Nhiều trẻ em bị hiếp dâm nhiều lần, trong thời gian dài
5 năm, xảy ra trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em - là thông tin trong 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng cục cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) trình bày tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Lộc
Tham dự hội nghị ngoài lực lượng Công an nhiều tỉnh thành trong cả nước, còn có đại diện của Bộ tư lệnh bộ đội Biên Phòng, Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ LĐTB &XH.
Hiếp dâm nhiều lần, trong thời gian dài
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng cục cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) cho biết số vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, lao động sớm có xu hướng gia tăng và là vấn đề bức xúc trong dư luận.
Từ năm 2011 đến tháng 6 - 2015 toàn quốc xảy ra 8.218 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em bị xâm hại so với giai đoạn 2006 - 2010.
Các loại án cố ý gây thương tích, giết trẻ em tăng, tình hình sử dụng trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, tồi tệ chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả, thậm chí có vụ nghiêm trọng, tồn tại trong thời gian dài.
Đáng lưu tâm, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm 70% số vụ trẻ em bị xâm hại.
“Có vụ trẻ em bị hiếp dâm khi còn rất nhỏ, có em bị hiếp dâm nhiều lần trong khoảng thời gian dài hoặc có em bị nhiều đối tượng hiếp dâm, xảy ra ở nhiều địa phương. Các loại tội phạm như bắt cóc, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, tổ chức cho trẻ em sử dụng ma túy, mại dâm…ngày càng phức tạp”., thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhấn mạnh.
Các địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gồm TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Vĩnh Long, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang.
Để xảy ra tình trạng này, theo báo cáo ngoài nguyên nhân từ hệ thống pháp luật, chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện…còn xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như hiện tượng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, từ phim ảnh đồi trụy, từ mạng internet…đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng cá nhân, gia đình.
Thuê nhà nghỉ quan hệ tình dục theo bầy đàn
Thiếu tường Hồ Sỹ Tiến cho biết, trung bình hàng năm xảy ra 10.000 vụ vi phạm pháp luật do gần 12.000 đối tượng ở lứa tuổi vị thành niên gây ra, trong đó trên 70% số vụ do trẻ em từ 16 - 18 tuổi gây ra.
Tình trạng thiếu niên tụ tập thành băng nhóm sử dụng dao lê, mã tấu đâm chém nhau, chống người thi hành công vụ…tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Trong số này, đáng chú ý có 40% tập trung ở trẻ em bỏ học, bỏ nhà sống lang thang, thậm chí sống theo bầy đàn, thuê nhà nghỉ ăn ngủ, quan hệ tình dục.
“Người chưa vị thành niên nghiện ma túy bị nhiễm HIV, mang thai sớm, hư hỏng, bỏ học vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với tính chất ngày càng nghiêm trọng”- thiếu tướng Tiến nói.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, một số vụ học sinh đánh nhau quay clip phát tán trên mạng gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, đào tạo.
|
|