Nhật thực lai cực hiếm gặp diễn ra vào 20/4, ở Việt Nam có quan sát được không?
Dù không nằm trong vùng nhật thực lai xảy ra nhưng người yêu thiên văn Việt Nam vẫn có thể quan sát một phần sự kiện đặc biệt này.
Nhật thực lai là gì?
Ngày 20/4/2023 sẽ diễn ra hiện tượng thiên văn vô cùng thú vị - nhật thực lai. Hiện tượng này được xem là một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm 2023 bởi nếu bỏ lỡ, sẽ còn rất lâu nữa, người yêu thiên văn mới có cơ hội chiêm ngưỡng.
Trước hết hãy cùng nói về hiện tượng nhật thực. Nói một cách đơn giản, hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, cản một phần ánh sáng đi từ Mặt Trời tới Trái Đất chúng ta. Khi đó cái bóng của Mặt Trăng sẽ đổ xuống Trái Đất.
Do độ cong của Trái Đất nên người dân ở các vĩ độ khác nhau sẽ khiến nhật thực có khả năng được nhìn thấy nhật thực với những khuôn mặt khác nhau. Đó có thể là nhật thực toàn phần, khi Mặt Trăng "ăn" trọn Mặt Trời tạo nên hình ảnh quả cầu lửa được nhuộm đen và xuất hiện một vòng hào quang "ma mị" ở viền ngoài. Trong một trường hợp khác, độ "hoàn hảo" ít hơn, ánh sáng Mặt trời tạo thành một vòng lửa bao quanh mặt trăng (theo góc nhìn quan sát) - đó là nhật thực hình khuyên.
Nhật thực lần này sẽ bắt đầu ở phía Nam biển Ấn Độ Dương, quét qua châu Úc, Đông Nam Á và kết thúc ở Thái Bình Dương.
Các khu vực quan sát được là Nam Á, Đông Nam Á, khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Nam Cực. Vùng nhìn thấy được pha nhật thực hình khuyên và toàn phần (khi Mặt Trời đạt màu đen tuyệt đối) rất hẹp, đa phần là ở vùng biển gần Nam Cực.
Nhật thực diễn ra vào 20/4 lại là trường hợp lai giữa hai loại nhật thực nói trên, tiếng Anh là hybrid solar eclipse, tức nhật thực lai - theo Dateandtime.com.
Tùy vào vị trí quan sát, khi nhật thực lai xảy ra, một số vùng trên Trái Đất sẽ quan sát được pha toàn phần, một số vùng khác sẽ quan sát được pha hình khuyên (và dĩ nhiên, một số nơi khác nữa chỉ thấy được pha một phần), nhưng đều rất hẹp.
Đặc biệt, trong tất cả các loại nhật thực, nhật thực lai là loại cực hiếm, chỉ chiếm 4,8%. Trong thế kỷ 21, chỉ có bảy lần nhật thực như vậy diễn ra, trong đó có nhật thực hôm 20/4 này.
Việt Nam có quan sát được không?
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), Việt Nam nằm trong vùng quan sát nhật thực, nhưng Mặt Trời chỉ bị che khuất tối đa 8% do đó chỉ thấy hiện tượng nhật thực một phần. Và không phải toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đều có thể xem được. Khu vực có thể quan sát được nhật thực 1 phần là từ Nam Quảng Trị trở vào phía Nam.
Trong đó, thuận lợi nhất là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng ngay cả ở đây thì độ che khuất cũng chỉ là 8% (tức Mặt Trời chỉ bị che mất 8%).
Tại TP Hồ Chí Minh, nhật thực bán phần sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ 36 phút ngày 20/4 (giờ Việt Nam), đạt cực đại với độ che phủ 5,38% vào lúc 11 giờ 20 phút và kết thúc vào lúc 12 giờ 6 phút cùng ngày.
Sau lần nhật thực này, phải chờ đến ngày 2/8/2027, người yêu thiên văn mới tiếp tục được chứng kiến hiện tượng này.
Đây là hiện tượng vô cùng thú vị và hiếm gặp, tuy nhiên cách quan sát hiện tượng này hoàn toàn khác so với sao băng hay các hành tinh khác, bởi việc chiêm ngưỡng hiện tượng này có thể gây ảnh hưởng đến thị lực của bạn.
Cho dù bạn xem trực tiếp hay xem qua phát trực tiếp thì đều cần tuân thủ những biện pháp sau:
- Tuyệt đối không nhìn vào mặt trời bằng mắt thường hoặc kính râm rẻ tiền. Ngay cả khi có nhật thực toàn phần thì việc nhìn vào Mặt Trời có thể làm hỏng thị lực của bạn.
- Để quan sát nhật thực an toàn, các chuyên gia khuyến cáo cần có kính bảo vệ chuyên dụng như kính lọc, kính nhật thực hoặc có lớp lọ chuyên dụng dành cho kính thiên văn nếu quan sát bằng kính thiên văn.
Bên cạnh đó, người yêu thiên văn có thể theo dõi hiện tượng này bằng cách quan sát qua chậu nước pha mực, có thể để một tấm gương ở dưới đáy chậu nước để phản xạ mặt trời tốt hơn.