Nhiễm HIV không phải dấu chấm hết, có 6 việc bạn cần làm để mở ra “chương mới” cuộc đời
HIV không còn là căn bệnh “không thuốc chữa”. Với điều trị đúng, người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh, duy trì cuộc sống bình thường và theo đuổi ước mơ.
Đối mặt với chẩn đoán nhiễm HIV có thể khiến nhiều người cảm thấy như cả thế giới sụp đổ. Nhưng sự thật là HIV ngày nay không còn là "bản án tử" như những năm 80, 90. Với những tiến bộ vượt bậc trong y học, HIV giờ đây được coi là một bệnh lý mạn tính có thể kiểm soát. Người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, trọn vẹn, yêu thương và theo đuổi mọi ước mơ của mình.

Ảnh minh họa
Hiện nay, chỉ với một viên thuốc ARV mỗi ngày, virus HIV có thể bị ức chế đến mức "không phát hiện" trong máu. Khi duy trì được mức tải lượng virus này, hệ miễn dịch sẽ được bảo vệ vững chắc, giúp người bệnh không tiến triển thành AIDS và có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV. Không chỉ vậy, khoa học đã chứng minh nguyên tắc K=K: Không phát hiện = Không lây truyền. Nghĩa là nếu bạn điều trị hiệu quả và tải lượng virus duy trì dưới ngưỡng phát hiện ≥6 tháng, bạn hoàn toàn không lây HIV cho người khác qua đường tình dục.
Điều đó cũng có nghĩa: HIV không thể và không nên định nghĩa một con người hay đặt “dấu chấm hết” cho cuộc đời bất kỳ ai. Bạn có thể sốc, buồn bã nhưng cần nhìn nhận đúng và dũng cảm đối mặt. Đừng để nó là “dấu chấm hết” mà hãy là “chương mới” khác biệt hơn trong cuộc đời mình.
Dấu hiệu nhiễm HIV và 6 điều nên làm để “chung sống hòa bình”
HIV giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số người có thể trải qua các biểu hiện giống cúm như sốt, đau họng, nổi hạch, phát ban hoặc mệt mỏi sau khoảng 2-4 tuần phơi nhiễm. Tuy nhiên, những dấu hiệu này dễ bị bỏ qua.
Khi bệnh tiến triển mà không điều trị, người bệnh có thể bị sụt cân nhanh, nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác. Vì vậy, xét nghiệm HIV định kỳ nếu có hành vi nguy cơ là cách duy nhất để phát hiện và can thiệp sớm.
Nhận kết quả dương tính HIV chắc chắn không dễ dàng, nhưng hãy nhớ rằng bạn có quyền kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình. Điều quan trọng là cần làm 6 việc để sống chung với nó, tiếp tục theo đuổi ước mơ của chính mình:
- Bắt đầu điều trị ARV càng sớm càng tốt để ức chế virus, bảo vệ hệ miễn dịch và duy trì sức khỏe lâu dài.
- Tuân thủ uống thuốc đúng giờ mỗi ngày, không tự ý bỏ thuốc và các chỉ định từ bác sĩ nếu có.

Ảnh minh họa
- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, tránh thuốc lá, rượu bia để tăng sức đề kháng.
- Theo dõi tải lượng virus định kỳ để đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Giữ tinh thần tích cực, tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc các nhóm cộng đồng đồng hành.
- Chia sẻ thông tin HIV với người yêu/vợ/chồng nếu cần, để bảo vệ an toàn cho cả hai.
Điều quan trọng nhất là cho phép bản thân trải qua những cảm xúc buồn bã, lo sợ… một cách tự nhiên nhưng không bỏ cuộc. Hãy mở ra chương mới trong cuộc đời bằng cách chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, hay các chuyên gia.