Nhiều bệnh viện ở Hà Nội quá tải bệnh nhi, một bác sĩ chăm 20 trẻ
Các bệnh viện đều ghi nhận số lượng trẻ nhập viện tăng đột biến thời gian gần đây và mỗi bác sĩ phải gồng mình chăm 20 bệnh nhi.
Chị Vũ Quỳnh Trang - Linh Đàm, Hà Nội cho biết con gái 2 tháng tuổi của chị bị sốt cao, đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Bác sĩ cho biết bé nhiễm hợp bào virus RSV phải nhập viện. Do kín giường nên chị Trang đưa con sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để điều trị, nhưng ở đây cũng 3 - 4 cháu/giường bệnh. Dù xót con chị vẫn phải chấp nhận vì bệnh viện nào cũng quá tải bệnh nhi.
Con chị Lê Thị Bích, Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Con chị bị bạch cầu tăng cao, viêm hô hấp và được giới thiệu sang Bệnh viện Thanh Nhàn vì Bệnh viện Nhi đã hết giường.
Đến Bệnh viện Thanh Nhàn, chị Bích sốc vì lượng bệnh nhi rất đông, từ khu cấp cứu cho tới phòng bệnh. Các phòng đều chật kín người, chị muốn thuê phòng dịch vụ cũng không còn.
Chị Vũ Minh Hằng - Xa La, Hà Đông chia sẻ, ốm còn mệt hơn cả COVID-19, hai con sốt cao liên tục không hạ kèm tiêu chảy. Bác sĩ giới thiệu bé nhập viện vì bé út 12 tháng tuổi nguy cơ viêm phổi. "Một người bạn của tôi nói trong bệnh viện 3-4 cháu một giường tội lắm, không có phòng dịch vụ, tôi liền tìm đến các bệnh viện tư nhưng họ cũng báo hết giường", chị Hằng nói.
Khoa Nhi và Sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bé mắc các bệnh về đường hô hấp. Số bệnh nhân nội trú hiện tăng gấp đôi bình thường, trung bình 1 bác sĩ chăm sóc điều trị 20 trẻ.
Ở khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng như vậy, số trẻ nhập viện tăng đột biến, nhiều trẻ vừa ra viện đã tái lại vì các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp, trong đó quá nửa trẻ dương tính với virus Adeno.
BS Phan Thị Kim Dung - Phó trưởng khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, tỷ lệ trẻ nhập viện trong đợt này rất cao, hầu hết trẻ viêm phổi do virus. Điều này cũng kéo theo áp lực điều trị cho bác sĩ. Nhiều bác sĩ phải trực 24/24. Dù bệnh viện trang bị thêm giường, hỗ trợ nhân lực từ các khoa khác nhưng kê thêm giường thì phòng bệnh sẽ chật chội hơn.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện cũng tăng vọt. Trước diễn biến thất thường của các bệnh virus gây viêm đường hô hấp, bệnh viện còn thành lập một phòng riêng cho trẻ nhiễm virus Adeno dưới 3 tuổi. Gần 50% bệnh nhi suy hô hấp phải thở oxy thậm chí là thở máy.
PGS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp thuộc bệnh viện chia sẻ, trẻ được điều trị theo triệu chứng và biến chứng, việc sử dụng thuốc kháng virus cần thận trọng vì có thể gây tác dụng phụ cho trẻ.
BS Nguyễn Mạnh Cường (khoa Nhi, Bệnh viện 103) khuyên thay vì cha mẹ tìm lý do vì sao con ốm thì nên biết cách phòng bệnh cho con tốt hơn.
Các biện pháp cha mẹ nên làm như:
Hạn chế cho trẻ tới chơi chỗ đông người như các trung tâm thương mại, vui chơi, hạn chế cho bé ngậm đồ chơi, mút tay. Cha mẹ nên đeo khẩu trang cho con những nơi đông người, khi cho con tới bệnh viện khám cố gắng giữ khoảng cách cho con. Để phòng viêm hô hấp, trẻ cần được xúc họng bằng nước muối 0,9%, xịt rửa mũi bằng nước muối biển sâu sau đi chơi hoặc đi học về. Hạn chế cho bé nằm điều hòa. Tăng sức đề kháng cho bé như chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng đủ các nhóm chất. Cho trẻ uống đủ nước giúp thanh thải chất độc, làm loãng đờm bù nước sau sốt, sau nôn, đi ngoài. Trẻ cần tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm như khuyến cáo của Bộ Y tế.