Nhiều nước châu Âu thay đổi chiến lược tiêm vắc-xin Covid-19?
Việc áp dụng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 bắt buộc đối với một số bộ phận dân cư là biện pháp đang được chính phủ nhiều nước thực hiện.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã đề xuất các biện pháp phòng chống Covid-19, trong đó ảnh hưởng chủ yếu đến các nhân viên y tế. Nếu nhân viên bệnh viện và viện dưỡng lão không được tiêm phòng trước ngày 1/9, họ có nguy cơ bị mất việc làm.
Ngoài ra, Tổng thống Macron đã liệt kê những hạn chế đối với những người chưa được tiêm chủng. Với lời kêu gọi tiêm chủng bắt buộc, các nhà chức trách Pháp đang phản ứng trước sự lây lan của biến thể Delta. Cho đến nay, khoảng 39% cư dân của Pháp vẫn chưa được tiêm chủng. Sau bài phát biểu của ông Macron trên các phương tiện truyền thông mới đây, đã có gần 1 triệu người Pháp đã đăng ký tiêm chủng.
Trong khi đó, các nhà chức trách Đức khẳng định họ đang có quan điểm hoàn toàn ngược lại và không có ý định ép buộc người dân phải tiêm phòng trái với ý muốn. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công bố quyết định này vào ngày 14/7 với thái độ gay gắt: “Chúng tôi sẽ không đi theo con đường do Pháp đề xuất”.
Hãng tin Deutsche Welle của Đức cho biết, “chúng tôi đã thông báo sẽ không có tiêm chủng bắt buộc”. Nhưng về lâu dài cũng có thể xem xét, ví dụ, khi đi học từ mẫu giáo trẻ em phải được chủng ngừa bệnh sởi. Nhân viên của các cơ sở y tế và công cộng, bao gồm các giáo viên, cần được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Những người xin tị nạn và người tị nạn cũng được yêu cầu tiêm vắc-xin này không muộn hơn 1 tháng sau khi đăng ký vào nơi cư trú. Đến nay hơn 45% dân số Đức đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi người dân thận trọng trước những biến thể mới của Covid-19. Một vài tuần trước, chính phủ Anh đã thông báo việc tiêm chủng bắt buộc cho các nhân viên trong viện dưỡng lão. Yêu cầu tương tự cũng áp dụng cho các thợ làm tóc và các nhân viên phục vụ khác, cũng như các tình nguyện viên trong khu vực công. Đồng thời, Thủ tướng Anh trước sức ép của dư luận đã dỡ bỏ các hạn chế kiểm dịch từ ngày 19/7.
Tại Hy Lạp, nơi dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng, chính phủ nước này đang cố gắng đưa ra những quyết định cứng rắn để kiểm soát đại dịch. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis nói: “Chúng tôi sẽ không đóng cửa toàn quốc một lần nữa vì thái độ tiêm chủng của một số người”.
Tuy nhiên, theo ông Mitsotakis, trong tương lai gần người dân nước này sẽ chỉ được phép ở trong phòng kín nếu họ không tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên viện dưỡng lão cũng phải được tiêm vắc-xin phòng bệnh, nếu không họ có nguy cơ bị đình chỉ công việc.
Trước tình trạng bấp bênh của hệ thống chăm sóc sức khỏe Hy Lạp, không có gì ngạc nhiên khi các nhà chức trách nước này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Trong khi đó, ở Czech, việc tiêm chủng bắt buộc chống lại Covid-19 dường như chỉ là vấn đề thời gian. Bây giờ tất cả trẻ em trong nước phải được tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bao gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, sởi, rubella và quai bị. Nếu không có những mũi tiêm chủng này, đứa trẻ sẽ không được nhận vào bất kỳ trường mẫu giáo hoặc trường học nào. Cha mẹ nào không tiêm phòng cho con sẽ phải đối mặt với tiền phạt.
Với quan điểm của các nhà chức trách Czech, có thể thấy rằng vắc-xin Covid-19 cũng sẽ trở thành một phần của chương trình tiêm chủng bắt buộc. Theo Viện dịch tễ Robert Koch, số cư dân Czech được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 chỉ là 36%. Đây là một con số khá thấp so với các nước Liên minh châu Âu (EU) khác.
Theo trang thống kê Worldometer, tính đến 6h ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 200.187.759 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.257.752 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 581.423 và 9.267 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 180.478.496 người, 15.451.034 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 92.253 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ tăng vọt ca nhiễm, trở lại dẫn đầu thế giới với 88.342 ca mới; tiếp theo là Ấn Độ (42.566 ca) và Iran (39.019 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với ngày kỷ lục 1.604 người chết, tiếp theo là Nga (789 ca) và Ấn Độ (424 ca).