Nhìn lại kỳ thi vào lớp 10 đặc biệt chưa từng có của Hà Nội
Hôm nay (16/6), Ban chấm thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội bắt đầu làm việc. Dự kiến, ngày 29/6 sẽ ghép điểm cho thí sinh và chậm nhất ngày 30/6 sẽ công bố điểm.
Sau 4 ngày tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên; THPT chuyên và thi tuyển hệ song bằng, đến hết ngày 15/6 có thể nói Hà Nội đã tổ chức một kỳ thi thành công trong bối cảnh có dịch COVID-19.
Không riêng phụ huynh và chính những những giáo viên, hiệu trưởng cũng phải thốt lên: “Lứa học sinh lớp 9 năm nay rất vất vả”. Từ năm ngoái đến nay, các em trải qua nhiều đợt dừng đến trường vì dịch COVID-19, phải học trực tuyến. Dù thầy cô, học sinh có nỗ lực đến đâu, việc học trực tuyến sẽ có những bất lợi, thiệt thòi cả kiến thức lẫn tâm lý lo lắng, áp lực của các em.
Hơn 93.000 thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10, trong đó sẽ chỉ có 62% thí sinh thi đỗ điều này khiến thí sinh rất căng thẳng. Nếu trượt, các em sẽ có nhiều cơ hội khác nhưng dường như, việc học nghề, học trường ngoài công lập nào đó chưa phải là lựa chọn của một bộ phận lớn phụ huynh, học sinh trong thời điểm hiện nay. Theo số liệu của các nhà trường, Phòng GD&ĐT trước đó, mới chỉ có khoảng 5-10% học sinh chọn học nghề.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội ban đầu dự kiến tổ chức ngày 30-31/5. Tuy nhiên sau đó, Hà Nội nhận thấy học sinh phải nghỉ “dừng đến trường” vì dịch bệnh việc ôn tập gặp khó khăn nên quyết định lùi thời gian tổ chức kỳ thi sang ngày 10-11/6 để các em có thêm thời gian ôn tập. Lúc này, nhiều phụ huynh, giáo viên mong muốn Hà Nội hủy bỏ môn thi thứ 4 (môn Lịch sử) như năm ngoái nhằm giảm áp lực cho thí sinh. Tuy nhiên, Hà Nội khẳng định không giảm môn thi cũng khiến học sinh, phụ huynh lo lắng, căng thẳng hơn.
Từ đầu tháng 5/2021, tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội phức tạp, buộc phải đóng cửa trường học, một lần nữa học sinh lớp 9 cũng phải học trực tuyến để chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều phụ huynh cho biết, các em phải “cắm mặt vào máy tính cả ngày” học trực tuyến theo chương trình của trường, học thêm các môn cộng với việc không được đi ra ngoài vui chơi, giải trí khiến học sinh căng thẳng. Có em căng thẳng đến phát khóc.
Chưa hết, đến đầu tháng 6, tình hình dịch ở Hà Nội vẫn xuất hiện một số ca. Đã có địa phương tổ chức xét tuyển cho học sinh lớp 9 lên lớp 10. Việc Hà Nội tổ chức một kỳ thi cho hơn 93.000 thí sinh dự thi, huy động 14.500 cán bộ, giáo viên làm thi và các lực lượng hỗ trợ khác sẽ rất căng thẳng vì làm sao vừa đảm bảo quy chế thi vừa đảm bảo công tác phòng dịch.
Khi đó, một lần nữa, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất phương án lùi kỳ thi lại 2 ngày và rút ngắn thời gian làm bài thi cho thí sinh. Việc lùi thời gian lại 2 ngày (12-13/6) là để kỳ thi rơi đúng ngày cuối tuần, đường sá vắng vẻ, các lực lượng có thời gian dồn hết tâm sức hỗ trợ kỳ thi. Quyết định rút ngắn thời gian làm bài các môn Toán, Ngữ văn từ 120 phút xuống còn 90 phút; Ngoại ngữ, Lịch sử 60 phút xuống còn 45 phút khi đó cũng gặp rất nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh, giáo viên vì họ lo cấu trúc đề sẽ thay đổi.
Phải kể đến, thời điểm này đã có địa phương quyết định cho học sinh xét tuyển lớp 10 như (Bà Rịa - Vũng Tàu), cũng có nhiều địa phương quyết định lùi kỳ thi như Bắc Giang, Bắc Ninh... Khi đó, Hà Nội cũng có những ý kiến cho rằng, tại sao không xét tuyển hoặc lùi kỳ thi đến khi dịch COVID-19 được đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, sau này, trả lời báo chí ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT nói rằng, nếu tiếp tục lùi lại sát thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT công tác tổ chức sẽ gấp gáp, khó khăn. Còn nếu lùi sau thời gian đó, không biết đến bao giờ mới tổ chức được. Một lần quyết định lùi thời gian tổ chức thi là một lần "cân não" vì gây xáo trộn cho thí sinh, phụ huynh.
Kỳ thi lịch sử với nhiều điều chưa từng có
Những người làm công tác tổ chức thi năm nay nói rằng, kỳ thi năm nay là kỳ thi lịch sử với những điều chưa từng có. Từ khâu chuẩn bị chưa năm nào lo lắng, vất vả như năm nay. Cũng chưa năm nào, lãnh đạo TP đến từng điểm thi ở tất cả các quận, huyện, thị xã để kiểm tra công tác phòng dịch, chỉ đạo sát kỳ thi như năm nay.
Trước kỳ thi diễn ra, tất cả các điểm thi đều phải diễn tập tình huống tổ chức kỳ thi, trong đó đưa ra tất cả tình huống phát hiện thí sinh ho, sốt, khó thở từ cổng trường; từ phòng thi. Trước, sau mỗi buổi thi điểm thi lại phải phun khử khuẩn 1 lần.
Chưa năm nào, lực lượng y tế ở mỗi điểm thi được cử đến 8 người túc trực. Xe cấp cứu cũng được quận, huyện, thị xã thường trực đề phòng trường hợp xảy ra. Kỳ thi năm nay cũng không còn cảnh phụ huynh đội nắng, đội mưa ngóng con từ cổng trường. Nhưng mỗi điểm thi đều chu đáo mở cửa 2 trường học gần nhất để phụ huynh nghỉ ngơi, đợi con.
Riêng thí sinh, kỳ thi năm nay không được đến điểm thi trước 1 ngày để làm thủ tục đăng ký dự thi đã khiến hàng chục thí sinh ở nhiều điểm thi nhầm lẫn. Trước giờ thi, phát hiện đến nhầm điểm thi, thí sinh đã hoảng hốt và được lực lượng công an, thanh niên tình nguyện hướng dẫn, hoặc đưa đến điểm thi, kịp giờ thi. Thí sinh cũng được đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm bài thi, là một trong những bất tiện, nhưng các em đều tuân thủ.
Kỳ thi đã diễn ra trong những ngày mưa tầm tã, đúng thời điểm thí sinh đến phòng thi. Hình ảnh thanh niên tình nguyện che mưa thí sinh vào phòng thi; thanh niên tình nguyện cõng thí sinh đau chân lên tận phòng thi; thầy cô đôn đáo chạy đi tìm áo đồng phục cho học sinh đã ướt sũng kịp thay trước khi vào phòng thi; lực lượng an ninh phóng nhanh để kịp đưa thí sinh nhầm điểm thi đến đúng nơi, kịp giờ thi;… khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Có lẽ, trong khó khăn đó, thí sinh mới thấy sự quan tâm, lo lắng của tất cả lực lượng đổ đồn về cho các em, cho một kỳ thi nhằm đảm bảo sự an toàn.
Thầy cô Trường THCS Giảng Võ ứng cứu quần áo cho thí sinh thay vì bị ướt mưa. |
Đến thời điểm này, kỳ thi đã có thể nói là kết thúc thành công, không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Ở một số điểm thi, phát hiện một vài thí sinh có biểu hiện ho, sốt lập tức được phân luồng, cho thi phòng riêng ngay từ đầu.
38 thí sinh liên quan COVID-19 được Hà Nội cho phép nghỉ thi, xét tuyển đặc cách vào các trường THPT mà không liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trước đó. Đây được coi là quyết định vừa nhân văn vừa đảm bảo an toàn cho toàn bộ thí sinh, cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hôm nay Ban chấm thi bắt đầu làm việc. Dù kỳ thi có muộn hơn 2 ngày so với kế hoạch nhưng vẫn sẽ nỗ lực chấm thi để 29/6 bắt đầu ghép điểm. Muộn nhất 30/6, Hà Nội công bố điểm cho thí sinh.