Nhảy vào lửa cứu người, bị bảo hiểm từ chối bồi thường vì "tự làm bị thương"
Bỏng nặng do cứu cả gia đình thoát khỏi vụ hỏa hoạn, anh Dương bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường với lý do vết thương do anh tự gây ra; Dương liền kiện ra tòa.
Đầu tháng 5, website của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đăng tải chi tiết vụ án người đàn ông họ Dương sống tại tỉnh Hồ Bắc kiện công ty bảo hiểm ra tòa. Công ty này từ chối bồi thường dù anh bị thương nặng sau khi cứu cả gia đình thoát khỏi đám cháy. Câu chuyện này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Tháng 1/2023, Dương đang ở nhà bạn thì nghe tin ngôi nhà gỗ nhỏ của gia đình mình bốc cháy, bên trong có mẹ, vợ và con trai anh. Dương ngay lập tức trở về, lao vào ngọn lửa và cứu sống tất cả mọi người. Anh bị bỏng nặng ở nhiều nơi trên cơ thể.
Sau khi Dương được điều trị y tế, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường cho anh với lý do vết bỏng được tạo ra do hành động của chính anh chứ không phải do tai nạn. Dương không đồng ý với lập luận của công ty bảo hiểm nên đã kiện ra tòa. Trong quá trình tố tụng, luật sư đại diện cho hai bên tranh cãi về việc vết thương của Dương có phải do anh tự gây ra hay không.
Tòa án cho rằng, công ty bảo hiểm không đưa ra định nghĩa rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm về cách xử lý thương tích do hành động của một người gây ra, đặc biệt là trường hợp của Dương không hề tự làm hại bản thân. Mặt khác, việc công ty bảo hiểm từ chối yêu cầu bồi thường của anh Dương là không có tình người. Do đó, tòa yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường cho khách hàng này 580 nghìn nhân dân tệ (hơn 2 tỷ đồng).
Không chấp nhận bản án, công ty bảo hiểm nộp đơn kháng cáo nhưng tòa án cấp cao hơn vẫn giữ nguyên phán quyết.
Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết trong bài đăng trực tuyến: “Dập lửa để cứu người thân là bản năng của mỗi người và là nghĩa vụ xã hội được Bộ luật Dân sự quy định. Chúng tôi không thể đơn giản phân loại hành động này tương tự việc tự làm hại bản thân hoặc tự sát. Luật pháp không nên lạnh lùng và cần phải có tình người".
Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Douyin. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự phẫn nộ với công ty bảo hiểm và đồng tình với kết luận của tòa án: “Tên công ty bảo hiểm này là gì? Tại sao không công bố tên của nó để mọi người tránh bị họ lừa?”; “Công ty này thật vô liêm sỉ, cần phải trừng phạt thật nặng”; "Tòa án đã làm rất tốt khi đứng ra bảo vệ người yếu thế" ...
Nguồn: SCMP