Nhiều người cấp cứu vì lên cơn hen trong rét đậm, bác sĩ chỉ cách phòng bệnh này
Bệnh hen phế quản (HPQ) xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết thay đổi nóng lạnh đột ngột, mưa ẩm ướt hoặc tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen thì bệnh hen dễ xuất hiện. Ước tính Việt Nam có khoảng 4 triệu người mắc căn bệnh này, gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, hen phế quản (hen suyễn) là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp gây nên tăng tiết dịch nhầy, phù nề và co thắt đường thở dẫn tới hiện tượng khó thở, khò khè. Viêm đường thở dẫn đến tăng tiết đờm nhiều, co thắt phế quản lại làm bệnh nhân ngột ngạt khó thở, thở rít từng cơn gây lo lắng cho bệnh nhân.
Nguyên nhân dẫn đến HPQ, theo PGS. Ngọc Dinh, về bản chất nó bệnh HPQ xuất hiện chủ yếu trên cơ địa người bị dị ứng, kết hợp di truyền và yếu tố môi trường như khói thuốc, nhiệt độ thay đổi nóng lạnh bất thường hoặc khi người dân tập thể dục quá sức, nhiễm vi khuẩn virus đường thở… cũng có thể dẫn đến bệnh HPQ.
Trong những ngày rét đậm vừa qua, nhiều bệnh nhân hen phế quản đã phải nhập viện cấp cứu. PGS. Ngọc Dinh tư vấn, cần chú ý các dấu hiệu của bệnh hen để nhận biết mình có hen không. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là ho dai dẳng, kéo dài, thường ho nửa đêm về sáng. Bệnh nhân khó thở, thở rít ra từng cơn, nặng ngực, tạo thành tiếng khò khè trong cổ và khạc đờm rất nhiều.
Bệnh nhân hen cũng thường có tâm lý mệt mỏi, lo âu không làm được gì cả. Nếu không cấp cứu điều trị kịp thời, bệnh nhân khó thở, thiếu oxy trong não dần dần dẫn đến hôn mê và tử vong.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh.
Hen phế quản dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
Theo PGS. Ngọc Dinh, mùa lạnh cũng là thời điểm bùng phát các đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi. Biểu hiện của các bệnh này gần giống nhau, rất khó phân biệt nhưng có sự khác biệt là viêm phổi tắc nghẽn không có triệu chứng tiền sử gia đình còn HPQ có tiền sử gia đình dị ứng.
Thứ 2 là người bị hen có thể từ lúc trẻ, nhưng COPD thường xuất hiện ở người lớn tuổi, từ ngoài 40 tuổi trở lên và nguy cơ nhiều nhất ở người hút thuốc lá.
Bệnh viêm phế quản có ở cả trẻ em và người lớn nhưng thông thường điều trị hết bệnh, hết sốt, hết đợt còn với HPQ thì cần điều trị lâu dài và có thể hồi phục. Riêng bệnh COPD thì rất nặng nề, lúc nào cũng trạng thái khó thở nhất là khi gặp yếu tố kích thích. Do đó, các bác sĩ cần tỉnh táo phân biệt bệnh và phải có kinh nghiệm để chẩn đoán chính xác.
Chuyên gia tai mũi họng cho hay, nhiều phụ huynh có băn khoăn liệu trẻ bị ho, khò khè kéo dài có phải là hen không? Về điều này, bác sĩ cho rằng, cha mẹ cần chú ý nếu trẻ ho kéo dài, ho đến nỗi em bé không ngủ được kéo dài đến 2 tháng trời thì không thể dùng thuốc thông thường mà cần thăm khám bác sĩ để có phác đồ điều trị hen.
“Ho đờm gây tắc đường thở có thể khiến trẻ khó thở, trẻ rơi vào tình trạng tím tái rất nguy hiểm”- PGS. Ngọc Dinh nói.
Theo các chuyên gia, các bệnh lý ở trẻ em cũng rất phức tạp, nhưng cơ bản bệnh hen ở người lớn và trẻ em giống nhau là đa số xảy ra ở những người cơ địa dị ứng, do yếu tố thời tiết, ăn uống, môi trường xung quanh… Tuy nhiên hen ở trẻ khỏi nhanh hơn người lớn, điều trị đúng thuốc thì khỏi nhanh mà ít khi có hậu quả nặng nề như ở người lớn. Ngoài ra, trẻ nhỏ có thể bị hen lúc bé nhưng có thể nhiều năm sau không bị, nếu tái phát thì cũng nhẹ nhàng hơn.
Kết hợp Đông - Tây y giúp trị bệnh hen hiệu quả hơn
PGS. Ngọc Dinh cho biết, hiện nay, điều trị HPQ bằng y học hiện đại có thể dùng thuốc giãn phế quản, thông thường thuốc ở dạng xịt, hít, khí dung hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch giúp trả lại đường thở thông thoáng cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân nặng, thở không được thì sẽ tiến hành đặt nội khí quản, thở máy mới giúp người bệnh qua được cơn nguy kịch.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc phối hợp điều trị cắt cơn hen bằng Tây y và dự phòng hen bằng Y học cổ truyền sẽ đem lại hiệu quả trị bệnh cao hơn. Khi bệnh nhân đang cấp cứu khó thở, không thở được thì cần trả lại sự thông thoáng cho bệnh nhân thì điều trị tây y là tốt nhất. Sau đó cần điều trị thuốc duy trì của đông y thì có tác dụng vượt trội và có thể dùng lâu dài.
Theo một kết quả điều tra, nước ta có khoảng 4 triệu người mắc HPQ nhưng chỉ có 1 triệu người dùng thuốc duy trì và không để cơn hen tái phát ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân hen cứ thấy đỡ là thôi dùng thuốc, không dùng dự phòng và duy trì, đây là một sai lầm.
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh - Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị HPQ là rất đúng đắn, tạo sự thống nhất liên hoàn để điều trị bệnh hen, giúp người bệnh có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Phòng bệnh hen cách nào?
Bản chất của bệnh HPQ là bệnh cơ địa và các tác động của yếu tố môi trường. Do đó, nếu giảm thiểu và chung sống với nó thì sẽ tránh được các cơn hen. PGS. Ngọc Dinh khuyến cáo, người dân cần giữ ấm trong thời tiết lạnh như hiện nay, không tập thể dục gắng sức, trong nhà nên sạch sẽ thoáng đãng không gió lùa. Không nên dùng thảm trải nhà vì sợi bông gây ảnh hưởng sức khỏe, không nuôi vật nuôi trong nhà như chim, chó, mèo… là các tác nhân dễ gây kích phát cơn hen.
Với người HPQ thì cơn hen sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào. Ngoài ra khi cáu giận quá cũng bùng phát cơn hen. Người bệnh hen cần tránh các thức ăn gây dị ứng như tôm, cua, sữa… dị ứng phấn hoa.
Các bệnh nhân hen cần uống thuốc dự phòng hen, nên tham gia các câu lạc bộ hen phế quản để chia sẻ kinh nghiệm điều trị, thăm khám bác sĩ điều trị thường xuyên… để có cuộc sống ổn định.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cũng khuyến cáo, trong dự phòng hen cần chú ý, hen gắng liền tạng phế, là tạng yếu và dễ tổn thương, dễ nhiễm lạnh nên cần giữa ấm cho tạng phế khoẻ mạnh. Đặc biệt mùa đông cần kiểm soát nhiệt độ phòng ngủ và thông khí. Có thể tập dưỡng sinh, duy trì thuốc đông y uống thường xuyên cũng tốt làm tạng phế, tạng tì, tạng thận khoẻ mạnh lên.
Trong sinh hoạt hen liên quan đến hàn, dị ứng nên các thức ăn làm cơ lạnh, dị ứng thì cần cẩn thận khi dùng tôm cua mực độ dị ứng cao... Cần chú ý trong sinh hoạt thì sẽ chung sống khoẻ mạnh với bệnh hen.