Nhiều người Nhật Bản không muốn nghỉ phép vì thấy không thoải mái
Theo một cuộc khảo sát những người lao động ở các nhóm tuổi khác nhau, chỉ số ít người lao động được khảo sát cho biết họ đã dùng hết số ngày nghỉ phép có lương hàng năm.
Khảo sát do công ty nhân sự Staff Service thực hiện vào tháng 7 cho thấy, chỉ khoảng 19% nhân viên từ 18 - 27 tuổi dùng hết số ngày nghỉ phép có lương hàng năm; nhóm tuổi từ 28-42 thì chỉ có 18% và tỉ lệ nghỉ phép đạt mức thấp 16% đối với người lao động trong độ tuổi 43-52. Ngay cả độ tuổi 53-62, nhóm người lao động có nhiều khả năng sử dụng hết số ngày nghỉ phép có lương của mình nhất, thì con số vẫn chỉ ở mức 22,6%.
Thông thường, nhân viên toàn thời gian của các công ty Nhật Bản sẽ khởi đầu với 10 ngày nghỉ phép có lương mỗi năm và cứ mỗi năm làm việc sẽ được tăng thêm một ngày, tối đa là 20 ngày. Hầu hết người lao động được hưởng 16 ngày nghỉ phép trong năm. Tuy nhiên, 43,7% người tham gia khảo sát thừa nhận cảm thấy “không thoải mái” khi họ gửi đơn xin nghỉ phép.
Ken Kato - chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Tokyo cho biết, văn hoá làm việc của Nhật Bản có thể hơi lạ lẫm đối với người ngoài nhưng đều bắt nguồn từ truyền thống. Cách đây chưa đầy hai thế kỷ, hầu như mọi người ở Nhật Bản đều là nông dân chuyên trồng trọt để kiếm sống. Vì tất cả hàng xóm láng giềng đều hỗ trợ nhau trồng lúa và thu hoạch, nên nếu ai đó trong cộng đồng không giúp đỡ thì họ sẽ khiến mọi người thất vọng và bị coi là lười biếng và ích kỷ.
Ông Ken Kato nhận định, thái độ đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay ở hầu hết các công ty và tổ chức. Nhiều người không muốn nghỉ hết ngày phép có lương vì cảm thấy các đồng nghiệp sẽ phải làm nhiều việc hơn thay phần mình, trong khi bản thân thì được nghỉ ngơi và tận hưởng những chuyến đi. Tương tự, việc không nghỉ lễ được coi là thể hiện cam kết vì lợi ích lớn hơn cho tập thể.
Ở tuổi 73, Makoto Hosomura đã hoãn nghỉ hưu vì ông thích công việc bán rượu vang nhập khẩu cao cấp và hiếm khi cảm thấy cần phải nghỉ ngơi.
“Tôi luôn có rất nhiều việc phải làm nên nếu nghỉ phép vài ngày, việc bắt kịp tiến độ công việc sẽ khó khăn hơn. Tôi cũng không thể yêu cầu đồng nghiệp làm thay phần việc của mình khi nghỉ phép. Ngoài ra, vì đã mất nhiều năm để xây dựng mối quan hệ tốt với những khách hàng thân thiết, điều đó có thể bị ảnh hưởng nếu tôi nghỉ ngơi. Ngay cả khi được nghỉ, tôi cũng không thể thư giãn hoàn toàn vì chỉ nghĩ về công việc”, ông chia sẻ.
Năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận rằng có những vấn đề trong phong cách làm việc bảo thủ và lỗi thời của quốc gia này. Nhật Bản phải công bố kế hoạch áp đặt giới hạn làm thêm giờ ở mức 45 giờ/tháng, giới hạn 100 giờ/tháng khi bận rộn hơn. Hậu quả của sự tận tâm với nơi làm việc này thể hiện rõ nhất ở tình trạng làm việc đến chết (karoshi), khiến vào năm 2017, có đến 2.159 vụ tự tử liên quan đến vấn đề làm việc quá sức.
Tình trạng này càng dấy lên hồi chuông đáng báo động hơn khi vào tháng 5/2022, Đài truyền hình quốc gia NHK đưa tin, bác sĩ 26 tuổi Shingo Takashima đã làm việc không nghỉ một ngày nào trong suốt 3 tháng và làm thêm 207 giờ trong một tháng trước khi qua đời.
Có một hy vọng nhen nhóm rằng thế hệ trẻ Nhật Bản sẽ thay đổi được thái độ làm việc đã duy trì lâu đời ở đất nước này. Bởi nhóm người lao động này là những người luôn mong muốn có được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống. Một nghiên cứu cho thấy nhân viên Thế hệ Z đang nghỉ phép nhiều hơn so với hầu hết các nhóm tuổi lớn và cũng ít ngần ngại khi xin nghỉ phép hơn.
Trong số đó có Emi Izawa (21 tuổi), đang làm công việc bán thời gian tại một quán cà phê ở Yokohama trước khi tiếp tục học đại học. Cô cho biết trong chuyến đi châu Âu hồi đầu năm nay, cô đã quan sát và cảm thấy ghen tị với những người lao động ở đó khi họ có thể có một cuộc sống xã hội trọn vẹn.
"Tôi muốn đi du lịch, tiếp tục tham gia câu lạc bộ khiêu vũ, có thể gặp gỡ bạn bè, vì vậy tôi không muốn một công việc mà tôi phải dành rất nhiều thời gian cho nó. Mặc dù điều này có thể khó khăn ở Nhật Bản thời điểm hiện tại, nhưng đó là điều tôi muốn và tôi hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi", cô gái trẻ nói.