Nhiều bệnh nhân ở Bình Dương bị từ chối tiếp nhận cấp cứu: Người không qua khỏi, người suýt mất con sắp sinh
Tình trạng nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận cấp cứu với lý do quá tải, bác sĩ đi chống dịch COVID-19 và thiếu trang thiết bị y tế gây hậu quả đau lòng đang xảy ra tại Bình Dương.
Mới đây, dư luận vô cùng xôn xao trước sự việc một người đàn ông 57 tuổi (quê Trà Vinh, tạm trú tại TP Dĩ An, tỉnh Bỉnh Dương) tử vong trong sự bất lực đau đớn của người nhà, khi cả 5 bệnh viện mà bệnh nhân được đưa đến đều từ chối tiếp nhận.
Theo đó vào đêm 13/8, ông N.D. được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Tuy nhiên khi đến Trung tâm y tế TP Dĩ An thì được thông báo đang là nơi điều trị COVID-19.
Gia đình tiếp tục đưa đến Phòng khám Ngọc Hồng, Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và cuối cùng là Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh (đều tại TP Dĩ An) nhưng toàn bộ các cơ sở y tế này đều không nhận với cùng lý do nhân sự đã đi chống dịch, không đủ trang thiết bị cấp cứu.
Hậu quả là sau đó, gia đình đành đưa ông D. về nhà trọ và bệnh nhân đã không qua khỏi.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận đã nắm được sự việc trên.
Trong số 5 cơ sở y tế trên có Trung tâm Y tế TP Dĩ An và BV Quân đoàn 4 là đơn vị công lập.
Ngoài Trung tâm Y tế TP Dĩ An đã chuyển thành khu điều trị F0, BV Quân đoàn 4 vẫn tiếp nhận cấp cứu.
Hiện Sở Y tế đã cử Thanh tra đến các nơi liên quan tìm hiểu vụ việc. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời cơ quan Công an cũng đã vào cuộc điều tra vụ việc.
Sự việc đau lòng trên chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị các cơ sở y tế ở Bình Dương từ chối tiếp nhận bệnh đã được người dân phản ánh.
Trước đó, một sản phụ tên Lý Thị Đa Ghi (35 tuổi, quê Sóc Trăng, tạm trú tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã đẻ rớt con ở chốt kiểm soát dịch đặt tại ngã tư Địa Chất (TP Thủ Dầu Một) khi người chồng cố chạy từ TP Dĩ An sang tìm bệnh viện tiếp nhận cho vợ sinh con.
May mắn là hai mẹ con sản phụ đã được lực lượng chức năng hỗ trợ vượt cạn kịp thời.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số 47-TB/VPTU ngày 11/8/2021.
Theo đó, tiếp tục triển khai lực lượng phản ứng nhanh tới khu phố, ấp, nhất là đối với vùng đỏ; phải cơ động nhanh, lực lượng, phương tiện ở Trung tâm phản ứng nhanh tỉnh đảm bảo hỗ trợ giải quyết tình hình của thành phố Thủ Dầu Một, cũng như chi viện cho các địa phương khác khi cần (mỗi đội phản ứng nhanh phải có nhân viên y tế đi cùng để tư vấn, kết nối với bác sĩ và bệnh viện khi cần).
Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện cả công lập và tư nhân phải nhận bệnh do Tổng đài 1022 chuyển đến.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nếu các cơ sở y tế không tuân thủ các quy định khám chữa bệnh, không tiếp nhận bệnh nhân... để xảy ra trường hợp tử vong thì có thể chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo quy định.