Nhiều khó khăn trong điều chỉnh các kỳ thi riêng
Từ năm 2025, tuyển sinh đại học (ĐH) và thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức kỳ thi riêng, đây là vấn đề khó và cần có sự chuyển tiếp mềm dẻo cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Hôm qua, 27/12, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo Kỳ thi đánh giá tư duy từ năm 2023. Tại đây,
PGS. TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ và đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trường dự kiến điều chỉnh nội dung các phần thi của Bài thi đánh giá tư duy theo hướng gọn nhẹ, giảm độ khó; xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn. Kiến thức nằm trong chương trình lớp 11, 12.
Theo đó, tổng thời gian dự thi giảm từ 270 phút xuống còn 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn. So với năm 2022, cấu trúc bài thi của kỳ thi đánh giá tư duy đã có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, xoá bỏ tư duy theo tổ hợp môn học (Toán + Đọc hiểu + Khoa học tự nhiên + tiếng Anh); không còn phần thi tự luận trong bài thi Toán.
Không những thế, kỳ thi được tổ chức thành nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước nếu có nhu cầu; có giá trị sử dụng trong 2 năm. Năm 2023, bài thi trắc nghiệm được thí sinh thực hiện hoàn toàn trên máy tính trong thời gian một buổi thay vì thi trên giấy như các năm trước, không giới hạn đối tượng dự thi, số lần dự thi.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, dự kiến tới năm 2027, ngân hàng câu hỏi kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi mở rộng cho nhiều đối tượng học sinh, thi nhiều đợt…
Mục tiêu của việc điều chỉnh này là mở rộng khả năng áp dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy cho các trường ĐH, học viện khối ngành Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Công nghiệp, Nông nghiệp, Y dược… Đặc biệt, bài thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng như chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo công bố của ĐH Bách khoa Hà Nội, bài thi đánh giá tư duy đã loại bỏ hoàn toàn phần thi Toán tự luận, một yếu tố được giáo viên dạy Toán đánh giá cao, do kỳ vọng kỳ thi sẽ tác động tích cực tới hoạt động dạy và học Toán trong trường phổ thông. Thông tin này khiến nhiều giảng viên băn khoăn vì đây là phần thi giúp phân hóa đối tượng thí sinh. PGS Nguyễn Phong Điền lý giải, tuy không tổ chức phần thi tự luận nhưng bài thi Toán có 4 hình thức trắc nghiệm. Trong đó có hình thức thí sinh phải viết lời giải ngắn, phải nắm được các bước giải, có phương pháp lập luận, giải quyết vấn đề mới có thể làm được.
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, yêu cầu đặt ra đối với các trường ĐH trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành.
Theo GS Nguyễn Văn Minh, kỳ thi có các bài thi: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có thể lựa chọn đăng kí một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng kí dự tuyển vào các ngành đào tạo ĐH hệ chính quy. Thí sinh thi trực tiếp, làm bài trên giấy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi tại các trường ĐH ở các tỉnh miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh ở miền Trung, miền Nam đăng kí dự thi. Thời gian mỗi bài thi từ 60 đến 90 phút.