Nhìn cuộc đời bi kịch của thần đồng 17 tuổi này, nhiều cha mẹ sẽ giật mình tự nhủ: Chỉ cần con khỏe mạnh là được!
Mọi người đều nghĩ rằng, Lâm Gia Văn sẽ trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng trong tương lai. Chẳng ai ngờ rằng, bi kịch sẽ xảy ra vào ngày 24/2/2016.
Trên thế giới từng xuất hiện rất nhiều thần đồng với trí tuệ thiên bẩm. Tuy nhiên, khi trưởng thành, không phải thần đồng nào cũng thành công. Dưới những áp lực, đánh giá của dư luận xã hội, nhà trường và sự nuôi dạy sai cách của gia đình, rất nhiều thần đồng đã hóa... người bình thường.
Trường hợp tiêu biểu nhất có thể kể đến Ngụy Vĩnh Khang, thần đồng Trung Quốc từng vào đại học năm 13 tuổi, học nghiên cứu sinh năm 17 tuổi, nhưng sau đó bị đuổi học vì không biết chăm sóc bản thân. Năm 2021, Ngụy Vĩnh Khang qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 38.
So với Ngụy Vĩnh Khang, một thần đồng khác của Trung Quốc có cuộc sống bi kịch hơn nhiều. Đó là Lâm Gia Văn, thần đồng nhảy lầu tự tử ở tuổi 18.
Xuất bản 2 cuốn sách khi chưa đầy 18 tuổi
Lâm Gia Văn sinh năm 1998 trong một gia đình khoa bảng ở Tây An. Bố mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại của cậu đều là giáo viên. Chịu ảnh hưởng của gia đình, Lâm Gia Văn đọc thơ và sách từ khi còn nhỏ và tôi luyện cho mình nội hàm phong phú.
Khi còn học tiểu học, Lâm Gia Văn đã thích tìm hiểu về lịch sử và luôn đặt ra câu hỏi cho bố mẹ, ông bà. Nhận thấy tiềm năng học tập của con, bố mẹ Lâm Gia Văn sớm có những định hướng, bồi dưỡng. Lên cấp THCS, Lâm Gia Văn đã tự viết một cuốn sách dài hơn 300.000 từ, với nội dung cực kỳ sâu sắc. Cuốn sách khiến cha mẹ Lâm vô cùng kinh ngạc, phải xác nhận mấy lần mới dám chắc chắn là do chính con trai viết.
Cuốn sách sau đó được xuất bản, nhưng danh tính của Lâm Gia Văn được giấu kín. Các nhà sử học đã rất ngỡ ngàng trước nội dung cuốn sách và đánh giá cao trình độ của người viết. Một giáo sư sử học còn nhận xét, đây chắc chắn là sách do một tiến sĩ viết ra.
Được biết Lâm Gia Văn rất khiêm tốn. Dù tài năng nhưng cậu không kiêu căng và không muốn trở thành tâm điểm của truyền thông. Khi phía nhà xuất bản muốn công bố thông tin cá nhân của Lâm Gia Văn, cậu đã từ chối và cho biết, mình chỉ muốn yên lặng học tập, nghiên cứu.
Trong thời gian học THCS, tài hoa, khối kiến thức khủng và khả năng phân tích sắc bén các vấn đề, sự kiện lịch sử của Lâm Gia Văn đã khiến cậu được giáo viên và bạn bè công nhận, trở thành ngôi sao sáng ở trường.
Cũng trong thời gian học THCS, Lâm Gia Văn đã xuất bản thêm một cuốn sách khác có tên "Nỗi buồn và niềm vui cho thế giới", gây chấn động làng văn học Trung Quốc. Một lần nữa dư luận nhận định "Điều này chắc chắn được viết bởi một học giả có trình độ cao".
Vì lợi ích của nhà trường và phụ huynh, Lâm Gia Văn đã chọn tiết lộ danh tính. Khi dư luận biết tác giả 2 cuốn sách đình đám còn chưa được 19 tuổi, đã có rất nhiều lời khen ngợi, cảm thán và cả nghi ngờ.
Sự nổi tiếng bất chợt khiến Lâm Gia Văn buồn vui lẫn lộn. Cậu vui vì nỗ lực của mình được công nhận, nhưng cũng lo lắng vì chịu nhiều sự nghi ngờ. Càng nổi tiếng, Lâm Gia Văn càng phải chịu nhiều áp lực.
Nói về Lâm Gia Văn, thầy Lưu, giáo viên lịch sử của cậu từng nhận xét: "Lâm Gia Văn đã đạt đến trình độ của giáo viên. Mỗi khi tôi dạy về lịch sử thời nhà Tống, tôi thậm chí còn phải quan sát phản ứng của cậu nhóc".
Thời điểm đó, trường Trung học Tây An đã tạo nhiều điều kiện cho Lâm Gia Văn trong việc học, để cậu có thể phát triển hơn nữa. Mọi người đều nghĩ rằng, Lâm Gia Văn sẽ trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng trong tương lai.
Chẳng ai ngờ rằng, bi kịch sẽ xảy ra vào ngày 24/2/2016.
Không nổi tiếng, liệu có hạnh phúc?
Thời gian sau khi nổi tiếng, Lâm Gia Văn không có tâm trạng tốt. Cậu thường tháo kính ra, đi vào phòng ngủ, nhìn quanh những tấm bằng danh dự, nhưng không cảm thấy vui. Nhiều lần, Lâm Gia Văn cau mày ngồi trên ban công, không biết tương lai, con đường của mình sẽ đi đến đâu.
Thế rồi vào ngày 24/2/2016, Lâm Gia Văn quyết định nhảy lầu. Khi cha mẹ của Lâm Gia Văn phát hiện ra, cậu đã tắt thở được một lúc. Tin tức "thần đồng lịch sử 18 tuổi" tự sát khiến dư luận chấn động, đặc biệt là những người hâm mộ sách của cậu.
Thật khó hiểu? Vì lẽ nào một người có tương lai tươi sáng lại chọn lựa kết thúc cuộc sống bi kịch như vậy?
Thực chất, việc Lâm Gia Văn tự tử không phải là "bất chợt" mà đã được báo ngay từ năm đầu tiên ở trường cấp 3. Khi mới vào cấp 3, Lâm Gia Văn không tích cực hòa nhập với các học sinh khác.
Cậu ấy đã cố gắng học với các bạn cùng lớp, nhưng vì "cảm giác cô đơn" có từ thuở nhỏ nên luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải hòa đồng với tập thể. Lâm Gia Văn không giao tiếp nhiều với mọi người để tập trung vào nghiên cứu lịch sử.
So với các bạn cùng lớp, Lâm Gia Văn cũng trưởng thành hơn, tính cách có phần buồn tẻ, lạc lõng giữa nhóm học sinh trẻ tuổi. Lâm Gia Văn - người "không hòa đồng" đã trằn trọc nhiều đêm khuya. Cậu không hòa nhập với đám đông, nhưng cũng không muốn cô đơn một mình. Sự xung đột trong suy nghĩ đã khiến Lâm Gia Văn mắc chứng trầm cảm nhẹ.
Sau khi phát hiện bệnh tình của Lâm Gia Văn, giáo viên đã liên lạc với gia đình, kết hợp để cùng tư vấn tâm lý của cậu. Khi thấy Lâm Gia Văn có những biểu hiện ổn định, mọi người ngỡ cậu đã ổn, nhưng thực chất đó chỉ là vẻ bề ngoài.
Thời điểm Lâm Gia Văn xuất bản cuốn sách thứ 2 và trở nên nổi tiếng, cậu đã hứng chịu đủ lời nghi ngờ, tiêu cực từ Internet. Dù tâm lý vững đến mấy thì Lâm Gia Văn khi ấy mới chỉ 17 tuổi, những lời tiêu cực trên mạng như dao cứa vào lòng cậu.
Nhìn bi kịch của Lâm Gia Văn, nhiều người không khỏi xót xa: Nếu không nổi tiếng, cuộc đời Lâm Gia Văn liệu có hạnh phúc?