Nhiều cha mẹ ở Hoa Kỳ đau đầu, lo lắng khi sữa bột cho trẻ bị thiếu hụt nghiêm trọng
Nguồn cung thiếu hụt trầm trọng khiến các nhà sản xuất phải hạn chế số lượng sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ.
Vào ngày 10/05, các nhà bán lẻ tại Mỹ bao gồm Target Corp (TGT.N), CVS Health Corp (CVS.N) và Walgreens Boots Alliance (WBA.O) đã phải giới hạn số lượng sản phẩm mà khách hàng có thể mua sữa công thức để duy trì nguồn cung do tình trạng thiếu hụt.
Giới hạn trên được đưa ra sau khi nhà cung cấp thực phẩm trẻ em hàng đầu - Abbott Laboratories (ABT.N) đã thu hồi nhiều lô sữa công thức bao gồm sữa Similac vào tháng 2 do các khiếu nại về việc trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn sau khi tiêu thụ sản phẩm trên.
Vào tháng 4, CVS đã giới hạn mỗi đơn đặt hàng chỉ được mua 3 sản phẩm ở cả cửa hàng trực tiếp và trực tuyến. Walgreens cũng đưa ra giới hạn tương tự vào tháng 3. Bên cạnh đó, Kroger (KR.N) giới hạn bốn sản phẩm cho mỗi khách hàng.
Sữa bột thiếu hàng
Các bậc cha mẹ khắp Hoa Kỳ đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng thiếu sữa bột trẻ em trên toàn quốc sau đợt thu hồi gần đây của hãng Abbott. Mới đây, hãng Abbott cho biết họ đang "làm mọi thứ" để giải quyết tình trạng hiện nay, bao gồm ưu tiên sản xuất sản phẩm và vận chuyển bằng đường hàng không từ cơ sở được cơ quan quản lý dược phẩm Hoa Kỳ ở Ireland chấp thuận.
"Chúng tôi biết rằng đợt thu hồi gần đây đã tạo thêm căng thẳng và lo lắng trong bối cảnh thiếu nguồn cung toàn cầu vốn đã đầy thách thức. Chúng tôi đang cố gắng để có thể giúp các ông bố, bà mẹ và những người chăm sóc trẻ có nguồn dinh dưỡng chất lượng cao cho trẻ nhỏ", Abbott nói trong một tuyên bố vào tháng trước.
Công ty cũng đang hợp tác chặt chẽ với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để tái hoạt động ở cơ sở Michigan. Hãng sản xuất Similac là nhà cung cấp sữa công thức hàng đầu tại Hoa Kỳ với thị phần khoảng 42% vào năm 2021, tiếp theo là hãng hàng tiêu dùng Reckitt Benckiser (RKT.L) của Anh với gần 38% thị phần, theo số liệu của Euromonitor.
FDA hiện đang tiến hành làm việc với Abbott và các nhà sản xuất khác để giảm bớt các vấn đề về nguồn cung. Cơ quan này cho biết một số nhà sản xuất đang tăng công suất để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Theo đó, số lượng sữa bột trẻ em được tiêu thụ trong tháng 4 cũng cao hơn nhiều so với trước đó.
"Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo sản phẩm luôn có sẵn mọi lúc mọi nơi", Ủy viên FDA Robert Califf nói.
Ben Reich, giám đốc điều hành của công ty dữ liệu Datasembly, cho biết khoảng 40% sữa công thức đã hết hàng trên toàn nước Mỹ vào tháng 4. Ông cũng bổ sung rằng việc chuỗi cung ứng gặp khó khăn, cộng thêm đợt thu hồi sản phẩm và lạm phát ở mức lịch sử đã góp phần làm trầm trọng sự thiếu hụt.
Các phụ huynh lo lắng
Brian Dittmeier, giám đốc cấp cao về chính sách công tại Hiệp hội WIC Quốc gia, cho biết: "Đợt thu hồi sữa bột trẻ em ở quy mô chưa từng có này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh và các bậc cha mẹ. Mỗi ngày có biết bao nhiêu cha mẹ đang tức giận, lo lắng và sợ hãi. Tính mạng của con cái họ đang rơi vào tình trạng nguy hiểm".
Cô Hernandez, 35 tuổi, không kìm nổi cảm xúc khi tìm thấy một người trên mạng bán 10 lon sữa bột chỉ với 40 đô la/lon. Trước đó, hãng sữa yêu thích của con gái cô đã hết sạch hàng và giá bán lẻ trên eBay lên tới 120 đô la cho 1 lon.
Tại cửa hàng bán lẻ, với tình trạng các kệ sữa bột luôn trống rỗng, các bậc cha mẹ đang thành lập hội nhóm trên Facebook để báo nhau khi có hàng tồn kho hoặc giá rẻ.
"Đó là một cơn ác mộng", cô Hernandez nói.
Theo ông Dittmeier, "không giống như các vụ thu hồi thực phẩm khác, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sữa bột trẻ em sẽ ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng chính, thậm chí là duy nhất, cho trẻ sơ sinh". Việc này sẽ có những tác động lâu dài đến sức khỏe của trẻ em.
Tình trạng nguồn cung thiếu hụt cũng đang tạo ra gánh nặng tài chính cho các gia đình tại Mỹ khi họ vẫn phải vật lộn với lạm phát. Theo thông tin trên trang web của Văn phòng Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, các gia đình thường chi tới 1.500 đô la (hơn 34 triệu đồng) cho sữa bột trẻ em trong năm đầu của trẻ nhỏ.
Nguồn: Reuters, NY Times