Nhiều người dẫn con đi thả cá chép, ông bố TP.HCM lưu ý điều quan trọng để việc dạy con khỏi "xôi hỏng bỏng không"
Để đảm bảo an toàn cũng như đạt hiệu quả giáo dục con như mong muốn, anh Ngọc Ân chia sẻ một vài điều lưu ý.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bên cạnh việc thực hiện mâm cỗ cúng, lễ vật cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép sống được thả vào chậu nước sạch. Sau cúng Táo quân, các gia đình sẽ đem cá chép ra sông, hồ thả với ý nghĩa đưa các Táo lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt trong một năm. Đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Trong ngày này, không chỉ người lớn bận rộn với lễ lạt mà các em bé cũng vô cùng háo hức. Từ sáng sớm, nhiều em đã được theo mẹ ra chợ, chọn những con cá chép vừa ý rồi làm lễ cúng, đưa ra sông để thả cá.
Các em lần đầu biết đây là hành động với ngụ ý "cá hóa long" (nghĩa là cá sẽ hóa rồng) để Táo quân cưỡi vượt vũ môn lên thiên đình, biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
Từ sáng sớm, nhiều em đã được theo mẹ ra chợ, chọn những con cá chép vừa ý rồi làm lễ cúng, đưa ra sông để thả cá
Nhiều gia đình cho con tham gia thả cá chép với mục đích giáo dục con cái về tín ngưỡng tốt đẹp của cha ông cũng như tình yêu đối với thiên nhiên. Đây là khoảng thời gian quý giá để cả gia đình thêm gắn kết, là cơ hội để bố mẹ dạy con về văn hoá dân tộc hay nhiều bài học về tình thân, tình người.
Trong ngày này, bố mẹ có thể kể cho con nghe về sự tích Táo Quân. Qua đó, khuyên răn trẻ: Con người ta ăn ở với nhau phải có nhân có nghĩa, có thủy có chung, trước hết từ trong gia đình, sau ra ngoài xã hội. Đó là truyền thống đạo đức hết sức quý báu của nhân dân ta vốn có từ xưa.
Nhiều gia đình cho con tham gia thả cá chép với mục đích giáo dục con cái về tín ngưỡng tốt đẹp của cha ông cũng như tình yêu đối với thiên nhiên
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể giải đáp cho thắc mắc của con trẻ về việc: Tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép về trời? Cá chép vàng hay còn gọi là Cá chép tiên là một loài động vật sống ở trên Thiên Đình, do phạm phải lỗi, nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian tu hành để chuộc lại tội lỗi của mình gây ra. Sau khi tu hành có chính quả, thì cá chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên Trời. Còn ông Táo là do Thượng Đế phái xuống trần tục để theo dõi loài người, xem ai là người thiện, người ác.
Tết ông Táo rất quan trọng, cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy, vì đây là một tục lệ gắn với đời sống sinh hoạt của người Việt bao đời truyền lại. Để thế hệ trẻ không lãng quên văn hóa truyền thống, việc cho con cùng tham gia và kể cho con nghe về những câu chuyện là cách giáo dục con cần được cha mẹ lưu tâm mỗi dịp cuối năm.
Tuy nhiên, theo anh Ngọc Ân (TP.HCM), trong quá trình đưa con đi thả cá, anh nhận thấy nhiều phụ huynh có vài điều chưa lưu tâm như thả xong bỏ lại bịch ni lông tại chỗ; đưa con nhỏ tới khu vực sông hồ nhưng vẫn lơ là, không để ý an toàn.
"Sáng nay tôi và các con phải nán lại sau khi thả cá để dọn rất nhiều rác bao bì hoặc ca nhựa được người đi thả trước bỏ lại. Chưa kể, có một em bé mãi rướn theo cá nên bị trượt chân, suýt chút là rơi xuống kênh. Một số người đứng trên cầu cao quăng cá xuống sông, cá chép khó lòng mà sống được, còn nếu sống chắc chắn cũng thành tật. Hoặc việc phóng sinh ở những nơi môi trường ô nhiễm cũng dễ khiến cá ít có cơ hội sống. Khi đó, ý nghĩa của việc phóng sinh đã không còn, làm mất đi nét đẹp vốn có của tục lệ này.
Thiết nghĩ để dạy con, cha mẹ chính là người phải làm gương trước. Nếu cứ "ăn theo" phong trào cho con tham gia thả cá nhưng không có ý thức bảo vệ môi trường, tôn trọng sự sống thì lúc này, hiệu quả giáo dục con cái sẽ không như ý muốn", anh Ân nói.