Nhiều người ở Bắc Giang nghi ngờ bị chảy máu do thuốc diệt chuột
Theo phân tích ban đầu của các chuyên gia, tại nơi 9 bệnh nhân sinh sống, một số nhà sử dụng bả chuột chứa thành phần warfarin nên không loại trừ khả năng chuột chết do ăn phải bả gây nhiễm độc nguồn nước.
Cả hai bố con đều mắc bệnh
Các mẫu vật được lấy tại 3 gia đình có người bị nhiễm bệnh. Các gia đình này không ở liền nhau, thậm chí có gia đình cách 7 km. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận, về độ tuổi và giới tính có cả người lớn và trẻ em, bệnh nhân lớn tuổi nhất 30 tuổi, nhỏ nhất 12 tháng tuổi.
Có 2 cặp bệnh nhân là bố con, anh chị em ruột, những bệnh nhân khác không có quan hệ huyết thống nhưng hầu hết sống gần nhau, chỉ có 1 trường hợp ở xa nhưng lại có quan hệ họ hàng, có qua lại gặp gỡ, ăn uống ở nhà các bệnh nhân bị bệnh.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu xuất huyết ở nhiều bộ phận: xuất huyết dưới da dạng mảng, chảy máu lâu cầm sau va chạm, đi tiểu ra máu… Các chẩn đoán ban đầu xác định thiếu hụt các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K nghi do nhiễm độc chất kháng vitamin K. Quá trình điều trị cho đến nay không có trường hợp nào bị biến chứng do chảy máu hoặc tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nữ, Trưởng khoa Đông máu, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho biết: Việc thiếu hụt các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc do mắc phải. Nguyên nhân do bẩm sinh rất hiếm gặp. Nguyên nhân mắc phải chủ yếu do thiếu hụt vitamin K hoặc kháng vitamin K.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều khả năng do ngộ độc thuốc diệt chuột có thành phần là Warfarin hoặc Super Warfarin (có tác dụng gấp 100 lần so với Warfarin). Các loại thuốc diệt chuột này hiện khá phổ biến trên thị trường có thời gian phân hủy dài nên có tác dụng ức chế hoạt tính vitamin K kéo dài trong nhiều tháng.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, hàng xóm sát nhà bệnh nhân Phạm Trà My (ở phố Mới, Cao Thượng) cho biết, có nhiều gia đình ở đây có sử dụng thuốc chuột để đánh bả chuột. Khu vườn rau nhà bà Thịnh dù ở gần đồng nhưng một năm nay không hề thấy một con chuột nào đến phá hoại. Tuy nhiên, bà Thịnh cũng không biết người dân đang sử dụng thuốc diệt chuột loại nào.
Theo thông tin của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cả 9 trường hợp mắc bệnh đều từ bệnh viện tuyến huyện và đi thẳng lên Viện Huyết học. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu cả nước có bao nhiêu trường hợp mắc bệnh này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học và truyền máu trung ương cho biết, đây không phải là “bệnh lạ” và Viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp điều trị căn bệnh này. Điển hình như tại Hải Dương cách đây vài năm có vụ ngộ độc phấn rôm (do chất Warfarin trộn lẫn với phấn rôm) khiến hàng chục trẻ nhập viện.
Tuy nhiên, vụ việc ở Bắc Giang nghiêm trọng ở chỗ các bệnh nhân đều khá gần nhau và đặc biệt phải điều trị nhiều lần. Thậm chí, có người là mẹ của bệnh nhân, lúc đầu kiểm tra mẫu máu hoàn toàn bình thường nhưng hơn 2 tháng sau người này cũng phải nhập viện vì xuất huyết.
Lúc đó kết quả kiểm tra cho thấy giảm nặng các yếu tố phụ thuộc vitamin K. Như vậy, rất có khả năng tác nhân gây bệnh vẫn còn tồn tại và có tình trạng nhiễm mới.
“Điều đáng lo hơn là vụ việc không chỉ xuất hiện ở một địa phương mà tại huyện Lạng Giang cách đó 30 km cũng có người nhiễm bệnh với những biểu hiện tương tự. Do vậy, câu chuyện không dừng lại ở cụm dân cư của thị trấn Cao Thượng mà không khéo có thể là toàn tỉnh Bắc Giang” - ông Trí nhận định.
Tại buổi tập huấn dành cho các bác sĩ của Bắc Giang hôm qua GS.TS Nguyễn Anh Trí và các bác sĩ của Viện Huyết học và truyền máu đã đưa ra phác đồ điều trị cho căn bệnh này. Ông Trí đề nghị, khi tiếp xúc với bệnh nhân có các biểu hiện tương tự, các bác sĩ tại Bắc Giang cần nghĩ ngay đến bệnh thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K.
Đồng thời, các cơ quan y tế của Bắc Giang cần tiếp tục tìm hiểu, xác minh nguyên nhân, cơ chế gây bệnh, tổng hợp số người bị mắc bệnh này trong thời gian qua để có xử lý tiếp theo. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho người dân để tránh hoang mang, kỳ thị đối với gia đình người nhiễm bệnh.
Tìm thấy chất độc trong máu bệnh nhân Ngày 11/12, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu máu của 2 bệnh nhân tìm thấy warfarin- chất chống đông máu kháng vitamin K. Theo các bác sĩ, nhiều loại thuốc chuột trên thị trường có thành phần này. Ths.Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia cho biết, kết quả xét nghiệm do Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện. Hiện vẫn chưa xác định được bệnh nhân nhiễm chất độc này từ nguồn nào. Tuy nhiên theo bác sĩ Mai, các chuyên gia y tế đang nghĩ đến khả năng bệnh nhân nhiễm chất độc từ nguồn nước. Theo phân tích ban đầu của các chuyên gia, tại nơi 9 bệnh nhân sinh sống, một số nhà sử dụng bả chuột chứa thành phần warfarin nên không loại trừ khả năng chuột chết do ăn phải bả gây nhiễm độc nguồn nước. |
Không phải bệnh lạ GS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc Việt Nam cho biết, chất warfarin có thể tồn tại trong môi trường đất, nước khoảng 60 ngày và giảm dần các ngày sau đó. Do thời gian phân hủy dài nên khi vào cơ thể người có thể tồn tại khoảng 1 năm, thậm chí lâu hơn. Các bác sĩ cũng đã xét nghiệm và xác định trong máu của các bệnh nhân đều có chất độc này. Tuy nhiên, cơ chế tiếp xúc của các bệnh nhân với các chất này như thế nào thì cần tiếp tục điều tra, xác minh kết hợp với xét nghiệm các mẫu vật để làm rõ. |