Cứu bé trai mắc viêm não do virus Herpes suýt chết
Khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa cứu sống bé trai N.H (7 tuổi, quê Hoàng Mai, Hà Nội) bị viêm não do virus Herpes. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật liên tục, có thời điểm co giật đến cả chục lần.
Khác với các ca viêm não thông thường, viêm não do virus Herpes có những dấu hiệu đáng ngại như trẻ sốt cao, co giật liên hồi, trẻ kích thích vật vã…, nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy kịch tính mạng.
Ca bệnh phức tạp
Người nhà bệnh nhi cho hay, tiền sử bệnh nhi hoàn toàn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Cách thời điểm nhập viện khoảng 2 tháng, trẻ sốt cao đột ngột, gia đình đã đưa đi viện khám. Các bác sĩ điều trị sốt như bình thường, cho uống thuốc hạ sốt, đến ngày điều trị thứ 4 trẻ đỡ sốt nhưng sau đó lại sốt lại, tình trạng bệnh ngày một nặng hơn. Trẻ nhanh chóng rơi vào tình trạng kích thích, la hét, vật vã, nói nhảm…
Bệnh nhi được đưa đến khoa Nhi, BV Bạch Mai. Tại đây, với những dấu hiệu điển hình như sốt cao, co giật liên hồi… các bác sĩ đã nghĩ ngay đến việc trẻ bị viêm não. Các xét nghiệm dịch não tủy, cộng hưởng từ,… nhanh chóng đã được thực hiện chẩn đoán nhanh cho thấy, trẻ mắc viêm não do virus Herpes.
Chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhi, PGS.TS Dũng cho biết: “Bình thường, trẻ mắc viêm não điều trị khoảng 2 tuần là có biến chuyển bệnh rõ rệt, bệnh nhân hết sốt. Tuy nhiên, với bệnh nhi này, tình trạng vẫn nguy kịch ngay cả khi đã sang tuần thứ 3, trẻ vẫn sốt cao, diễn biến bất thường. Một mặt các bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị viêm não, mặt khác chúng tôi nghi ngờ khả năng bệnh nhi đã mắc một chứng bệnh khác. Do đó đã tiến hành làm xác xét nghiệm chụp phổi, cấy máu, cấy nước tiểu, kiểm tra kỹ lưỡng từng bộ phận trên cơ thể bệnh nhân xem có dấu hiệu nhiễm trùng nào không, tuy nhiên vẫn không có gì bất thường ngoài việc nhiễm virus viêm não Herpes. Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định dùng kháng sinh điều trị chống bội nhiễm”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
Đáng lo, tình trạng bệnh nhân vẫn hết sức nguy cấp. Bệnh nhân đột ngột xuất hiện nhiều cơn tiêu chảy dữ dội. Các bác sĩ khoa Nhi đã tìm hiểu cặn kẽ đồ ăn thức uống hàng ngày của trẻ, thậm chí cả từng hộp sữa uống hàng ngày để tìm nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài. Sau đó, các bác sĩ quyết định cắt hết khẩu phần ăn từ bên ngoài vào, quyết định cho trẻ ăn theo chế độ ăn nghiêm ngặt của khoa. Nhờ vậy, 2 tuần sau trẻ hết tiêu chảy, nhưng tình trạng sốt cao vẫn còn.
“Chúng tôi đã tiến hành hội chẩn với 2 chuyên gia nhi khoa của Nhật Bản. Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm rằng, tại Nhật Bản, trẻ mắc viêm não do virus Herpes khá phổ biến tại quốc gia này. Các trường hợp trẻ có triệu chứng sốt kéo dài, co giật… cũng khá nhiều và những dấu hiệu này của căn bệnh viêm não do virus Herpes không có gì bất thường, do đó, chỉ cần tập trung chữa viêm não do virus Herpes”- PGS.TS Dũng nói.
Đáng mừng, một tuần sau, bệnh nhân hết sốt. Đến nay, sau 2 tháng điều trị, kết quả khám toàn diện của bệnh nhân khá ổn định, trẻ khỏe mạnh và ra viện trong chiều 23/12/2014.
Cẩn trọng với các vết bong tróc, lở loét
PGS.TS Dũng cho biết, viêm não do virus Herpes khá nguy hiểm nhưng hiện đã có thuốc điều trị đặc hiệu (khác so với các viêm não thông thường chỉ chủ yếu chữa triệu chứng). Do đó, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên chú ý các dấu hiệu sốt cao, đau đầu, co giật… ở trẻ thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị.
Virus Herpes virus rất dễ xâm nhập vào con người qua đường hô hấp, qua da, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Phụ nữ nhiễm virus Herpes sẽ dễ lây nhiễm cho con qua sản đạo nên khi mang thai cần điều trị.
Để tránh lây nhiễm bệnh, theo PGS.TS Dũng, người dân cần chú ý đến các vết bong tróc, lở loét trên miệng, tránh tiếp xúc trực tiếp vùng da đang tổn thương của mình vào người khác như hôn, sờ, chạm, quan hệ tình dục, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân... Bệnh Herpes có thể tái phát mỗi khi cơ thể sức đề kháng yếu. Do đó cần tăng cường sức đề kháng bằng việc bổ sung thêm các dưỡng chất cho cơ thể như uống nhiều nước đặc biệt là nước ép hoa quả, bổ sung vitamin C…. Trong thời tiết như hiện nay càng cần nâng cao cảnh giác đề phòng nhiễm căn bệnh này.