sang Pháp học và không mang cô theo được. Ông đành bảo cô về Bắc Ninh tìm gia đình mình nhưng cha của Tích Chu không đồng ý nên sai người đưa Phượng về xin lỗi chồng để trở lại, nhưng bị từ chối. A Đẩu không chấp nhận vợ. Bản thân cô cũng không muốn về sống chung với người chồng đó nữa. Lúc này vợ chồng thương gia Vương Toàn Thắng đều đã qua đời. Cô Phượng đành phải làm nghề buôn bán nuôi thân.

Đầu năm mới, nhìn lại nhan sắc cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa - Ảnh 6.

Phố Hàng Ngang, nơi diễn ra cuộc tình đẫm lệ của cô Phượng.

Có lần buôn không thành, cô Phượng bị lừa hết vốn liếng tài sản nên đành nhờ cậy đến kẻ đã từng si mê mình tên là Lưu. Nào ngờ, vợ của người này có máu ghen nên phá đám, không cho chồng thuê nhà riêng cho Phượng. Mọi thứ lại sụp đổ ở đây.

Phượng quẫn quá về Hưng Yên lên chùa xin xuất gia và lại được một người đàn ông tên Bách xin về làm vợ lẽ. Vợ cả của Bách ban đầu thì ngọt ngào nhưng không ngờ đã ủ mưu độc phía sau. Ngày Bách được chuyển đi Lai Châu, bà cả đã sai người đầu độc Phượng khiến cô hóa điên lúc tỉnh lúc mê, người gầy rộc đi.

Phượng cuối cùng lưu lạc về Gia Lâm sống cùng bà lão tốt bụng. Tuy nhiên vì quá nghèo nên cuối cùng cũng phải gửi cô vào nhà thương. Chỉ một tuần sau, cô Phượng qua đời. Cả cuộc đời cô Phượng đã khiến không biết bao nhiêu gã đàn phải si mê nhưng đến khi chết lại chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô một tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Bính Hàng Đẫy – bông hồng may mắn

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính sinh năm 1915 và là con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước những năm 1930. Vì nhà có điều kiện nên ngay từ nhỏ, bà Bính đã được sống trong nhung lụa và hoàn toàn không phải lo lắng đến chuyện tiền bạc. Cuộc sống của bà cứ như vậy tiến lên theo quỹ đạo vốn có của một tiểu thư nhà giàu.

Với nước da trắng ngần và đôi mắt đẹp như bồ câu, cô Bính thường chọn cho mình những bộ đồ màu đen giản dị. Cũng bởi thói quen này, giai nhân được nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là "người đàn bà áo đen". Thế nhưng, tuyệt nhiên hai người chưa một lần gặp mặt, dẫu rằng tình trong như đã. Và những vần thơ tuyệt vời trong tập "Ngày xưa" đã ra đời từ đó. Những bài thơ như "Sơn Tinh, Thủy Tinh", "Tay ngà", "Chùa Hương"… đều phảng phất bóng dáng giai nhan Đỗ Thị Bính. Người đẹp cũng hiểu được tình cảm của công tử Pháp, nhưng tình thì có, duyên thì không. Nguyễn Nhược Pháp đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì bệnh lao vào năm 1939.

Đầu năm mới, nhìn lại nhan sắc cuộc đời của tam đại mỹ nhân Hà thành xưa - Ảnh 7.

Nhan sắc xinh đẹp, thanh tao của cô Bính Hàng Đẫy thưở nào.

Sau khi Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về, tên Bùi Tường Viên - em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và là một kỹ sư của Việt Nam. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).

Cô Bính cuối cùng cũng đi lấy chồng và chôn vùi mối tình với chàng thi sĩ. Tuy vậy, chắc chắn những năm tháng thanh xuân làm bạn với thơ văn đã theo bà đi hết cuộc đời. Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Theo lời của bà Bùi Thị Mai, con gái ruột của giai nhân Đỗ Thị Bính, mặc dù là người có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó, thế nhưng mẹ bà không hề có tính kiêu sa của những tiểu thư khuê các. Trái lại, bà Bính nhất mực hòa đồng, giản dị và gần gũi với mọi người. Giai nhân Bính không coi vẻ đẹp của mình như là một thứ "vũ khí"... Đấy cũng là một trong những điều làm nên nét thanh lịch của người Tràng An.

Tuy dang dở một chuyện tình nhưng trong những mỹ nhân của đất Hà thành, cô Bính vẫn là người được sống may mắn và hưởng những điều tốt đẹp so với những người còn lại.

Tam đại mỹ nhân Hà thành xưa, mỗi người một số phận nhưng danh tiếng mà họ để lại thì vẫn còn mãi, về những cô nương có nhan sắc nức tiếng đất Hà thành xưa...

Chia sẻ