Cựu sinh viên trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM giành học bổng danh giá: Bí quyết ở 2 chữ này

Hiểu Đan ,
Chia sẻ

Từng giành được học bổng toàn phần đại học và tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa, mới đây, Hoàng Huy lại trở thành sinh viên Đông Nam Á đầu tiên giành thêm một học bổng thạc sĩ danh giá.

Một ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, Nguyễn Hoàng Huy (sinh năm 1997, Đồng Nai) vỡ òa khi nhận được email thông báo kết quả đậu học bổng Erasmus Mundus (EM) - IFRoS (Intelligent Field Robotic Systems) khóa thứ 2. 

Erasmus Mundus là chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần được cấp bởi Liên minh châu Âu hàng năm. Các bạn nhận học bổng sang ít nhất 2-3 nước châu Âu để học thạc sĩ và có rất nhiều ngành khác nhau, vì thế luôn có sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt với những hồ sơ có "background" khủng. Bên cạnh đó, năm vừa qua số lượng hồ sơ khá đông nên quá trình tuyển chọn tốn nhiều thời gian. Kết quả này vì thế khiến Huy vừa bất ngờ vừa hạnh phúc.

"Thú thật mình không quá tự tin về hồ sơ bản thân, bởi các bạn khác có các mentor (người hướng dẫn) từ những năm trước nên có được nhiều kinh nghiệm và biết nhiều thứ hơn. Trong khi với IFRoS mình là sinh viên Việt Nam đầu tiên nên mọi thứ mình đều phải tự tìm hiểu. Khoảng thời gian hoàn thành các thủ tục cũng khá là vất vả", Huy chia sẻ. 

Biết đến EM IFRoS chỉ trước deadlines 10 ngày (khoảng tầm cuối tháng 1 đầu tháng 2), nhưng Huy may mắn vì đã chuẩn bị hồ sơ từ chương trình khác nên không tốn quá nhiều thời gian để chỉnh sửa. Hồ sơ yêu cầu khá đơn giản với Letter of Motivation, bằng và bảng điểm đại học, CV, chứng chỉ tiếng Anh, và 2 thư giới thiệu. Huy nhận được kết quả sau hơn 1 tháng so với thời gian dự kiến với mức học bổng toàn phần bao gồm học phí, chi phí đi lại mỗi năm, chi phí sinh hoạt ăn ở mỗi tháng và các khoản chi phí khác.

Với thành tích này, Huy trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên cũng là sinh viên Đông Nam Á đầu tiên nhận học bổng Erasmus Mundus IFRoS. Hiện, Huy đang học năm đầu tiên tại trường University of Girona, Tây Ban Nha. Sau đó sẽ học tiếp tại Croatia, Hungary theo chương trình Thạc sỹ liên quan đến Robot.

Từng hài lòng với công việc lương cao, nhiều chế độ đãi ngộ tốt

Huy là cựu học sinh trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai. Sau đó, cậu bạn thi đậu ngành Công nghệ Kỹ Thuật Cơ Điện Tử trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP. HCM. Hoàn thành xong năm 3, Huy giành được học bổng toàn phần đại học từ chương trình Tự động hóa Quốc tế tại trường Southern Taiwan University of Science and Technology (Đài Loan, Trung Quốc). Huy vinh dự là thủ khoa của chương trình với tấm bằng Electrical Engineering (Kỹ thuật điện).

Ra trường đi làm, Hoàng Huy từng hài lòng với một công việc lương cao, đúng sở trường. Cậu cũng đã từng băn khoăn về lý do học thạc sĩ vì nghĩ rằng học cao lên chỉ để đi dạy hoặc làm nghiên cứu, còn bản thân thì không đủ năng lực. 

Tuy nhiên, sau khi vào công ty, nhìn các tiền bối toàn thạc sĩ, được các anh chị động viên, chia sẻ những góc nhìn khác, Huy mới có ý định đi du học khi nhận ra con đường học thạc sĩ là bệ phóng tốt ở tương lai. Không những vậy, ở Đài Loan (Trung Quốc) nếu bạn có bằng thạc sĩ, mức lương trung bình bạn nhận được có khi còn cao hơn người có 2, 3 năm kinh nghiệm làm việc.

"Thời gian đó công việc của mình đang ở trên đà phát triển, có dự án riêng của bản thân. Công ty thì sẵn sàng tăng lương, gia hạn thời gian cư trú cho mình. Nhưng vì bản thân đã có con đường riêng nên mình đành từ chối ở lại cho dù gắn bó với công ty cũng 2 năm làm việc. Mình cũng rất may mắn vì nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều người. Điều đó cũng góp thêm động lực cho bản thân rất nhiều. Cho đến bây giờ đi học thạc sĩ là quyết định thành công nhất đối với mình", Huy kể. 

Một điều thú vị là trước đó, Huy đã lên kế hoạch học thạc sĩ gần 1 năm nhưng không phải là học bổng EM. Mục tiêu của cậu bạn là trường Maastricht University ở Hà Lan ngành AI và cũng nhận được admission (thư chấp nhận) từ trường. Bên cạnh đó, Huy cũng nhận được cơ hội từ các trường tại Đài Loan và đặc biệt là một project (dự án) ở lab từ trường Concordia University tại Canada,... Những thành tích này sau đó đã tăng thêm "sức nặng" cho bộ hồ sơ apply học bổng EM IFRoS.

Nhìn lại hành trình của mình, Huy cho rằng, bí quyết để chinh phục học bổng của cậu bạn tóm gọn lại trong hai chữ “PHÙ HỢP”. Có vô vàn các bộ hồ sơ đẹp mà mọi người phải trầm trồ, khiến Huy từng tự ti và luôn e ngại khi nộp học bổng vì nghĩ là thế nào cũng rớt. Nhưng rồi sau những lần phỏng vấn học bổng, những kinh nghiệm trong quá trình học hỏi, làm việc đã cho Huy nhận thấy hướng đi của bản thân. 

"Có người khuyên mình cứ nộp càng nhiều càng tốt, kiểu nào cũng sẽ có nơi nhận. Nhưng đối với mình, cần chọn lọc những học bổng hay cơ hội mà mình thấy bản thân phù hợp nhất và có thể phát triển trong tương lai. Đó là lý do với học bổng Erasmus Mundus mình chỉ chọn đúng 1 chương trình để nộp là IFRoS và được nhận. 

IFRoS phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp tương lai của bản thân, phù hợp với lộ trình học tập mình muốn đạt được khi học thạc sĩ, phù hợp với đam mê và sở thích của bản thân,... Những điều đó, mình thể hiện hết trong bộ hồ sơ ứng cử. Vì mình biết rằng chương trình họ cũng chỉ lựa chọn những ứng cử viên phù hợp mà thôi", cựu sinh viên trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP. HCM chia sẻ. 

Cuộc sống du học không như mơ, nhưng luôn có động lực để mình không ngừng cố gắng

Học thạc sĩ ở nước ngoài không chỉ màu hồng, ngược lại đầy áp lực. Có những bạn học của Huy dù có thành tích đáng nể trước đó vẫn bỏ giữa chừng hoặc bảo lưu bởi không theo kịp chương trình. 

Với cá nhân Huy cũng vậy. Dù có phần dễ thích nghi sau thời gian sống ở nước ngoài nhưng tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của Huy nên mức độ thông hiểu cũng không cao so với các bạn khác. Tuy nhiên, thay vì nản chí, cậu chọn cố gắng và nỗ lực. 

"Thời gian đầu mình dành gần như hoàn toàn thời gian cho việc học thậm chí cả ngày thứ 7 và chủ nhật nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sau rồi mình quen với nhiều bạn cùng lớp hơn và tụi mình bắt đầu học nhóm. Một điều mình luôn cảm thấy tự hào và biết ơn vì mình có những người bạn cực kỳ xuất sắc. Nhờ vậy mà chúng mình đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn cùng nhau. Cho nên kinh nghiệm của mình là “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Huy chia sẻ.

uuuu - Ảnh 2.

Huy đang học thạc sĩ theo chương trình EM IFRoS năm đầu tiên tại trường University of Girona, Tây Ban Nha.

Huy vẫn nhớ như in thời gian đầu khi đến Tây Ban Nha. Thành phố Girona là một địa danh du lịch nổi tiếng phía Đông Bắc Tây Ban Nha nhưng bị ảnh hưởng của Covid nên giá nhà leo thang, số lượng sinh viên nước ngoài cũng khá đông. Từ đó việc tìm nhà ở Girona với sinh viên là một điều khó tưởng. 

Những tuần đầu ở Tây Ban Nha, Huy và các bạn đi bộ mỗi ngày mấy km từ sáng đến chiều để tìm nhà ở. Và đến chiều mỗi ngày, hàng ghế tại ga tàu là nơi cả nhóm tụ họp để nghỉ mệt và bàn bạc kế hoạch cho ngày tiếp theo, đến nỗi ai nấy đều thuộc cả nội dung thông báo ở ga tàu. Đối với Huy, đó là những khoảng thời gian khó khăn nhưng đẹp nhất, khi nghĩ lại đôi khi có chút "điên rồ" nhưng lại chứa đựng tình bạn tuyệt vời từ những con người có những màu da khác nhau nhưng cùng chung một chí hướng.

"Mình đã từng nghĩ cuộc sống của một du học sinh với học bổng danh giá sẽ vô cùng rực rỡ và màu hồng. Thực tế không như mơ, nhưng đổi lại, đối mặt với những chướng ngại đó giúp mình chín chắn hơn, và cho dù sau này có khó khăn hơn nữa mình vẫn có thể vượt qua. Bên cạnh đó, mình được tiếp cận môi trường học tập tiên tiến, những giáo sư đầu ngành, những người bạn giỏi giang từ khắp thế giới. Đây chính là món quà to lớn hơn cả con số giá trị học bổng".

EM là một học bổng có tính cạnh tranh cao nên theo Huy, bộ hồ sơ của các bạn sinh viên phải “đẹp”, thể hiện qua thư động lực, thư giới thiệu, kinh nghiệm làm việc (CV), những thứ mà hội đồng có thể thấy con người bạn. Với bộ hồ sơ với GPA cao, ranking tốt, các giải thưởng nghiên cứu khoa học uy tín hay những hoạt động ngoại khóa chất lượng là những chi tiết giúp bạn chinh phục con mắt của ban giám khảo. 

Huy cho rằng, các bài thi chuẩn hóa như SAT, GRE, IELTS,... vẫn là một mục luôn có trong bộ hồ sơ học bổng nhưng không chiếm vai trò quá cao để đánh giá bạn đậu hay rớt. Chẳng hạn IELTS, một số học bổng bạn chỉ cần >6.5 là đã đủ điều kiện để nhận học bổng. Thay vì quá tập trung để lấy điểm IELTS thật cao, bạn có thể dùng quỹ thời gian đó để trau chuốt các phần khác của bộ hồ sơ trở nên có sức nặng và khác biệt hơn, tùy vào loại học bổng hướng tới.

Chia sẻ